Nắm bắt kịp thời các luồng dư luận trong xã hội

16:10, 31/07/2016

Công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (DLXH) theo Kết luận số 100-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương và Đề án số 17-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã được cấp uỷ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả ngày một nâng lên.      

Tầm quan trọng của công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH đã được khẳng định trong nhiều văn kiện của Đảng và bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 1999. Gần đây nhất là vào ngày 18-8-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XI) đã ra Kết luận số 100-KL/TW về việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu DLXH. Trong Kết luận số 100-KL/TW nêu rõ: “Điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội là công việc quan trọng và rất cần thiết nhằm nắm bắt, tập hợp kịp thời, sát thực tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân về những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giúp các cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là một khâu quan trọng, cần thiết trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

 

Thực hiện sự chỉ đạo này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Đề án số 17-ĐA/TU ngày 12-11-2014 về nâng cao chất lượng nắm bắt và định hướng DLXH trên địa bàn tỉnh  giai đoạn 2014-2018. Cụ thể hoá nhiệm vụ nắm bắt DLXH, ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã thực hiện nhiều phương pháp, như: Điều tra xã hội học; tập hợp thông tin phản ánh từ mạng lưới cộng tác viên DLXH cấp tỉnh, cấp huyện; qua các phương tiện thông tin đại chúng; qua việc lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các văn kiện, văn bản pháp luật… Đối với phương pháp xã hội học, mỗi năm ngành Tuyên giáo của tỉnh tổ chức 4 đợt (mỗi đợt 1.000 phiếu) trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu có tính khoa học để tổng hợp chân thực, khách quan ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân về các vấn đề, nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, ngành Tuyên giáo trong tỉnh đã có nhiều hoạt động như: Thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn. Nhờ đó, cơ quan chuyên môn trong tỉnh đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng, dư luận xã hội nảy sinh ngay trong từng chủ trương, chính sách, dự án và ngay từ cơ sở, không để tâm trạng lo lắng, bức xúc kéo dài. Qua các thông tin đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, tình hình tư tưởng trong tỉnh, hàng tuần, ngành Tuyên giáo của tỉnh đã kịp thời tổng hợp, phân tích, đánh giá, nắm bắt và phản ánh DLXH (từ 2011 đến nay có gần 4.000 phiếu phản ánh dư luận của báo cáo viên) giúp cấp uỷ, chính quyền có cơ sở, phương hướng, biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả những vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Đồng thời, ngành Tuyên giáo của tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị hướng giải quyết với Thường trực cấp uỷ các cấp và các đơn vị có liên quan. Thông qua hoạt động tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị, kinh tế nổi bật của đất nước, của địa phương đã kịp thời định hướng tư tưởng dư luận xã hội về những vấn đề nhạy cảm, phức tạp và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái... Các cơ quan thông tin đại chúng như: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, đài truyền thanh và truyền hình cấp huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở; bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ... luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và các địa phương; đồng thời định hướng tư tưởng dư luận xã hội trên địa bàn; động viên, cổ vũ các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

 

Đồng chí Nguyễn Minh Hải, Phó Trưởng phòng Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ) cho biết: Hiện nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị báo cáo viên, cộng tác viên DLXH định kỳ hàng tháng để nắm bắt DLXH gắn với các sự kiện chính trị; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; an ninh quốc phòng; việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong 5 năm gần đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với ban tuyên giáo các cấp tổ chức được 22 cuộc điều tra xã hội học, với trên 22.000 phiếu điều tra... Từ kết quả đó, đã giúp cho cấp ủy đảng, chính quyền nhận thấy và chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đồng thời cung cấp dữ liệu giúp cho các cơ quan chức năng kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chính sách và định hướng tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

 

Mặc dù công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định nhưng để sự chuyên nghiệp, đảm bảo tính thời sự, khoa học vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực. Do vậy, trong các cuộc giao ban định kỳ, đột xuất với mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên DLXH, đồng chí Hoàng Anh Trung, Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều đề nghị: Cần nâng cao chất lượng nắm bắt và định hướng tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về những vấn đề bức xúc, nổi cộm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ các cấp. Cùng với đó là đội ngũ làm công tác nghiên cứu, điều tra, nắm bắt DLXH trong tỉnh phải có dự báo kịp thời, chính xác tình hình dư luận xã hội và đề xuất được các giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền đề ra những quyết sách đúng đắn; đồng thời bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ngành Tuyên giáo của tỉnh luôn có sự lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội có khả năng nắm bắt, tổng hợp, phân tích tâm trạng dư luận xã hội trước những tác động bởi các vấn đề, sự kiện quan trọng của địa phương, đơn vị và từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đời sống nhân dân…