Những tư liệu quý giáo dục truyền thống cho các thế hệ

16:51, 21/07/2016

Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể là nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho việc lưu giữ tư liệu và tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Xác định được ý nghĩa đó, để thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (năm 2002) về Nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, ngành trong tỉnh, thời gian qua, Thị ủy (trước là Huyện ủy) Phổ Yên đã dành sự quan tâm thích đáng với các cơ chế hỗ trợ hợp lý để đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử các Đảng bộ.

Tính đến tháng 6-2016, T.X Phổ Yên đã công bố, phát hành 2 cuốn lịch sử ngành: Quân sự và Giáo dục - đào tạo; 1 cuốn kỷ yếu Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND-UBND-MTTQ huyện giai đoạn 1960-2013 và 7 cuốn lịch sử Đảng bộ xã, phường.

Quý I năm 2015, đúng dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), Đảng bộ xã Nam Tiến và Đảng bộ thị trấn Ba Hàng (nay là phường Ba Hàng) công bố và phát hành, tặng trên 800 cuốn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Nam Tiến giai đoạn 1947-2014; Lịch sử Đảng bộ thị trấn Ba Hàng giai đoạn 1972-2014 cho cán bộ, đảng viên. Anh Dương Hồng Khanh, Bí thư Đoàn phường Ba Hàng cho biết: Cuốn sách với tôi rất ý nghĩa. Tôi có cơ hội được tìm hiểu kỹ những nội dung về sự ra đời, quá trình hình thành và phát triển thị trấn Ba Hàng. Đây cũng là tư liệu hữu ích để các cơ sở Đoàn tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên, thanh thiếu niên ở địa phương. Còn ông Nguyễn Quang Đinh, Bí thư Chi bộ xóm Hạ, Đảng bộ xã Nam Tiến thì bảo: Tôi và nhiều người con của quê hương lớn lên đều thoát ly đi làm ăn xa đến khi nghỉ hưu mới về sống tại địa phương. Vì vậy khi đọc cuốn lịch sử Đảng bộ xã, tôi hiểu thêm về mảnh đất có truyền thống hiếu học và cách mạng từ xưa. Nhất là danh sách liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng... được ghi danh trang trọng khiến mỗi gia đình, xóm làng thêm tự hào.

 

Hiện nay, Ban Tuyên giáo Thị ủy Phổ Yên tiếp tục chỉ đạo ngành Công an và các xã, phường hoàn thiện các bước sưu tầm, biên soạn để đảm bảo kế hoạch xuất bản, phát hành lịch sử đảng bộ. 4 xã, phường đã xong hội thảo lần 1 là: Thành Công, Vạn Phái, Tiên Phong, Bắc Sơn; 5 đơn vị: Đồng Tiến, Minh Đức, Bãi Bông, Đắc Sơn, Hồng Tiến đang tiến hành biên soạn trước khi tổ chức hội thảo.

Đọc cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nam Tiến, tôi tìm thấy không ít thông tin quý giá về vùng đất cách mạng xưa của Phổ Yên, có nhiều đoạn viết chi tiết, tỉ mỉ, chân thực và xúc động. Để có được những trang viết ấy, Ban Biên soạn lịch sử xã Nam Tiến - đa phần là cán bộ nghỉ hưu, gồm các ông: Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Đức Hạnh, Dương Văn Cự, Trần Anh Tuấn đã dành nhiều tháng trời lặn lội đến từng nhà, gặp gỡ các nhân chứng hay lên kho tư liệu của thị xã, của tỉnh để tìm hiểu, ghi chép, biên soạn cẩn thận. Ngoài Nam Tiến, xã Đông Cao cũng có những cán bộ cao tuổi đam mê nghiên cứu lịch sử và trách nhiệm với địa phương như cụ Nguyễn Hữu Khánh (hơn 80 tuổi), cụ Ngô Văn Củ (gần 80 tuổi) và một số cụ nay đã từ trần. Ròng rã hơn một năm, các cụ cùng cán bộ của xã đã sưu tầm, ghi chép cẩn trọng, tỉ mỉ. Nhiều thông tin lịch sử quý giá về giai đoạn ra đời và lãnh đạo của Chi bộ Tân Tiến (trước đây gồm Tân Phú, Tân Hương và Đông Cao) được cụ Ngô Văn Củ - một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ cung cấp có giá trị rất lớn. Vì vậy, cuốn lịch sử Đảng bộ xã Đông Cao giai đoạn 1930-2005 xuất bản, phát hành năm 2009 là cuốn lịch sử Đảng bộ xã đầu tiên của thị xã Phổ Yên, hoàn thành với kinh phí hơn 70 triệu đồng, được đánh giá là dày dặn, phong phú về tư liệu.

 

Ông Đào Đình Xuyên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Phổ Yên cho biết: Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, Thị ủy Phổ Yên chỉ đạo cấp ủy từng địa phương tổ chức triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Ban Tuyên giáo Thị ủy là cơ quan thường trực đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn về phương pháp sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cho các thành viên của tổ chức cơ sở đảng trực thuộc.

 

Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thị ủy, cấp ủy các địa phương đều đưa nội dung biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ vào nghị quyết của Đảng bộ. Ngoài xã Đông Cao, Nam Tiến có người viết sử, còn các xã, phường khác đều ký hợp đồng với một công ty biên soạn lịch sử của Hà Nội. Sau khi thành lập tổ nghiên cứu, sưu tầm, có kế hoạch thực hiện đề cương, theo chỉ đạo của cấp trên, các xã, phường liên hệ với công ty, các ngành chức năng để biên soạn. Ban Tuyên giáo cấp tỉnh và thị xã cũng hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức hội thảo, sửa chữa hoàn thiện và đề nghị cấp trên cấp giấy phép xuất bản. Thị xã Phổ Yên trích từ ngân sách hỗ trợ các xã, phường sau khi có giấy phép xuất bản là 70 triệu đồng/đơn vị. Cùng với nguồn kinh phí được cấp, các xã, phường đã vận động cán bộ, đảng viên và doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ việc xuất bản sách.

 

Nói về công tác xã hội hóa trong việc xuất bản, phát hành cuốn lịch sử đảng bộ của địa phương, ông Ôn Văn Huân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Kinh phí hoàn thành cuốn lịch sử Đảng bộ xã Phúc Thuận là gần 170 triệu đồng, ngoài mức hỗ trợ của thị xã (70 triệu đồng), số còn lại là đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên, sự hỗ trợ của con em đảng viên 76 và một số công ty, doanh nghiệp.

 

Ông Hà Minh Lợi, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét: Chúng tôi đánh giá cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn của huyện Phổ Yên - nay là thị xã Phổ Yên. Từ cấp thị xã đến cơ sở đều rất quan tâm đến công tác này. Số lượng tuy chưa nhiều nhưng chất lượng các cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã của Phổ Yên đã xuất bản về cơ bản đảm bảo yêu cầu, sát với thực tế.

 

Công tác biên soạn và viết sử nói chung và ở Phổ Yên hiên nay đang gặp không ít khó khăn như: tư liệu lưu trữ những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ còn ít và bị thất lạc; nhiều nhân chứng tuổi cao và không còn minh mẫn. Nhưng chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở, chất lượng của công tác biên soạn, phát hành lịch sử các ngành, địa phương của Phổ Yên thời gian tới sẽ đạt được cao hơn nữa.