Chú trọng chất lượng các nghị quyết được ban hành

17:20, 09/08/2016

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIII là kỳ họp quan trọng, quyết đáp nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tác động trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và sinh kế của nhân dân. Trao đổi với chúng tôi trước Kỳ họp, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định: Mục tiêu cuối cùng được Kỳ họp hướng tới chính là chất lượng các nghị quyết được ban hành.

Nhiều vấn đề cấp thiết được xem xét

 

Có thể thấy, việc có tới 14 dự thảo nghị quyết chuyên đề được đưa ra thảo luận, quyết định trong một kỳ họp thường kỳ HĐND tỉnh như lần này là đều ít thấy. Theo dự kiến chương trình, các đại biểu sẽ dành hơn một ngày để nghe các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết và gần trọn một ngày để thảo luận tại tổ và hội trường về các nội dung đưa ra tại Kỳ họp. Thực tế dự định ban đầu thì Kỳ họp lần này chỉ bàn thảo và quyết định 12 nghị quyết chuyên đề, nhưng do tính cấp thiết của vấn đề nên Thường trực HĐND tỉnh đã quyết định bổ sung thêm hai dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết thông qua Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông, T.P Thái Nguyên (Dự án đô thị bên bờ sông Cầu) và Nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.

 

Có ý kiến về nội dung này, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm cho rằng, đây là hai nội dung không mới, nhưng cấp thiết đã được chuẩn bị và cho ý kiến từ trước theo đúng quy trình, bảo đảm đủ điều kiện để có thể xem xét quyết định tại Kỳ họp lần này. Dự án đô thị bên bờ sông Cầu là dự án quy mô rất lớn với số vốn dự kiến lên tới 18 nghìn tỷ đồng. Đây là dự án được nhân dân đặc biệt quan tâm và mong muốn sớm triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với lượng vốn lớn, mức độ tác động rộng, hình thức đầu tư rất mới với tỉnh nên chắc chắn nội dung này sẽ được các đại biểu xem xét kỹ lưỡng.

 

Trong các nghị quyết chuyên đề dự kiến quyết định tại kỳ họp thứ 2, đáng chú ý có nội dung về chính sách hỗ trợ đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh và cơ chế thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nếu các cơ chế đặc thù được áp dụng thì khả năng giải bài toán khó bấy lâu của tỉnh về xử lý bến cóc, xe rù, hạ tầng trung chuyển xe khách xuống cấp, thiếu mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và thay đổi hình thức sản xuất, cảnh tác nhỏ lẻ của nông dân… sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, tại Kỳ họp còn có một số nội dung quan trọng khác được đưa ra xem xét như: vấn đề về quy hoạch công nghiệp, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; chính sách miễn, giảm học phí, bãi bỏ một số loại phí; quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa…

 

Chuẩn bị tốt điều kiện trước khi ban hành nghị quyết

 

Những nghị quyết dự kiến thông qua tại Kỳ họp lần này đều có tính chất dài hạn cả nhiệm kỳ, một số còn thể hiện tầm nhìn hàng chục năm tiếp theo. Do vậy, nhiệm vụ xem xét, thẩm định trước khi trình tại kỳ họp rất được quan tâm, chú trọng. Công tác khảo sát, giám sát, thẩm tra của HĐND tỉnh đối với các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp được thực hiện rất nghiêm túc, chất lượng. Thông qua đó đã giúp các nội dung được trình sát hơn với thực tiễn cuộc sống, bảo đảm độ chính xác cao. Cụ thể, đối với nội dung phát triển hệ thống điện, báo cáo của ngành chuyên môn ban đầu cho thấy toàn tỉnh còn tới hơn 70 xóm, bản trên địa bàn tỉnh chưa có điện lưới Quốc gia. Tuy nhiên, sau khi đoàn giám sát của HĐND tỉnh xem xét, yêu cầu rà soát lại thì số xóm, bản chưa có điện lưới đã giảm xuống chỉ còn trên 30, đúng với tình hình thực tế, giúp cho sự tính toán đầu tư phù hợp hơn.

 

Cũng thông qua hoạt hoạt động này, nhiều nội dung mới, nhiều vấn đề bất cập đã được chỉ ra để có phương án, giải pháp bổ sung kịp thời, thích hợp. Xin nêu một trường hợp cụ thể. Qua khảo sát, giám sát và thẩm tra đã phát hiện vấn đề lạm thu, bất hợp lý trong công tác quản lý học sinh, sinh viên ở hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa bàn. Các nội dung này được báo cáo và Thường trực HĐND tỉnh dự kiến xem xét, có kế hoạch để phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiến hành giám sát trong thời gian tới.

 

Trước Kỳ họp, các vấn đề nổi cộm, cử tri đặc biệt quan tâm cũng được HĐND tỉnh nắm bắt, tiếp cận và có ý kiến kịp thời với chính quyền và các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét giải quyết. Về việc UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường Dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo cũng có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND tỉnh.

 

Theo đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng với các hoạt động khảo sát, giám sát, thẩm tra, tiếp xúc cử tri có chất lượng trước Kỳ họp, các hoạt động thảo luận, chất vấn sôi nổi, trí tuệ, trách nhiệm trong Kỳ họp sẽ là điều kiện tốt nhất để HĐND tỉnh quyết định và ban hành các nghị quyết một cách chính xác, phù hợp nhất với thực tiễn.

 

Một vài nét mới

 

Theo quy định, tại các kỳ họp HĐND tỉnh sẽ không còn Đoàn thư ký giống như các khóa trước mà thay vào đó là Tổ thư ký giúp việc. Do vậy, lần này các nghị quyết được sẽ được biểu quyết thông qua trực tiếp mà không cần thành viên Đoàn thư ký trình bày. Kỳ họp lần này, các nội dung đọc báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, thảo luận tại tổ, hội trường vẫn diễn ra như bình thường, trong đó đặc biệt dành nhiều thời gian để các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu tài liệu, nâng cao trách nhiệm người đại biểu dân cử, chủ động thông tin để tham giam thảo luận đạt hiệu quả. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có những chuyển biến nhất định, trong đó tập trung nhiều hơn vào hoạt động chất vấn trực tiếp tại hội trường; giảm những phần trả lời chất vấn có sự chuẩn bị trước bằng văn bản của người được chất vấn. Số lượng ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến sẽ tăng hơn các kỳ họp trước, cố gắng có từ 5 đến 10 ý kiến chất vấn trở lên…