Vượt Trường Sơn - Hành trình xuyên Á theo chân Bác

08:33, 19/05/2016

Trên dặm dài xuyên Á, ở những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động, ai cũng nhắc đến tư tưởng về xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc và độc lập, tự do của Người. Điều đó càng thêm nhắc nhớ chúng ta luôn biết trân trọng và tiếp tục phát huy những giá trị tư tưởng của Bác… Chúng tôi đã vinh dự được tham gia “Hành trình xuyên Á theo chân Bác” do Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tổ chức. Đến những nơi Bác từng hoạt động bên nước bạn, càng thêm trân trọng về tình cảm quốc tế và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng của Người về xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ngày sinh của Bác, bản Mạy (Thái Lan) mở hội làng

 

Từ Thái Nguyên, mảnh đất An toàn khu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng lãnh đạo kháng chiến trường kỳ (1946-1954), chúng tôi đến tỉnh Quảng Bình nhập Đoàn công tác trước sự đón tiếp của lãnh đạo đại diện Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam từ nước bạn sang. Vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ qua cửa khẩu Cha Lo thẳng tiến đường xuyên Á (đường 12A) qua tỉnh Khăm Muộn của Lào đến bên bờ sông Mê Kông qua cầu Hữu Nghị 3 - đến tỉnh Na-khon-pha-nôm (Thái Lan). Đây chính là cung đường ngắn nhất kết nối vùng Đông Bắc Thái Lan tới Việt Nam ra Biển Đông. Mới dừng lại ở cửa khẩu phía Na-khon-pha-nôm của Thái Lan, đã thấy các cô, các bác Việt kiều ôm hoa phất cao Quốc kỳ của 3 quốc gia (Việt Nam - Lào - Thái Lan) chào đón Đoàn.

 

Cầu Hữu nghị 3 vượt sông Mê Kông từ Lào sang Thái Lan nối đường xuyên Á từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan.

 

Xe lướt đi giữa đại lộ thẳng tắp, xuyên qua rừng cây xanh rợp bóng mát chừng 15 phút, chúng tôi đến bản Mạy, nơi có Làng hữu nghị Thái - Việt. Từ đường cái nội thị vùng Na Chook (Khu dân cư) nhìn vào bản Mạy đã thấy cờ, hoa hai nước Thái Lan, Việt Nam và đông đúc người, xe ken chật lối vào Khu tưởng niệm Bác Hồ. Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội Thái - Việt tỉnh Na-khon-pha-nôm cho biết, bản Mạy là một “địa chỉ đỏ” rất đỗi thiêng liêng đối với bà con Việt kiều trên đất Thái Lan. Vào tháng 7-1928, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, lúc bấy giờ lấy bí danh là Thầu Chín, đã dừng chân và cùng bà con Việt kiều yêu nước hoạt động cách mạng ở nơi này. Ở bản Mạy, Bác sống trong gia đình ông Võ Trọng Đài, một người bạn của Bác khi còn ở Việt Nam, một quần chúng giác ngộ cách mạng và rất hăng hái hoạt động đoàn thể. Sau khi ông Đài qua đời, ngôi nhà Bác Hồ từng ở và hoạt động được giao lại cho người con trai tên là Tiêu cai quản. Khi Bác Hồ đến bản Mạy, ông Tiêu chỉ mới 8 tuổi. Ông cũng chính là người được Bác Hồ dạy tiếng Việt và sống gần gũi Bác. Thời hoạt động cách mạng ở đây, ông Thầu Chín khuyên các hội viên trong Hội hợp tác dựng một ngôi nhà khang trang để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngoài thời gian đi vận động và tổ chức phong trào yêu nước ở các vùng khác, ông Thầu Chín thường tham gia nhiều hoạt động của Hội hợp tác bản Mạy như dựng Nhà hợp tác, trồng lúa, đắp đường, làm gạch và rất nhiệt tình trong việc học tiếng Thái, dạy trẻ em chữ Việt. Trong các buổi tiếp xúc với đồng bào ở đây, ông Thầu Chín đã khéo léo nhắc nhở bà con phải luôn tự hào với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và hướng về cội nguồn dân tộc. Chọn Thái Lan không chỉ là nhiệm vụ “tuyên truyền cách mạng về trong nước từ phía Tây” mà còn là “bàn đạp” trở về Việt Nam qua đường Lào, bởi nơi đây có hậu thuẫn của hơn một vạn Việt kiều đang làm ăn, sinh sống. Đa phần họ là những người Việt Nam yêu nước, đang tạm thời phải lưu lạc bởi sự truy đuổi gắt gao của thực dân Pháp.

 

Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam, ông Prachuab Chaiyasan tâm sự: “Không hẹn mà đến, ngày 19-5 hàng năm, dòng người từ khắp mọi miền của đất nước Thái Lan lại về đây cung kính dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ trong Nhà tưởng niệm. Và bản Mạy từ lâu đã trở thành điểm hẹn của các thế hệ người Thái gốc Việt, hoặc con, cháu họ sau này về đây như tìm về nguồn cội”.  

 

Lắng sâu những giá trị tư tưởng của Người

 

Trong bài diễn văn tại Lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ, ông Prachuab Chaiyasan, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam nhắc lại nhiều lần bằng ngôn ngữ Thái với bà con: “Hôm nay (19-5), chúng ta về đây là để thăm thân, nhưng lớn hơn cả là để tưởng nhớ Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh và giành thắng lợi trước bọn đế quốc, thực dân xâm lược, cởi trói xiềng xích của chế độ thực dân đô hộ, áp bức để giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Giá trị to lớn nhất mà chúng ta học được ở lãnh tụ Hồ Chí Minh, đó là hai chữ Độc lập, Tự do và tư tưởng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng, đoàn kết, chúng ta luôn tưởng nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, một biểu tượng về đấu tranh kiên cường vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Được biết chính vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Thái - Việt cũng mang trong mình dòng sữa mẹ Việt Nam. Khi còn đương chức là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục và Phó Thủ tướng Thái Lan, ông cũng luôn quan tâm chăm lo vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan. Đặc biệt, hàng năm, ông vẫn trở về bản Mạy đúng ngày 19-5 thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ.

 

Bản Mạy thuộc huyện Mường, tỉnh Na-khon-pha-nôm, ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX do những người Việt từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư đến đây lập nghiệp. Hiện nay, bản có trên 200 hộ, trong đó hơn 90% là người Việt. Tháng 9-2001, chính quyền tỉnh Na-khon-pha-nôm và bà con dân bản Mạy đã đóng góp tiền của, công sức, dựng lại trên nền đất cũ của Nhà hợp tác ngôi nhà rộng hơn 200m2 và trở thành ngôi nhà chung của mọi người khi đến đây.

 

Tháng 1-2004, từ sáng kiến của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh, Phó Thủ tướng Thái Lan, Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Việt - Thái và quyết định thành lập Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy. Có thể thấy, dù chỉ lưu lại thời gian ngắn (từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929), nhưng dấu ấn Bác Hồ tại bản Mạy, tỉnh Na-khon-pha-nôm vẫn hết sức sâu đậm qua ký ức người dân và những kỷ vật của Người được các thế hệ bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Những hình ảnh gần gũi, thân thuộc của làng quê Việt Nam trên đất nước Thái Lan là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị thân thiết giữa nhân dân hai nước Việt - Thái.

 

Bên kia bờ sông MêKông, Khu lưu niệm Bác Hồ đã được Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nhà nước Lào đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm thành phố Cay-xỏn-phôm-vi-hản, tỉnh Sa-van-na-khẹt, nhằm ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc của các bộ tộc Lào. Công trình có diện tích hơn 1.000m2, được khởi công và hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, tháng 6-1929, vẫn dùng bí danh là Thầu Chín, Bác Hồ đã từ Mukdahan (Thái Lan) vượt sông Mê Kông sang thị xã Sa-van-na-khẹt (Lào) để khảo sát tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, sau đó Người trở lại Thái Lan. Mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, chính quyền địa phương, Việt kiều và nhân dân cả 3 nước lại kết nối đến các địa chỉ này dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ.

 

Khát vọng hội nhập, cùng chung sống hòa bình, phát triển thịnh vượng đã giục giã chúng ta mở đường xuyên Á. Trên hành trình đến với bạn bè, giao lưu, hợp tác, hội nhập, phát triển, chúng ta càng vững tin, khi đi trên con đường Bác đã đi qua…