Về Trường Sa hôm nay

17:04, 04/05/2016

Có những bài hát, vần thơ cố ý học mãi vẫn chưa thuộc, xong bài hát "Gần lắm Trường Sa" tôi đã thuộc không biết tự bao giờ. Và rất may mắn, tôi đã có được hành trình vượt trùng khơi để đến nơi đầu sóng ngọn gió cùng với các đại biểu của Thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Thái Bình, Bắc Ninh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các chiến sỹ hải quân.

Hải trình vượt trùng khơi

 

Bình minh ngày 27-4, sau một hồi còi rền vang, hùng tráng, tạm biệt những người thân yêu, con tàu mang số hiệu 561 của Hải quân Nhân dân Việt Nam đưa chúng tôi vào hải trình. Đêm trước khi lên tàu, tôi không sao ngủ được. Mặc dù chưa một lần gặp mặt, song hình ảnh về những người chiến sỹ kiên trung, dũng cảm nơi đảo xa cứ hiện về trong tâm trí tôi cùng những câu hát "Không xa đâu Trường Sa ơi! " văng vẳng đâu đây...

 

Từ nhiều năm qua đã có hàng ngàn lượt hải trình đến với vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc với những nhiệm vụ khác nhau, với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo,... Trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, mỗi hải trình đều có những dấu ấn, kỷ niệm khó quên. Với Đoàn công tác chúng tôi, đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội - Trưởng Đoàn cho biết: Hải trình lần này, Đoàn dự định sẽ thăm cán bộ, chiến sỹ 7 đảo, một nhà giàn và dự khởi công xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đảo Tiên Nữ.

 

Các thành viên đoàn chúng tôi đại đa số lần đầu tiên ra đảo nên cảm giác háo hức, ngóng đợi, hồi hộp luôn thường trực. Chợt có con sóng lớn vỗ mạn tàu tung nước lên boong đã cho chúng tôi chút vị đậm đà của biển. Theo kinh nghiệm dân gian, "Tháng Ba bà già đi biển", có nghĩa là vào dịp tháng Ba âm lịch thì trời yên biển lặng nhất trong năm, bà già cũng có thể đi biển được. Vậy mà vừa ra tới cửa biển, sóng vỗ ào ạt hai mạn tàu cùng với gió ngàn đại dương ầm ào, thân tàu thoáng chao lắc khiến nhiều người trong chúng tôi nôn nao.

 

Cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lát chào đón đoàn công tác.

 

Đứng trên boong, nhìn con tàu rẽ sóng lao lên phía trước trong tiếng ầm ào của đại dương, tôi chợt nghe tiếng ghi ta bập bùng, giọng hát da diết cất lên từ một bạn gái miền biên viễn: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa xa lắm em ơi! Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh đảo trúc san hô. Trường Sa ơi! Biển đảo yêu thương...", bài hát mà tôi đã thuộc nằm lòng và giai điệu của nó cứ án ngữ trong tâm trí tôi kể từ khi con tàu nhổ neo rời bến làm tôi bừng tỉnh.

 

Đảo Đá Lát nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Đây là đảo san hô khép kín, phía trong là hồ nước. Khi thủy triều lớn, toàn đảo bị ngập nước; thủy triều xuống thấp, các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Có tiếng ai đó bỗng reo lên: Đảo kia rồi! Chúng tôi cùng xúm lại mũi tàu. Phía chân trời xa, một vệt sáng nổi trên biển lớn dần lên. Thế là sau 2 ngày đêm lênh đênh trên sóng nước, từ cảng Cát Lái Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đến đảo Đá Lát, điểm dừng chân đầu tiên trên hải trình thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

 

Nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 14 hải lý về phía Tây, nhìn từ khơi xa, đảo chìm Đá Lát giống như con tàu hiên ngang giữa muôn trùng sóng nước. Ban đêm, ngọn hải đăng trên đảo có tầm quét ánh sáng khoảng 15 hải lý thật sự là mắt biển chỉ đường cho hàng nghìn tàu cá của ngư dân, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo đảm sự an toàn của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông của Việt Nam. Buổi sáng, khi mặt trời ló rạng, thủy triều rút xuống, đảo chìm Đá Lát nhô lên khỏi mặt biển là một vùng san hô rộng lớn.

 

Trò chuyện với chúng tôi, thượng úy Phan Văn Bình, Chỉ huy trưởng của Đảo cho biết: Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, cán bộ chiến sĩ luôn phối hợp cùng các lực lượng duy trì sẵn sàng chiến đấu, giữ vững thông tin liên lạc, quan sát, nắm chắc mọi hoạt động trên không, trên biển của tàu thuyền trong phạm vi của đảo, đồng thời xử lý các tình huống xảy ra trên biển theo đúng chính sách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã tiến hành khám và cấp thuốc điều trị cho 125 lượt ngư dân, hỗ trợ 480 lít nước ngọt và 60 kg gạo cho ngư dân, xác nhận cho 471 lượt tàu cá Việt Nam ra đánh bắt hải sản tại khu vực đảo đúng quy định và pháp luật; đơn vị đạt vững mạnh toàn diện. Đảo Đá Lát và Trạm Hải đăng luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản mỗi khi ra khơi. Trung úy Lương văn Lừng, quê ở Thanh Hóa tâm sự: Do đồng đội luân phiên ra đảo nhận nhiệm vụ bị bệnh, anh đã tình nguyện ở lại phục vụ trên đảo suốt 28 tháng qua. Mặc dù vậy, gia đình luôn quan tâm, động viên để anh yên tâm công tác; anh em trên đảo luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cán bộ chiến sỹ luôn khắc phục thời tiết khắc nghiệt, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi lợn. Chỉ tính riêng năm 2015, tổng thu từ tăng gia sản xuất đạt trên 43 triệu đồng...

 

Không thể tả hết niềm xúc động trào dâng khi các thành viên đoàn chúng tôi được gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ trên đảo, tận mắt chứng kiến nơi sinh hoạt và thường trực sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ. Phó Đô đốc Đinh Gia Thật, Bí thư đảng ủy, Chính ủy Hải quân Nhân dân Việt Nam chia sẻ: Trong cuộc đời ông, không nhớ rõ đã bao nhiêu lần đến với Trường Sa, song chẳng bao giờ chai lỳ cảm xúc, mỗi lần đi là mỗi lần xúc động rưng rưng. Chẳng biết từ đất liền ra đảo, chúng ta động viên được các chiến sỹ bao nhiêu, mà chỉ thấy chính họ - những chiến sỹ kiên trung nơi đảo xa yêu đời, vui tươi, phấn khởi, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc đã động viên chúng ta sống, làm việc và cống hiến sao cho tốt hơn, xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng của các anh.