Trước khi nhà báo Hữu Thọ về cõi vĩnh hằng, tôi may mắn hai lần được gặp ông. Một lần ở Hội thảo 90 năm Báo chí cách mạng Việt Nam tại Báo Nhân Dân, trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội (18-6-2015). Một lần tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X ở Cung văn hóa Hữu Nghị (9-8-2015). Không ai ngờ rằng, sau đó chỉ trong một thời gian ngắn, ông tạ thế (13-8-2015).
Tác giả của tập tiểu phẩm có tên: “Kẻ hay cãi ”(xuất bản 1991) đã trút hơi thở cuối cùng hưởng bậc cao niên tóc bạc, da mồi, thượng thọ 84 tuổi. Thời gian vô tình trôi rất nhanh, cứ ngỡ như mới gặp ông hôm nào, vậy mà Nhà báo lão thành cách mạng Hữu Thọ đã xa khuất người thân, bạn bè, đồng nghiệp trở thành người thiên cổ được gần 1 năm. Vậy là ông không còn nhận được những lời chúc mừng thành kính của bạn bè, đồng nghiệp trong dịp Kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6- 2016.
Trong tập sách “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” ông bày tỏ rất nhiều trăn trở của người làm báo đối với nghề, với nghiệp, với lương tâm, trách nhiệm, năng lực người cầm bút. Sau khi về hưu ông thường xuyên viết cho các chuyên mục của Báo Nhân Dân với bút danh Nhân Nghĩa, như “Chuyện làm ăn”, “Bàn góp sự đời” đó là những mẩu chuyện dưới dạng tiểu phẩm với bút pháp giản dị, tài hoa, sâu sắc, dí dỏm, hài hước. Ông là một nhà báo viết rất nhiều thể loại: Phóng sự, điều tra, bình luận, bút ký... Dường như ông đều thành công trong các loại hình chuyển tải thông tin và để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn đọc.
Có thể nhiều độc giả chưa biết, cách đây mấy chục năm, Nhà báo Hữu Thọ còn là một trong những cây bút góp phần phát hiện, cổ vũ, cho việc một số địa phương “xé rào hợp tác” khoán chui, khẳng định vai trò tiên phong về một hướng làm ăn mới trong nông thôn đó là khoán sản phẩm trong nông nghiệp và giao đất, giao rừng. Những bài báo điều tra của ông từ thực tiễn sinh động đã góp phần làm cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước rút ra bài học, chỉ đạo việc đổi mới cơ chế khoán hộ trong nông nghiệp (khoảng thời gian từ 1979 đến 1988, sau khi đổi mới cơ chế, nhân ra diện rộng, đã đưa nước ta từ thực trạng thiếu ăn triền miên trở thành nước xuất khẩu lương thực).
Tại cuộc Hội thảo 90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam chúng tôi cùng nhiều đồng nghiệp chăm chú lắng nghe những nhà báo, nhà văn lão thành Hà Đăng, Phan Quang, Hữu Thọ tham luận, tâm sự chuyện nghề nghiệp, họ là những người có kiến thức hàn lâm và trải nghiệm thực tế phong phú. Những bậc tiền bối đó luôn để cho các thế hệ hậu sinh làm báo Việt Nam rất kính trọng. Ông Hữu Thọ là một trong những điển hình mẫu mực của người làm báo, trên gương mặt ông dường như lúc nào cũng hiện lên vẻ chân thành, thông thái và ưu tư...
Trong bài tham luận “Mấy vấn đề về đạo đức của người làm báo” ông đã đánh giá sự lớn mạnh của báo chí Việt Nam gần một thế kỷ, góp phần tích cực vào sự thành công của các mạng dân tộc, dân chủ, đấu tranh thống nhất nước nhà, xây và bảo vệ tổ quốc và trong thời kỳ đổi mới, mở cửa. Các thế hệ cầm bút có rất nhiều nhà báo có tâm, có tài, khiêm tốn, trung thực....
Ngoài ra ông giành nhiều thời gian trải lòng đau đáu những nỗi niềm về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ đội ngũ những người làm báo hiện nay. Trong giai đoạn đổi mới, mở cửa, hội nhập với những biến động phức tạp của xã hội trong cơ chế thị trường có không ít nhà báo thực dụng, sa ngã, vụ lợi, biến chất, lợi dụng nghề nghiệp tống tiền, tham ô, tham nhũng, một số tờ báo chất lượng chuyên môn thấp, cẩu thả, sai sót nhiều. Một số ít tờ báo có biểu hiện giật gân, câu khách, áp lực từ những khó khăn khách quan trong việc tự lo cân đối thu chi nên rơi vào khuynh hướng thương mại hóa, cũng có cả những yếu tố bất cập về năng lực quan lý của nhiều người lãnh đạo báo chí không có chuyên môn... Ông nói: “... những tồn tại không ít và có việc không nhỏ, nổi lên là thông tin báo chí đưa sai sự thật quá nhiều, thậm chí là suy diễn, bịa đặt, gây ra nhiều bức xúc xã hội, có những sai sót mà chúng tôi không thể ngờ... cùng những hành vi tiêu cực khác mà tôi rất đau lòng khi phải nói lên sự thật rằng uy tín của giới báo chí đang giảm sút...”.
Ông đưa ra những thực trạng đáng buồn vì có nhiều nhà báo, cơ quan báo đã lợi dụng, lạm dụng báo chí vì những mục đích vật chất cá nhân, lợi ích nhóm... không đúng với chức năng, tôn chỉ của báo chí cách mạng. Nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị cũng lợi dụng “mua” báo chí để đề cao, tôn vinh một cách thái quá, thiếu các chuẩn mực của tính trung thực, thậm chí hạ uy tín người khác vì những động cơ không lành mạnh trong cả chính trị, kinh doanh, lợi dụng báo chí tô hồng che chắn cho tội ác tham ô, tham nhũng... Truyền thông vốn là một thế lực vì thế các thế lực khác của xã hội đều muốn lợi dụng truyền thông để phục vụ lợi ích của mình, nếu lợi dụng báo chí vì mục đích tốt đẹp là điều đáng mừng, nhưng nếu vì mục đích xấu thì nguy cơ sẽ gây ra tác hại khó kiểm soát. Ông nói rằng: Cạm bẫy tiền bạc và danh vọng hão giăng ra, bủa vây không chỉ với phóng viên mà cả những người lãnh đạo báo chí.
Ông là người thành danh trong nghề và cũng trải qua nhiều cương vị lãnh đạo, từng là Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (mặc dù tuổi cao, trước khi nghỉ hưu các Nhà báo Hữu Thọ và Hà Đăng đã nhận lời và làm trợ lý cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh)... Là một cán bộ lão thành giữ nhiều trọng trách trong quan trường, nhưng khi nhắc đến ông, người ta thường chỉ nhắc đến một danh xưng với lòng kính trọng: Nhà báo Hữu Thọ. Hơn nửa thế kỷ cầm bút ông không chỉ đơn thuần là người viết báo, người quản lý, ông như có mối duyên nợ nên luôn trăn trở, đau đáu về nghề báo, về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, nghiệp vụ của người làm báo và cũng luôn đau đáu về thế sự, về những thăng, trầm của của đất nước vì ông là một nhà báo lớn, một nhân cách lớn.
Bản tham luận của ông: “Mấy vấn đề về đạo đức người làm báo” như niềm tâm sự, suy tư, những nhận định, lời gửi gắm cuối cùng của ông đối với người làm báo và chắc ông vẫn luôn kỳ vọng các thế hệ cầm bút hội tụ được nội hàm, ý nghĩa của câu “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.