Liên kết nhưng không thương mại hóa, tư nhân hóa báo chí

07:40, 12/08/2016

Một trong các điểm mới của Luật Báo chí năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) là cho phép các cơ quan báo chí được mở rộng liên kết hoạt động. Điểm mới này được đánh giá là cần thiết, phù hợp với bối cảnh những năm gần đây hoạt động báo chí nảy sinh một số vấn đề bất cập, đòi hỏi có sự điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, qua đó, góp phần xây dựng một nền báo chí phát triển hiện đại, lành mạnh.

Báo chí là một lĩnh vực hoạt động quan trọng của xã hội, thể hiện trình độ và bước tiến của một xã hội hiện đại, dân chủ. Và khi mà quan hệ giữa các lĩnh vực hoạt động của xã hội ngày càng phong phú, sinh động, đa dạng,... và có những mối liên hệ tương hỗ chặt chẽ, thì việc hình thành những cơ chế mới và tổ chức, quản lý những mối quan hệ đó một cách tốt nhất nhằm làm cho báo chí phát triển toàn diện là việc làm cần thiết, và nổi lên trong đó là vấn đề liên kết hoạt động báo chí. Về thực chất, liên kết hoạt động báo chí là mở rộng đối tượng được phép có các hoạt động báo chí, và không chỉ là các cơ quan nhà nước như Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 quy định. Thực tế cho thấy nhiều năm gần đây, liên kết hoạt động báo chí đã được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Và vì không được luật pháp thừa nhận, nên một số cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tìm cách “lách luật” để từ đó cho ra đời một số sản phẩm báo chí như: trang thông tin điện tử tổng hợp, các ấn phẩm phụ, chương trình phát thanh, truyền hình liên kết (thường là chương trình có tính chất giải trí, mua bản quyền từ nước ngoài). Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải là sản phẩm báo chí nào ra đời từ cách thức này cũng bảo đảm chất lượng, thậm chí một số sản phẩm còn kém chất lượng với lỗi sai phạm nghiêm trọng.

 

Một trong các sản phẩm ra đời từ hình thức “lách luật” là các trang tin điện tử tổng hợp. Được biết, cả nước hiện có khoảng 1.610 trang thông tin điện tử tổng hợp, trong đó chỉ có 251 trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí, còn lại là trang tin “núp bóng” những tờ báo có cơ quan chủ quản hợp pháp. Trong số này, không ít trang tin đăng tải tin, bài có nội dung không phù hợp với tôn chỉ, mục đích cũng như đối tượng độc giả của tờ báo mà họ “núp bóng”. Một số trang tin chủ yếu có nội dung “cướp, giết, hiếp” giật gân, “câu” bạn đọc, bất chấp yêu cầu chân thực, trung thực cũng như sự chính xác của thông tin và ảnh hưởng tiêu cực của thông tin dạng này tới xã hội. Từ sự tồn tại của các trang tin này có thể đặt ra câu hỏi: dường như các trang tin này không chịu sự quản lý về mặt nội dung của tờ báo “núp bóng”, mà sự quản lý chỉ có trên danh nghĩa, các trang tin gần như tự do đưa tin, bài theo định hướng, mục đích của riêng mình? Phải chăng còn có sự “thỏa thuận ngầm” giữa nơi quản lý trang tin và tờ báo mà họ “núp bóng” trong kiểm duyệt nội dung? Nếu cơ quan chủ quản hợp pháp có trách nhiệm, biên tập bài vở đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo thì chắc chắn tin bài sai phạm không thể xuất hiện trên trang mạng. Hơn nữa, tốc độ đăng tải tin bài của trang mạng thường rất nhanh và cập nhật. Để chạy đua với thời gian, chạy đua với các trang mạng khác, người phụ trách trang mạng rất dễ bỏ qua khâu kiểm chứng thông tin, bỏ qua khâu biên tập và làm cho chất lượng trang tin điện tử chệch hướng, không còn đại diện cho tờ báo mà nó đã “núp bóng”.

 

Một vấn đề bất cập khác là việc một số cơ quan báo chí cho ra đời nhiều ấn phẩm phụ nhưng lại chưa có sự quản lý, giám sát hiệu quả, nên chất lượng ấn phẩm không bảo đảm. Sự dễ dãi cộng với lợi ích về kinh tế đã khiến một số cơ quan báo chí chỉ vì cái lợi trước mắt mà cho ra đời tràn lan các ấn phẩm phụ. Chưa kể, có trường hợp ấn phẩm phụ còn được “bán” lại cho đơn vị khác chịu trách nhiệm xuất bản và khi đó, cơ quan chủ quản gần như không còn kiểm soát được nội dung, như “đem con bỏ chợ”, khiến ấn phẩm phụ đi chệch tôn chỉ, mục đích, thậm chí còn để xảy ra sai phạm trong thời gian dài. Giống như một số trang tin điện tử, nhiều ấn phẩm phụ đi theo xu hướng thu hút độc giả bằng những chiêu trò thiếu lành mạnh, đưa thông tin thiếu kiểm chứng, đậm tính mê tín dị đoan, những sự việc có tính kỳ bí, hoặc sa đà vào các tin, bài có nội dung đề cập án mạng dã man... Thậm chí, một số ấn phẩm phụ còn có bài báo miêu tả tỉ mỉ những hành động giết người rùng rợn, đăng tải đậm đặc thông tin về tình dục phản cảm để thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả. Bên cạnh nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, giảm sát, còn có nguyên nhân là từ sự thiếu kinh nghiệm và lương tâm nghề nghiệp trong việc phát triển ấn phẩm báo chí khiến sai phạm xảy ra tương đối nhiều. Cho nên, đã có ấn phẩm chất lượng kém đã bị tạm thời đình bản, thậm chí bị rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn. Điển hình như mới đây một tờ báo đã xin tự đình bản ấn phẩm phụ vì đăng tải một số bài viết có nội dung không phù hợp, gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc mất đoàn kết dân tộc và bị cơ quan chức năng xử phạt. Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đình bản tạm thời hai ấn phẩm phụ của một báo khác trong thời gian ba tháng do không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích. Trước đó, năm 2014, Bộ này cũng thu hồi giấy phép xuất bản hai ấn phẩm phụ của hai tờ báo cũng với lý do như trên...

 

Không chỉ với báo in hay báo điện tử, truyền hình cũng là loại hình báo chí có sự liên kết hoạt động tương đối rõ nét và đa dạng. Những năm gần đây, sự ra đời hàng loạt chương trình truyền hình liên kết, chủ yếu thuộc lĩnh vực giải trí, như các game show, các cuộc thi có fomat (định dạng) nước ngoài không còn xa lạ với công chúng bởi mức độ phủ sóng khá lớn. Thực chất của nhiều chương trình dạng này là đối tác mà nhà đài liên kết chịu trách nhiệm hoàn toàn quá trình sản xuất, nhà đài chỉ có trách nhiệm phát sóng, nên khâu biên tập đôi khi thiếu cẩn trọng hoặc do quá “tin tưởng” vào đối tác mà có khi xem nhẹ khâu kiểm duyệt trước khi lên sóng. Trong năm 2015, qua khảo sát, kiểm tra, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hiện một số sai phạm trong các hoạt động liên kết giữa một số đài truyền hình và đối tác. Sai phạm này thường trải đều ở cả quy trình, thủ tục đăng ký liên kết, nội dung thông tin lẫn hoạt động quảng cáo đi kèm chương trình, nhưng sai phạm chủ yếu vẫn là thông tin sai sự thật; sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Hậu quả là có chương trình đã bị ngừng phát sóng và một số chương trình mới thì không được cấp phép.

 

Trong bối cảnh thực tiễn hoạt động báo chí manh nha có sự liên kết và cho ra đời khá nhiều sản phẩm kém chất lượng như vậy, Luật Báo chí năm 2016 đã đề cập trực diện, đã có những điều chỉnh, nhằm đưa hoạt động báo chí đi vào thực chất hơn. Cụ thể, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ, các cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, với pháp nhân, cá nhân có liên quan phù hợp lĩnh vực liên kết... Các lĩnh vực được liên kết được quy định chung cho các chương trình, kênh phát thanh, truyền hình cũng như sản phẩm báo in, báo điện tử, cụ thể là các lĩnh vực: khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội. Như vậy, Luật Báo chí năm 2016 đã cởi mở hơn khi đưa ra những tiêu chí luật pháp cho phép mở rộng liên kết trong hoạt động báo chí. Thiết nghĩ, sự mở rộng này là cần thiết, góp phần tạo môi trường công bằng, rộng mở và tạo điều kiện giúp các loại hình báo chí phát triển, đồng thời huy động thêm nguồn lực xã hội để phát triển báo chí. Khi các liên kết đó được vận hành một cách lành mạnh, có hiệu quả thì đối tượng được hưởng lợi chính là công chúng, vì họ được tiếp cận với nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng. Hơn nữa, mở rộng liên kết trong hoạt động báo chí sẽ hạn chế hiện tượng “lách luật” như đề cập ở trên, và các hoạt động có tính chất chụp giật. Có thể nói, việc luật hóa đã tạo ra hành lang pháp lý đúng đắn, hình thành cơ sở chấn chỉnh hoạt động liên kết trong hoạt động báo chí. Cần lưu ý là Luật Báo chí năm 2016 còn đề cao tính chủ động, sự tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí trong hoạt động liên kết bằng quy định cụ thể: “Cơ quan báo chí được chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, nhằm cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí”. Điều này buộc cơ quan báo chí phải quản lý, kiểm soát tốt hơn hoạt động báo chí của cơ quan mình, thí dụ như việc cho “mượn” tên hay xuất bản ấn phẩm mới, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”.

 

Việc cho phép liên kết trong hoạt động báo chí cho thấy sự đổi mới kịp thời, đúng đắn của Đảng và Nhà nước với lĩnh vực báo chí. Tuy nhiên, vấn đề nhất quán vẫn là không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí (tư nhân chỉ tham gia liên kết, không được chi phối hoạt động báo chí), không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối,... Sự nhất quán đó được quyết định bởi bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam, như khoản 1 Điều 4 (Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí) khẳng định: “Báo chí ở nước CHXHCN Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”. Vì thế, cần nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, bên cạnh sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, mỗi người làm báo cần tự ý thức về vai trò, trách nhiệm, từ đó tự giác trau dồi đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng và nghiệp vụ, rèn luyện bản lĩnh, nắm chắc tay bút để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có giá trị cao.