Để thực hiện dân chủ: Dân phải được nói và được giám sát

15:20, 03/08/2016

Theo nhiều chuyên gia, để thực hiện dân chủ, người dân phải được tham gia ở tất cả các khâu trước khi đưa ra quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của dân.

Trong suốt hơn 86 năm lãnh đạo, trong đó có hơn 71 năm cầm quyền, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vấn đè dân chủ và xây dựng nền dân chủ XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “dân là chủ”, “dân làm gốc”, “dân là gốc”. Đảng luôn khẳng định phải làm cho dân được hưởng quyền làm chủ. Để làm được điều đó, Nhà nước tạo mọi điều kiện để nhân dân được làm chủ.

 

Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh cần thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ, khẳng định “Tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân… Thể chế hóa và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện”. 

 

Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực

 

Coi trọng việc thực hiện quyền con người, quyền công dân và đạo đức xã hội, Đại hội XII đặt ra yêu cầu “Thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, theo tinh thần Hiến pháp 2013, gắn quyền với trách nhiệm, nghĩa vụ, đề cao đạo đức xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt dân chủ cơ sở, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”.

 

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thạch, Ths Nguyễn Thị Thu Huyền, những nội dung cơ bản của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã được Đảng khẳng định trong Văn kiện Đại hội XII “Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân…”. Sở dĩ phải khẳng định nội dung này vì bên cạnh những thành công, Văn kiện ĐH XII cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện dân chủ “quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức…”.  “Do đó, việc nhấn mạnh bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là rất cần thiết. Điều này cho thấy Đảng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát  huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân ở cơ sở. Đây là yêu cầu thiết yếu của việc thực hiện dân chủ XHCN trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN”.

 

TS Nguyễn Thị Vy, Tạp chí Cộng sản cho rằng, hiện nay, trong nhận thức về xây dựng dân chủ và phát huy dân chủ trong bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Trên thực tế còn có những nhận thức phiến diện, không đầy đủ, không đúng về dân chủ. “Có nơi, có lúc còn xem nhẹ việc thực hành dân chủ, coi nhẹ việc làm chủ của nhân dân, chưa coi trọng đúng mức các hình thức thực hành dân chủ, còn có tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hành dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi.  Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi việc thực hành dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức, có tình trạng lợi dụng dân chủ để chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối trật tự an toàn xã hội”.

 

Hiện nay, không ít nơi còn xảy ra tình trạng mất dân chủ, xa rời tổ chức Đảng. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến sự độc đoán, chuyên quyền, bè phái hoặc dân chủ quá trớn dẫn đến vô nguyên tắc, vô tổ chức. Có những người lãnh đạo thiếu đi sâu sát thực tế, xa cách cán bộ, thiếu lắng nghe ý kiến của quần chúng và cấp dưới, đi tới những nhận định chủ quan, những chủ trương, quyết định chưa chưa phù hợp với đòi hỏi khách quan cuộc sống. “Có những cán bộ lãnh đạo cách mạng nặng tính quan liêu, gia trưởng, đặt mình lên trên tập thể, không chịu sự kiểm soát của tổ chức. Việc bầu cử, ứng cử nhiều trường hợp còn mang tính dân chủ hình thức. Nhiều đảng viên và cán bộ cấp dưới không dám thẳng thắn sử dụng quyền làm chủ sợ bị thành kiến, không được lên chức, lên lương, ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân mình. Ở một số hội nghị còn mang  nặng tính dân chủ hình thức, xuôi chiều, những ý kiến khác nhau không được thẳng thắn đưa ra thảo luận, tranh luận và kết quả rõ ràng. Có khi do nể nang, ngại va chạm, sợ bị thành kiến quy chụp...”-TS Nguyễn Thị Vy trăn trở.

 

Dân phải được tham gia ý kiến và giám sát thực hiện

 

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Nguyên tắc quan trọng, xuyên suốt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân là phải đảm bảo để phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân.

 

Ông Nguyễn Thế Trung, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cho rằng, để tiếp tục phát huy dân chủ XHCN, đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước  phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.

 

“Trong thực tế còn nhiều nơi quan liêu, chưa phát huy quyền làm chủ của nhân dân trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến cuộc sống của người dân, nhất là một số lĩnh vực như đầu tư thủy điện, xây dựng một số nhà máy hóa chất, sản xuất thép… tác động đến môi trường. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Bảo đảm nhân dân có thể tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện”- ông Nguyễn Thế Trung cho biết.

 

Văn kiện Đại hội XII chỉ rõ, phát huy dân chủ trong Đảng để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Vì Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị thực hành dân chủ trong xã hội. Theo PGS.TS Đỗ Thị Thạch, Ths Nguyễn Thị Thu Huyền, vai trò “hạt nhân” của Đảng được thể hiện rất rõ trong đời sống xã hội. Thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng sẽ tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên vận dụng, thực hành ở từng cơ quan, đơn vị là tấm gương cho việc thực hành và phát huy dân chủ trong xã hội. Nó cũng góp phần khắc phục bệnh độc đoán, chuyên quyền đang làm suy thoái một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Đảng. “Để phát huy dân chủ trong Đảng, một nhiệm vụ quan trọng là thực hiện việc giám sát trong Đảng, nhất là giám sát đảng viên giữ các chức trách quan trọng trong Đảng và Nhà nước. Bởi lẽ, như Nghị quyết TW 4 đã chỉ rõ, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoán về tư tưởng chính trị, đạo đức, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, chạy theo danh lợi, tiền tài, tham nhũng, lãng phí…”./.