Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ: Hiệu quả chưa tương xứng

14:45, 07/08/2016

Giám sát và phản biện xã hội là một trong những chức năng quan trọng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên. Điều này được quy định cụ thể tại Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của chức năng này vẫn chưa tương xứng, thực tế ở huyện Đại Từ chứng minh cho nhận định này.

Cơ chế phối hợp lỏng lẻo

 

Dẫn chúng tôi đi khảo sát tuyến đường liên xóm Cường Thịnh - Vũ Thịnh 1, ông Nguyễn Quốc Hưng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận xóm Cường Thịnh, xã Phú Thịnh nói: Nhờ có sự giám sát của Ủy ban MTTQ xã mà các hạng mục của tuyến đường được điều chỉnh phù hợp với thực tế. Cụ thể, năm 2015 địa phương có chủ trương nâng cấp tuyến đường này theo hình thức dải cấp phối. Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã lắp đặt cống thoát nước cao hơn nhiều so với mặt ruộng, khiến hoa màu của người dân bị ngập úng. Nhận được phản ánh, Ủy ban MTTQ xã đã tổ chức đoàn xuống kiểm tra và yêu cầu điều chỉnh. Nhờ vậy, đoạn đường đã được bố trí thêm một cống ngang, giúp cho việc thoát nước dễ dàng hơn.

 

Ông Lưu Văn Huấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Thịnh thẳng thắn: Đó là dấu ấn duy nhất trong hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ xã và các đoàn thể mấy năm trở lại đây. Nguyên nhân là sự phối hợp 3 bên giữa MTTQ với HĐND và UBND trong giám sát các hoạt động của chính quyền và đoàn thể, việc thực hiện quy chế dân chủ, các công trình xây dựng trên địa bàn… chưa chặt chẽ. Thực tế với tuyến đường Cường Thịnh - Vũ Thịnh 1, Ủy ban MTTQ xã chỉ nắm được thông tin về hạng mục đầu tư và những bất cập thông qua phản ánh của nhân dân.

 

Theo quy định, đối tượng giám sát của MTTQ là tất cả cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử và cán bộ đảng viên. Nôi dung gồm dự thảo kế hoạch Nghị quyết của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các chính sách an sinh xã hội, cải cách thủ tục hành chính, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri… Ngoài ra, MTTQ còn giám sát độc lập thông qua hệ thống “chân rết” ở cơ sở là Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Tuy nhiên, ở cấp xã, thị trấn mới chỉ thực hiện được một phần chức năng này.

 

Ông Dương Văn Doanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiên Hội thông tin: Trong năm 2015 vừa qua, chúng tôi chủ yếu giám sát thu, chi các khoản quỹ ở xóm, cùng việc thi công một số tuyến đường thông. Còn lại nội dung giám sát hoạt động của Đảng ủy, HĐND và UBND cùng cấp chưa được hiện được do nhiều cuộc họp không phải thành phần. Hoặc dù có dự họp chúng tôi cũng không hiểu tường tận các vấn đề giám sát. Ông Doanh ví dụ như việc thu, chi ngân sách của UBND xã, MTTQ hoàn toàn không được mời tham gia để giám sát.

 

Chức năng phản biện mờ nhạt

 

Cùng với giám sát, chức năng phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên cũng được quy định rõ trong Quyết định số 217-QĐ/TW. Tuy nhiên, thực tế vai trò này ở các địa phương hiện nay vẫn còn mờ nhạt. Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cù Vân cho biết: Phản biện được thực hiện thông qua hội nghị đóng góp ý kiến của MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội với các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, nghị quyết của HĐND xã, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND xây dựng. Do hạn chế về thời gian và không được nghiên cứu từ trước nên tại các cuộc họp như vậy, chúng tôi đều “cơ bản” đồng ý với những văn bản đã trình.

 

Ông Đồng Quang Nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Hùng Sơn cho rằng: Có hai lý do chính khiến chức năng phản biện xã hội MTTQ còn mờ nhạt, có thể chứng minh cụ thể ở thị trấn Hùng Sơn. Thứ nhất là Đảng ủy, HĐND và UBND không mấy khi cung cấp các văn bản, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…để MTTQ tham gia phản biện, đóng góp ý kiến. Thứ hai là trình độ năng lực của cán bộ mặt trận ở cơ sở còn nhiều hạn chế, trong khi các lĩnh vực giám sát và phản biện theo quy định lại rất rộng. Ví dụ như việc đóng góp ý kiến vào kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn vừa rồi, chúng tôi không có nhiều kiến thức về lĩnh vực này, trong khi nguồn kinh phí hạn chế, không thể mời chuyên gia để tham vấn.

 

Đề cập vấn đề này, ông Vũ Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đại Từ nhận định: Việc giám sát và phản biện xã hội từ huyện đến cơ sở trên địa bàn thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời điều chỉnh các cơ chế chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả công tác này chưa tương xứng cho với quy định. Bên cạnh nguyên nhân là năng lực cán bộ hạn chế, cơ chế phối hợp ở cơ sở chưa thực sự chặt chẽ, thì thì việc thực hiện chức năng này cũng còn “rào cản” từ cơ chế, chính sách. Nhiều việc MTTQ chưa được tham gia giám sát hoặc ý kiến sau giám sát, phản biện xã hội chuyển đến cơ quan chức năng nhưng chậm, thậm chí không có hồi âm, không được giải quyết. Thêm nữa, Quyết định số 217-QĐ/TW không phải là văn bản quy phạm pháp luật, hiện cũng chưa có văn bản dưới luật nào quy định cụ thể về nội dung, nguyên tắc, hình thức, chế tài, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Điều này đòi hỏi cần sớm có hành lang pháp lý cụ thể để bảo đảm cho quá trình thực hiện giám sát và phản biện đạt hiệu quả hơn.