Sáng nay (13-6), tại phiên họp 49, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân.
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm (gồm Đoàn Hội thẩm nhân dân và Đoàn Hội thẩm quân nhân); mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm với Hội thẩm; mối quan hệ giữa Đoàn Hội thẩm với cơ quan, tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân đối với Đoàn Hội thẩm; các điều kiện bảo đảm hoạt động của Đoàn Hội thẩm
Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của các Hội thẩm được thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu và khu vực nơi có Tòa án quân sự khu vực, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Hội thẩm nhân dân là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, quy định cần thể hiện tính nhân dân trong xét xử và không phải hành chính hoá Đoàn Hội thẩm. Hoạt động của Đoàn phải theo quy trình gắn quyền xét xử nên việc giao chức năng, quyền hạn cần nghiên cứu kỹ.
Phó Chủ tịch Quốc hội phân vân về quy định “Đoàn Hội thẩm nhân dân tham gia ý kiến với Tòa án nhân dân cùng cấp về việc nâng cao chất lượng công tác xét xử của Hội thẩm”. Bởi, “nhánh quyền lực Tư pháp mà Toà án là trung tâm thay mặt Nhà nước nên ý kiến với Toà án là lớn lắm. Riêng tôi không đồng ý. Hoạt động của Đoàn Hội thẩm là gắn với xét xử của Toà án, không nên cường điệu hoá”.
Cũng liên quan đến quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của Đoàn hội thẩm, Quy chế thể hiện: “Tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người Hội thẩm nhân dân, giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ”.
Đề nghị cân nhắc về quy định trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: Có phải nhiệm vụ nào cũng phải đưa ra Đoàn để trao đổi không? Đoàn nâng cao trình độ nhiệm vụ của Hội thẩm thì làm sao làm được, rồi có trường không, được bồi dưỡng không? Giữ gìn phẩm chất đạo đức làm thế nào?”.
Về quy định Đoàn Hội thẩm tham gia ý kiến với TAND cùng cấp về việc nâng cao chất lượng công tác xét xử của Hội thẩm, ông Phan Trung Lý cũng bày tỏ băn khoăn vì Luật quy định Hội thẩm nhân dân là độc lập, tham gia trong xét xử để bảo vệ công lý.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: “Không quy định cái gì vượt quá Luật Toà án, vượt chức năng, quyền hạn của Toà án. Còn việc nâng cao chất lượng xét xử thì khi chọn Hội thẩm phải chọn người có đủ trình độ, năng lực và người này cũng phải tự thấy trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia xét xử để đóng góp cho chất lượng xét xử chứ không phải yêu cầu Toà thế này thế kia. Cái này phải rõ ràng”.
Đề cập vấn đề kinh phí, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Nhiệm vụ chi cho Hội thẩm là của Toà án, cần quy định được phụ cấp cái gì khi xét xử thì toà căn cứ mà chi, không có mục riêng trong Luật Ngân sách. Xác định nhiệm vụ chi là do Toà án, còn chính sách bao nhiêu thì Toà cứ thế căn cứ. Đừng làm thêm nhánh quyền lực nữa. Ra Quy chế này lại có thêm tổ chức có quyền lực nữa tác động tham gia vào quyền lực của toà án là không được”.
Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản nhất trí quy định Đoàn Hội thẩm nhân dân bao gồm các Hội thẩm nhân dân được bầu để thực hiện nhiệm vụ xét xử tại mỗi Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, với số lượng được quy định: Cứ 2 Thẩm phán có 3 Hội thẩm, nhưng tổng số Hội thẩm của một Tòa án nhân dân cấp tỉnh không dưới 20 người và không nhiều hơn 100 người.
Tại Tòa án nhân dân cấp huyện: Cứ 1 Thẩm phán thì có 2 Hội thẩm, nhưng tổng số Hội thẩm của một Tòa án nhân dân cấp huyện không dưới 15 người và không nhiều hơn 50 người, trừ trường hợp đặc biệt có thể có dưới 15 người.
Đoàn Hội thẩm nhân dân có Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và các Hội thẩm nhân dân là thành viên.
Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Quy chế và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện theo kết luận tại phiên họp./.