Đại tướng - Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp

16:26, 24/08/2016

Một “mảnh ghép” quan trọng vẫn còn ít được biết trong chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một Nhà báo cách mạng xuất sắc đã có nhiều cống hiến với nền báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 80 năm. Chúng ta đã biết một “Tướng Giáp - Anh Văn” song toàn văn võ. Chúng ta còn được biết một nhà báo cách mạng xuất sắc Võ Nguyên Giáp.

* Chặng đường đầu tiên: Đầy nhiệt huyết và nhạy bén

 

Chặng đường viết báo - làm báo đầu tiên của người thanh niên sinh viên Võ Nguyên bắt đầu từ ngày 28/9/1929 với bài Vũ trụ và tấn hóa đăng trên báo Tiếng dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng sáng lập với bút danh Hải Thanh. Khi đó Võ Nguyên Giáp mới 18 tuổi, đang làm biên dịch viên cho báo Tiếng dân. Đến nay, tìm theo những bút danh trên báo Tiếng dân, đã thống kê được 27 bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên 36 số báo. Ký tên Vân Đình ở mục Thế giới thời đàm, ông nghiên cứu và đưa ra nhiều ý kiến bình luận sắc sảo về kinh tế chính trị, tình hình thế giới và các nước.

 

Sau khi bị bắt, bị tù hơn một năm (1930 - 1931) và bị cấm làm báo ở Huế, Võ Nguyên Giáp “ngưng bút” trong khoảng gần 6 năm rồi xuất hiện chói sáng trở lại trên mặt trận báo chí cách mạng trong phong trào Mặt trận bình dân sôi nổi những năm 1936 - 1939.

 

Ngay khi Mặt trận bình dân thắng cử, nhạy bén tranh thủ cơ hội, Võ Nguyên Giáp bàn với giáo sư Đặng Thai Mai và các giáo sư Trường Thăng Long cùng nhau ra tờ Hồn trẻ (tập mới) ngày 6/6/1936. Báo được bạn đọc rất hoan nghênh, in không đủ bán. Học sinh trường Thăng Long tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.

 

Báo tiếng Việt bị hạn chế bởi những điều khoản xin cấp phép phức tạp, Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Thế Rục và một số đồng chí quyết định cho ra báo Le Travaill (Lao động) bằng tiếng Pháp. Võ Nguyên Giáp là biên tập viên chính cùng với Phan Thanh, Phan Tử Nghĩa, Vũ Đình Huỳnh, Nguyễn Công Truyền... Trên mặt báo, Võ Nguyên Giáp có nhiều bài về các chủ đề đời sống và bãi công của công nhân, tình cảnh của nông dân, về tự do của các tổ chức chính trị... Một điểm nhấn quan trọng (sau này hay được nhắc đến) là tờ Notre Voix - mà Võ Nguyên Giáp như một “linh hồn”, là cây bút chủ lực, đã đăng tải loạt bài gửi về từ Trung Quốc với bút danh P.C. Lin (trong các số ra ngày 9/4, 16/4, 30/4, 21/5/1939). Ngày nay, nhiều người đã biết P.C. Lin là bí danh của Nguyễn Ái Quốc nhưng thời đó điều này tuyệt đối bí mật. Tháng 7/1939, Nguyễn Ái Quốc còn nhấn mạnh trong báo cáo gửi Quốc tế cộng sản:: “Qua tờ Notre Voix và tờ Đời nay - một tờ tuần báo công khai khác của Đảng xuất bản bằng tiếng Việt ở Hà Nội - tôi có thể tóm tắt tình hình trong nước”[1].

 

Trong suốt thời kỳ Mặt trận bình dân, nhà báo Võ Nguyên Giáp đã đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung... cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi đảm nhiệm cả việc phát hành báo. Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm. Không có nhuận bút và phụ cấp, ông sống thanh bạch nhờ lương nghề giáo.

 

* Làm báo đánh Pháp đuổi Nhật

 

Tháng 5/1940, trước những biến động của tình hình, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng được Xứ ủy Bắc kỳ “điều” sang Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được gặp, được hoạt động, được làm báo cùng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

 

Trên chặng cuối của cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc những năm 1941 - 1945, Võ Nguyên Giáp đảm nhận nhiều công việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến gần nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Ngay sau chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Võ Nguyên Giáp cho ra tờ báo viết tay lấy tên là Tiếng súng reo. Thật tiếc, đến nay tờ báo “nóng hổi” sau chiến thắng chỉ còn trong ký ức của những nhân chứng, không còn bản nào được lưu. Ông viết nhiều bài cho báo Việt Nam độc lập của Mặt trận Việt Minh. Võ Nguyên Giáp còn làm chủ bút, chỉ đạo biên tập từ số 1 (ra ngày 20/6/1945) đến số 5 (ra ngày 5/8/1945) báo Nước Nam mới của Khu giải phóng. Ông còn đảm nhiệm báo Quân giải phóng của Việt Nam giải phóng quân. Dù chỉ ra được 1 số (ngày 5/8/1945) trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa nhưng Quân giải phóng đã có ý nghĩa động viên tích cực đấu tranh vũ trang trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa. Trong số 1, có bài quan trọng của Võ Nguyên Giáp ký tên TRÍ DŨNG, phê bình các cuộc chiến đấu vừa qua, trong đó tác giả biểu dương nhưng rút kinh nghiệm cho các cuộc chiến đấu và nhấn mạnh: “... Phải làm thế nào mỗi lần đánh là một lần thắng cả về chính trị lẫn quân sự”[2].

 

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết lại kinh nghiệm và trao đổi ý kiến trong bài Mười lăm năm làm báo trước Cách mạng Tháng Tám[3]: “Tôi thấy làm một số báo cũng giống như tổ chức một trận đánh hiệp đồng. Đó là một công việc luôn luôn khẩn trương, phải phát hiện kịp thời mưu đồ, thủ đoạn của giai cấp thống trị, yêu cầu, tâm lý đa dạng và thường xuyên thay đổi của bạn đọc, nguyện vọng sâu xa của nhân dân, để biết mình phải làm gì. Tính thời gian rất quan trọng. Có được tin sớm để đăng đã khó. Nhưng khó hơn nhiều là nghệ thuật đưa vấn đề đúng lúc, tác dụng sẽ được nhân lên gấp bội. Nội dung đương nhiên cần được bảo đảm chính xác, chặt chẽ, nhưng hiệu quả đối với người đọc thường lại do cách diễn đạt, trình bày quyết định. Bố cục không hợp lý sẽ làm giảm hiệu quả của một số báo có nhiều bài hay. Những bài chính, phụ, ngắn, dài, nặng, nhẹ, phải kết hợp với nhau một cách hữu cơ, tạo nên sự hài hòa như những màu sắc của một tác phẩm hội họa, mới mang lại hứng thú cho người đọc. Đặt tên cho một bài báo rất khó. Tôi thường mất nhiều thời gian cân nhắc tìm những kiểu chữ thích hợp cho đầu đề một bài báo chỉ vài ba dòng. Dòng thứ hai thường quan trọng nhất, nhưng các dòng khác không thể coi nhẹ vì phải góp phần tạo nên một chỉnh thể. Những kiểu chữ lớn, nhỏ, béo, gầy, đứng hoặc nghiêng - đều có vai trò và hiệu lực riêng của nó trên trang báo mà người làm báo không thể không biết tới. Nghề làm báo hao tâm tổn trí, gian khổ, nhưng người làm báo được đền bù xứng đáng là niềm vui khi thấy tác dụng và hiệu quả của tờ báo trong đông đảo bạn đọc”. Những người làm báo hôm nay còn học được nhiều điều từ những dòng tâm huyết đó của người thày, người anh Võ Nguyên Giáp.

 

*Những bài báo chỉ đạo hai cuộc kháng chiến và công cuộc dựng xây sau chiến tranh

 

Sau ngày 2/9/1945, từng bước, Võ Nguyên Giáp đảm nhận những trọng trách trong quân đội. Việc viết báo, chỉ đạo báo chí của ông cũng dần nghiêng sang hướng quân sự. Những bài viết của Võ Nguyên Giáp đăng trên các báo và tạp chí xuất bản ở chiến khu trong kháng chiến trường kỳ đã truyền đạt đường lối, chỉ đạo chiến lược và chiến thuật, tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra phương châm tác chiến cũng như xây dựng cho lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển, càng đánh càng thắng lớn, càng đánh càng vững mạnh...

 

Trong trận quyết chiến Điện Biên Phủ, là “tướng quân tại ngoại”, giữa bộn bề công tác chỉ huy chiến dịch nhưng Đại tướng vẫn trực tiếp chỉ đạo báo Quân đội nhân dân “xuất bản ở mặt trận” viết những bài bình luận có tính chỉ đạo. Những bài này (do Hoàng Xuân Tùy chấp bút) ký tên Chính Nghĩa, được kịp thời phát thanh qua Đài tiếng nói Việt Nam. Các chiến trường khác theo đó mà phối hợp hành động. Nhiều nhà nghiên cứu coi Võ Nguyên Giáp là đồng tác giả của những bài báo quan trọng đó.

 

Suốt cuộc kháng chiến giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 21 năm (1954 - 1975) sau đó, Đại tướngVõ Nguyên Giáp tiếp tục có nhiều bài viết sâu sắc về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng hậu phương, về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, về phương châm tác chiến để đánh bại từng chiến lược chiến tranh trên mỗi bước “leo thang” của địch. Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, ông tổng kết kinh nghiệm chiến tranh trên cả lý luận và thực tiễn, nêu những phương hướng xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

 

Những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp một phần không nhỏ bổ sung, phát triển kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, viết thêm trang mới cho lịch sử quân sự Việt Nam, làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Không những thế, Đại tướng còn mở rộng chủ đề những bài viết của mình sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, của khoa học kỹ thuật, của nông nghiệp và khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp... Những năm đất nước đổi mới, các bài báo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn được công chúng đón đợi. Chỉ xin đơn cử: Ngày 10/9/2007, báo Sài Gòn giải phóng đăng bài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà gây ảnh hưởng lớn trong dư luận, đặc biệt là lúc này tác giả đã ở tuổi 97.

 

* Những bài viết xuất sắc nghiên cứu Hồ Chí Minh

 

Một mảng đề tài lớn không thể không nhắc đến khi đề cập những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí cách mạng Việt Nam là chủ đề nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt là từ khi Đảng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản quý giá của toàn Đảng, toàn dân tộc và tổ chức nghiên cứu sâu Tư tưởng Hồ Chí Minh (Đại hội VII, 1991), Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người đi đầu trong nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của người lãnh đạo, người đồng chí, người thày trực tiếp của ông trong gần 30 năm.

 

Khái niệm Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng được Đại tướng đưa lên mặt báo đầu tiên trong trả lời phỏng vấn báo Tuần Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam): “Chúng ta có quyền tự hào về Bác, cần phải phát huy sáng tạo tư tưởng của Bác tìm ra những giải pháp cho những vấn đề của công cuộc đổi mới hôm nay”[4]. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới. Ngày 14/1/1991 tại Hội nghị quốc tế Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới ở Cancutta (Ấn Độ), Đại tướng có bài phát biểu Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi. Những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chủ đề tư tưởng Hồ Chí Minh được đăng tải trên nhiều báo và tạp chí (chủ yếu ở hai thể loại hồi ức và bình luận) đã nâng việc nghiên cứu tư tưởng và sự nghiệp cách mạng Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới, làm nổi bật những vấn đề cơ bản đồng thời soi chiếu vào thực tiễn hôm nay để thấy nhiều điều cần phải học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh như Đảng đã kêu gọi và tích cực tổ chức thực hiện. Không những thế, những bài báo của Dại tướng về chủ đề này còn gợi ý cho nhiều nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh tiếp tục công việc của mình.

                                                                                         *

                                                                                       *   *

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia viết báo - làm báo từ rất sớm trên con đường cách mạng của mình. Ông đã sử dụng thành công báo chí như một công cụ hiệu quả trong cuộc đấu tranh. Những nội dung được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập trong những bài báo của mình, trong bất cứ gian đoạn cách mạng nào, đều là những vấn đề bức thiết, được xã hội quan tâm sâu sắc. Những luận điểm của ông chắc chắn, thuyết phục và có tầm nhìn thời đại. Ý kiến của ông đầy trách nhiệm và ẩn chứa sau đó là nhiều tình cảm yêu thương, là nhiều nỗi niềm trăn trở, thể hiện một trí tuệ mẫn tiệp nhìn thấy những vấn đề chiến lược và một tấm lòng ấm áp cận nhân tình của một lãnh đạo cao cấp gần dân. Đại tướng là Nhà báo của nhân dân.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một cây bút chuyên luận xuất sắc nhưng không vì sự chuyên sâu của đề tài mà bài viết của ông cứng nhắc khô khan. Ông có văn phong trong sáng, câu văn khúc triết, từ ngữ được dùng rất chuẩn xác. Đó là những nét đẹp báo chí của Đại tướng - Nhà báo Võ Nguyên Giáp được người đọc đánh giá cao./.

 

-----------------------------------------------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - NXB CTQG, Hà Nội, tập 3, tr. 170

[2] Theo Nguyễn Thành (2005) - Hoạt động báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – NXB Lý luận chính trị, Hà Nội, tr. 143

[3] Tạp chí Nhà báo và Công luận số tháng 8/1991

[4] Tuần Tin tức số đặc biệt, tháng 5/1990