Tri ân những người mẹ thầm lặng hy sinh cho Tổ quốc

15:50, 23/07/2016

Danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm suy tôn, tri ân những người mẹ đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc người chồng, người con ưu tú. Chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH không chỉ là việc của Nhà nước mà đã và đang được các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt, qua đó thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với sự hy sinh, cống hiến của các Mẹ VNAH.

Cứ đều đặn 10 giờ sáng mỗi ngày, không quản trời mưa hay nắng, Đại úy, bác sĩ Nông Trung Hiệu, Tổ trưởng Tổ Quân y (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và hai y sĩ khác trong đơn vị thay phiên nhau đến thăm, khám sức khỏe và điều trị bệnh tại nhà cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lợi, 93 tuổi ở phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên). Mẹ Lợi có hai người con liệt sĩ là anh Nguyễn Thọ Chính và anh Nguyễn Thọ Công đã hy sinh tại chiến trường miền Nam trong những năm 70 (thế kỷ XX). Mẹ bảo: Ngày nhận tin các anh hy sinh, mẹ như gục ngã. Nhưng rồi mẹ gắng gượng dậy lao động để nuôi những đứa con còn lại trưởng thành và đóng góp chút thành quả của người ở hậu phương chi viện cho tiền tuyến.

 

Tháng 10-2014, Mẹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ VNAH. Từ đó đến nay, ngoài chế độ của Nhà nước, sự chăm sóc của gia đình, Mẹ còn được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Mẹ được đơn vị trợ cấp thường xuyên mỗi tháng và nhận được quà, sự động viên, thăm hỏi của đơn vị vào các dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7... Nói về tấm lòng của các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Mẹ Lợi bảo: Được công nhận là Mẹ VNAH, mẹ cảm động lắm và khi được các anh bên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận phụng dưỡng thì mẹ thấy mình hạnh phúc hơn bởi không chỉ Nhà nước, gia đình mà cả xã hội cũng quan tâm tới mình. Có các anh chăm sóc, và điều trị hàng ngày tại nhà, bệnh tiểu đường của Mẹ nay đã ổn định, không còn nguy hiểm, Mẹ mới đủ sức khỏe ngồi nói chuyện thế này.

 

Trò chuyện với bác sĩ Nông Trung Hiệu sau khi anh vừa kiểm tra sức khỏe cho Mẹ, anh Hiệu chia sẻ: Là người lính, chúng tôi hiểu những gian khổ khi ra chiến trường và thấu hiểu sự hy sinh của Mẹ nên chúng tôi luôn chăm sóc Mẹ như chăm sóc người thân. Những khi Mẹ mệt, chúng tôi thay phiên nhau túc trực tại nhà Mẹ cả ngày, sẵn sàng can thiệp y tế nếu cần. Có thể nói, việc chăm sóc mẹ là trách nhiệm đơn vị giao phó nhưng cũng là tình cảm thực sự của mỗi y, bác sĩ chúng tôi. Đây cũng là việc làm thể hiện sự tri ân của đơn vị với thế hệ cha anh không tiếc máu xương cho Tổ quốc.

 

Cũng như Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lợi, Mẹ VNAH Phạm Thị Viết, 93 tuổi ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) có hai người con hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mẹ Viết có 7 người con trong đó có 4 người lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nhưng chỉ có 2 người trở về. 2 người con trai của Mẹ là liệt sĩ Nguyễn Minh Đức và liệt sĩ Nguyễn Văn Diện mãi mãi không về, các anh đã nằm lại chiến trường để cho Đất nước được vẹn toàn, độc lập. Tháng 10-2014, Mẹ Viết được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Hiện giờ, ngoài chế độ của Nhà nước, sự chăm sóc của gia đình, Mẹ được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Mẹ bảo, Mẹ rất cảm động bởi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đơn vị phụng dưỡng. Sự quan tâm này làm Mẹ vơi bớt nỗi buồn khi nhớ về hai người con đã hi sinh.

 

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, Phong trào Đền ơn đáp nghĩa và các phong trào chăm sóc người có công trên địa bàn tỉnh đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động sức mạnh của toàn xã hội trong đó nổi bật là phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ VNAH. Toàn tỉnh có 553 Mẹ VNAH đã vĩnh viễn mất đi người thân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của Tổ quốc trong đó có những Mẹ VNAH có đến 2 hoặc 3 người con và chồng đã anh dũng hy sinh. Các Mẹ VNAH hiện tuổi đã cao trong đó, có 5 mẹ trên 100 tuổi nên rất cần có sự quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng của xã hội bên cạnh chính sách của Nhà nước. Thực hiện Pháp lệnh quy định danh hiệu Mẹ VNAH, toàn tỉnh đã có 62 đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH và hiện nay còn 39 mẹ VNAH còn sống.

 

Công ty Điện lực Thái Nguyên là một trong những đơn vị tiêu biểu đi đầu trong phong trào Đền ơn đáp nghĩa và nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh. Được biết, để thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể cho từng năm. Qua đó, việc vận động xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Xã hội từ thiện luôn được công nhân viên chức, người lao động hưởng ứng nhiệt tình. Trung bình mỗi năm, Công ty vận động được khoảng 100 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ gia đình chính sách, đóng góp xây dựng quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương và phụng dưỡng Mẹ Lê Thị Gừng ở xã Vạn Phái (T.X Phổ Yên); Mẹ Phạm Thị Nhung ở xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) (đã mất tháng 7-2015); Mẹ Tô Thị Gái ở Phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), Mẹ Dương Thị Đành, ở xã Phương Giao (Võ Nhai).

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Tuấn Thịnh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Công tác chăm sóc người có công nói chung và Mẹ VNAH nói riêng là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Những năm qua, để góp phần thực hiện tốt công tác phụng dưỡng, ngoài các chế độ của Nhà nước theo quy định như: Trợ cấp ưu đãi hàng tháng, một lần, thăm hỏi khi lễ Tết, tổ chức điều dưỡng cho các Mẹ hằng năm, các đơn vị nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH đã phối hợp tốt với địa phương các cấp cùng với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp và gia đình, dòng họ trực tiếp phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ VNAH suốt đời; lo tang ma trang trọng, phù hợp khi Mẹ VNAH qua đời. Những việc làm này đã trở thành phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện đạo lý cao đẹp của dân tộc.

 

Qua phong trào, đã xuất hiện một số đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu nhận phụng dưỡng, chăm sóc thường xuyên cho nhiều Mẹ VNAH như: Công ty Điện lực Thái Nguyên, Liên minh Hợp tác xã Thái Nguyên, Công ty TNHH Cường Đại (Phổ Yên). Theo đồng chí Bùi Tuấn Thịnh, mặc dù đạt được kết quả tốt nhưng chúng ta vẫn cần phải quan tâm, tiếp tục phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan đoàn thể và các đơn vị, doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn nữa công tác phụng dưỡng Mẹ VNAH qua đó thể hiện sự tri ân sâu sắc với thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để bảo vệ Tổ quốc đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.