Cần có nhiều cuộc họp như thế

11:01, 03/08/2016

Dự nhiều cuộc họp gần đây tôi, thường nghe người chủ trì nói đến từ “thẳng thắn”. Báo cáo là như thế, nhưng tôi muốn mọi người có ý kiến khác. Đề nghị các đồng chí không nói lại những điều đã nói, hãy thoát ly văn bản, thoát ly tham luận, chỉ nói những gì chưa làm được, hãy nói thẳng suy nghĩ của mình ra, đừng nói theo ý lãnh đạo.

Lời “kêu gọi” chân thành của người chủ trì cùng thái độ cầu thị của lãnh đạo dự họp đã khích lệ nhiều người phát biểu thẳng thắn. Ở những cuộc họp như thế, đã giảm thiểu những “kính thưa” dài dòng, không còn cảnh người này người kia mang báo cáo thành tích của đơn vị để tranh thủ quảng bá trên diễn đàn; không còn những mỹ từ mòn vẹt kiểu “nỗ lực, tích cực, tăng cường, phấn đấu”, trong khi nói đến khuyết điểm thì bao giờ cũng gắn với từ “một số” nào đó không xác định. Thì ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, ban, ngành còn không ít khó khăn, vướng mắc “đóng cục” năm này qua năm khác chưa được giải quyết. Được cơ hội giãi bày, nhiều người đã nói thẳng, nói thật nhiều vấn đề.

 

Tôi rất thích những cuộc họp đầy sức sống như thế. Người nói và người nghe đều thẳng thắn, chỉ nói cái khó và bàn cách tháo gỡ cái khó như thế nào? trong thời hạn cụ thể nào? trước mắt sẽ làm gì? Kết quả của việc giải quyết đó phải được báo cáo vào kỳ họp kế tiếp.

 

Cũng trong nhiều cuộc họp gần đây, tôi nghe người chủ trì nói đến từ “phản biện”. Cán bộ biết lắng nghe nhưng cần biết phản biện. Câu chuyện dưới đây là ví dụ. Tại một cuộc tiếp xúc cử tri, có cử tri phản ánh về sự “thiếu công bằng”. Cụ thể là tổ dân phố của ông đông dân mà cũng chỉ được “trên” cho số tiền tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc bằng tổ ít dân hơn. Trước ý kiến như thế, cán bộ có mặt cần giải thích: Người dân đến với Ngày hội đại Đoàn kết không phải để chia nhau 10 nghìn hay 20 nghìn đồng mang về, mà để sinh hoạt tập thể như vui văn nghệ, thể thao, quyên góp giúp đỡ người nghèo, nhằm thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Trong những cuộc tiếp xúc cử tri, cán bộ phải tranh thủ nói cho dân hiểu, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời phản bác thông tin sai đang tồn tại trong dân, chứ  không thể lúc nào cũng “tua” bài quen thuộc “chúng tôi xin ghi nhận, báo cáo cấp trên” .

 

Tôi bỗng nhớ đến câu nói của Bác Hồ về quan liêu. Bác định nghĩa: “Quan liêu là bệnh giấy tờ, bệnh hình thức, không thực tế, là xa cách quần chúng, không theo đường lối quần chúng, làm không đúng chính sách của Chính phủ và của đoàn thể. Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không đi sâu đi sát công việc, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung”.

 

Thì đây, cán bộ thẳng thắn, phản biện, đấu tranh chắc chắn không thể là cán bộ quan liêu. Không còn các cuộc họp quan liêu sẽ không còn cán bộ quan liêu.