Ứng cử viên phải ý thức rõ trách nhiệm đối với cử tri

08:06, 13/05/2016

Hiện nay, danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước đã được công bố. Tại các địa phương, danh sách ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân cũng đã được thông tin rộng rãi tới cử tri. Có thể nói, mối quan tâm lớn nhất của cử tri cũng là trọng trách đối với các ứng cử viên đó là từng ứng cử viên sẽ làm gì nếu trúng cử là đại biểu của dân.

Cử tri chấm điểm ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân không chỉ ở những bản tóm tắt tiểu sử, lý lịch công tác một cách khô khan. Cử tri đánh giá, nhận định một cách dễ dàng hơn, xác đáng hơn năng lực, thái độ, trách nhiệm của ứng cử viên thông qua việc ứng cử viên trình bày chương trình hành động của họ như thế nào trước cử tri. Đó là lúc cử tri nhận thấy khả năng cũng như các chương trình, kế hoạch cụ thể của ứng cử viên nếu họ trở thành người đại diện của dân.

 

Theo quy định, mỗi ứng cử viên sẽ có 5-10 phút để thể hiện chương trình hành động của mình. Với thời gian ngắn gọn như vậy nhưng theo ông Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thì đó là thời điểm cử tri nên sáng suốt và ứng cử viên nên thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình.

 

“Ý thức của người ứng cử hay người tái cử tôi nghĩ cũng đã có sự chuẩn bị. Do vậy, bản thân mỗi người họ cũng đã chuẩn bị suy nghĩ khi ra ứng cử mình sẽ nói vấn đề gì, mình sẽ trao đổi với cử tri để họ hiểu nếu được bà con cử tri tín nhiệm thì mình làm đại biểu dân cử như thế nào. Tôi nghĩ mỗi người với ý thức như vậy họ đã rất chủ động rồi”, ông Trương Minh Hoàng nói.

 

Nội dung cử tri chờ đợi trong chương trình hành động của ứng cử viên không phải chỉ là lĩnh vực ứng cử viên đang công tác mà quan trọng ứng cử viên sẽ có hành động cụ thể gì nếu được cử tri và nhân dân tín nhiệm trở thành đại diện dân cử trong cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

 

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ứng cử viên không nên quá sa đà trình bày những việc mình đã làm trong lĩnh vực đang công tác. Để thuyết phục được cử tri, ứng cử viên nên tìm hiểu kỹ những đặc thù của địa phương, tâm tư, nguyện vọng của cử tri nơi mình ứng cử, qua đó giúp cử tri nơi đó hiểu rằng mình sẽ đóng góp được những gì sau khi trúng cử.

 

“Ứng cử viên để được bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho cử tri cả nước nhưng trước hết đại diện cho cử tri địa phương nơi mình ứng cử nên phải nắm bắt được hơi thở cuộc sống ở nơi đó để mình nhập vào cộng đồng nơi mình đến ứng cử, nói lên được tâm tư, nguyện vọng của người dân thì họ mới tin tưởng gửi gắm niềm tin vào ứng cử viên. Điều anh nói ra phải phù hợp với điều cử tri và nhân dân nơi mình ứng cử đang muốn, đang cần”, ông Đinh Xuân Thảo nói.

 

Cử tri sẽ thực sự quan tâm nếu ứng cử viên nói trúng được điều họ đang cần, đang mong muốn thay đổi. Thái độ trình bày chân tình, cởi mở cùng những lời hứa sát thực, cụ thể của ứng cử viên sẽ là những điểm cộng, tạo ấn tượng tốt với cử tri. Ứng cử viên cũng nên dành thời gian lắng nghe câu hỏi của cử tri đặt ra để trả lời một cách sắc sảo và có tính thuyết phục.

 

Đại biểu Phạm Trường Dân, đoàn Quảng Nam cho rằng cử tri đặt niềm tin vào những đại biểu nói đi đôi với làm. Vì thế, không nên hứa suông, hứa tràn lan. “Trong khóa 14 sắp tới, lựa chọn đại biểu Quốc hội thận trọng, bảo đảm đức tài và uy tín với nhân dân. Nói ít hơn và làm nhiều hơn và đề cao trách nhiệm của người đại biểu với cử tri nên cử tri cần cố gắng lựa chọn”.

 

Lời hứa trong chương trình hành động sẽ được cử tri dõi theo trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của ứng cử viên nếu họ trúng cử là đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại biểu Nguyễn Văn Pha, đoàn Nam Định đề nghị nên có quy định tạo thuận lợi hơn cho cử tri giám sát, từ đó, ràng buộc trách nhiệm của ứng cử viên một cách chặt chẽ hơn nếu họ trúng cử.

 

“Hiện nay, có quy định rõ mỗi năm vào kỳ họp cuối năm thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải báo cáo với cử tri về kết quả hoạt động của mình nhưng nhiều nơi thực hiện không nghiêm túc chỉ có báo cáo chung của cả đoàn tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Tôi biết một số nơi như trong bầu cử khóa 13 vừa rồi Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng yêu cầu những người ứng cử trúng cử phải nộp cho mặt trận chương trình hành động để mặt trận đóng thành quyển và phát cho các thành viên mặt trận giám sát cả nhiệm kỳ. Những hình thức đó đều là tự phát của địa phương thôi. Tới đây cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Văn Pha đề nghị.

 

Là ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, mỗi người nên ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với cử tri. Nó thể hiện ở sự chân tình, cởi mở với tâm nguyện được hiểu, được chia sẻ với cử tri trong các buổi tiếp xúc, ở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, và thuyết phục trong chương trình hành động. Trách nhiệm đó cần được nhân lên khi họ được cử tri tín nhiệm và trở thành người đại diện thực sự của cử tri./.