Mạch nguồn từ Báo Chiến khu

09:23, 19/08/2016

Cách đây 70 năm, vào đúng ngày kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1946), Báo Chiến khu - cơ quan của Khu ủy Chiến khu 1 đã ra đời. 70 năm đồng hành cùng quân và dân các dân tộc Việt Bắc, với nhiều tên gọi khác nhau như: Việt Bắc quyết chiến, Bắc Sơn, Giữ nước, Quân Việt Bắc, Chiến sĩ Quân khu Một, Báo Quân khu Một..., mạch nguồn từ Báo Chiến khu ngày đó vẫn chảy, kịp thời cổ vũ, động viên phong trào cách mạng trên vùng đất chiến khu xưa...

Việt Bắc bao gồm các tỉnh thuộc vùng đông bắc của Tổ quốc, từ bao đời nay luôn là "phên dậu" vững bền của quốc gia. Từ ngày có Đảng, Việt Bắc trở thành "cái nôi của cách mạng", nơi ra đời các Đội Cứu Quốc quân 1, Cứu Quốc quân 2, Cứu Quốc quân 3 và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc là "An toàn khu", là "Thủ đô kháng chiến" và là "Chiến trường chính của chiến trường Bắc Bộ". Báo Chiến khu, sau đổi tên thành "Việt Bắc quyết chiến", "Bắc Sơn", "Giữ nước" đã góp phần động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân các dân tộc Việt Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của T.Ư Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tại vùng chiến khu cách mạng. Đồng thời, góp phần thổi bùng ngọn lửa cách mạng của quân và dân ta trong các chiến dịch tại Việt Bắc, tiêu biểu là các chiến dịch: Việt Bắc (năm 1947), Biên giới (năm 1950), Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Các nhà báo chiến sĩ công tác tại Báo lúc đó như: Phạm Viên, Hàn Thế Long, Cao Nhị, Nhị Ca, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Tô Ân, Lê Kim... sau này đã là những cây bút chủ lực của Báo Quân đội nhân dân và trở thành các nhà văn, nhạc sĩ, nghệ sĩ được nhiều người biết đến.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Bắc trở thành hậu phương lớn của hậu phương cả nước, "cảng nổi" giữ vai trò giao lưu quốc tế, đón nhận, trung chuyển hàng viện trợ từ các nước XHCN và bạn bè quốc tế chi viện cho chiến trường miền nam, nơi đọ sức quyết liệt cuộc chiến tranh bằng không quân của địch. Trong giai đoạn này, Báo Giữ nước được đổi tên thành Báo Quân Việt Bắc. Mỗi phóng viên, biên tập viên, công nhân viên cơ quan Tòa soạn phát huy tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai” để “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Báo đã có nhiều bài viết sinh động, phản ánh những tấm gương anh dũng trong chiến đấu và sáng tạo trong lao động sản xuất, động viên kịp thời, làm vững tâm những người con đang cầm súng chiến đấu trên trận tuyến chống quân thù và ấm lòng hơn đối với những người đang “chắc tay cày, hay tay súng” ở hậu phương. Các phóng viên như: Triệu Bôn, Văn Kháng, Đức Kiên, Trần Ngọc… là những cây bút sắc sảo có nhiều tác phẩm báo chí và văn học để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.

 

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Báo Quân Việt Bắc được đổi tên thành Chiến sĩ Quân khu 1 và Quân khu Một. Các số báo có các chuyên trang, chuyên mục thu hút được sự quan tâm, chú ý của mọi người như: "Quyết tâm bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc", "Trận địa là nhà, biên giới là quê hương", "Tất cả vì điểm tựa tiền tiêu"… phản ánh sinh động về cuộc sống, chiến đấu, tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ của người chiến sĩ biên cương; cũng như những tình cảm đặc biệt của nhân dân cả nước dành cho các chiến sĩ trên điểm tựa đang ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Những năm gần đây, Báo Quân khu Một liên tục đổi mới cả về nội dung và hình thức, luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, với chức năng là “Cơ quan của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu - Tiếng nói của lực lượng vũ trang Quân khu 1”. Hiện nay, Báo Quân khu Một đang xuất bản đều đặn hằng tuần, được phát hành rộng rãi tới cấp trung đội đối với các đơn vị chủ lực; tới cấp xã, phường, thị trấn đối với địa phương sáu tỉnh trên địa bàn Quân khu (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh) và các đơn vị dân quân, tự vệ. Báo đặc biệt coi trọng việc phát hiện và cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; công tác hậu cần, kỹ thuật; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phê phán các quan điểm sai trái, góp phần làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Báo tiếp tục có những cây bút say nghề, lăn lộn với thực tiễn và đã giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi báo chí ở Trung ương như: Ngô Văn Học, Trần Quyết, Khương Doãn, Nguyễn Hoàng Sáu...

 

Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 về việc thực hiện đề án "Hiện đại hóa các cơ quan báo chí Quân đội giai đoạn 2014 - 2018", Báo Quân khu Một từng bước được bổ sung các trang, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của báo chí hiện đại. Đồng thời, lãnh đạo cơ quan Báo Quân khu Một đã tích cực, chủ động phối hợp các cơ quan báo chí của Trung ương, địa phương thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương với hàng nghìn tin, bài, ảnh được đăng tải và phát sóng trên Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Chương trình truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Chương trình phát thanh Quân đội nhân dân và các báo, đài của các tỉnh trên địa bàn Quân khu.

 

Mạch nguồn từ Báo Chiến khu năm xưa vẫn luôn tuôn chảy trong tập thể những người làm Báo Quân khu Một hôm nay. Ở tuổi bảy mươi, Báo Quân khu Một như trẻ lại, bởi đội ngũ những người làm báo phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh vững vàng. Báo đang tiếp tục đổi mới toàn diện cả hình thức và nội dung tờ báo in, báo hình và đang xúc tiến xây dựng báo điện tử.