Một số vấn đề cấp thiết được chất vấn, làm rõ

17:21, 12/08/2016

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh đã dành cả buổi sáng để thực hiện phiên chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình làm rõ nhiều vấn đề bức thiết. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến chất vấn, trả lời chất vấn và giải trình tại Kỳ họp.

* Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga (Đoàn Phú Bình) về trách nhiệm của tỉnh trong kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai quyết liệt, kịp thời các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Kết quả đạt được như sau: Riêng tháng 7-2016, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 347 cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản. Lấy 117 mẫu nước tiểu lợn, qua đó phát hiện 11 mẫu dương tính với chất cấm Sabutamol (Phú Bình 7 mẫu, Phú Lương 3 mẫu, Phổ Yên 1 mẫu); kiểm tra 18 mẫu thức ăn chăn nuôi nghi có chất cấm, phát hiện 3 mẫu có chứa Sabutamol; thanh tra, kiểm tra 230 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 14 cơ sở vi phạm; xử phạt hành chính nộp ngân sách Nhà nước 133,47 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh đã tổ chức ký cam kết không vi phạm an toàn thực phẩm đối với 2.610 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản.

 

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc sử dụng chất cấm, lạm dụng chất kháng sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các trang trại, cơ sở giết mổ, nơi kinh doanh sản phẩm được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm; thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát, cảnh báo, điều tra, truy xuất và xử lý tận gốc đối với các sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Đối với những trường hợp vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; thành lập Phòng kiểm nghiệm để kiểm định thức ăn chăn nuôi, phát hiện chất cấm trong sản phẩm thịt động vật, thủy sản và thực hiện việc dán nhãn xác nhận sản phẩm an toàn trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ…

 

* Với câu hỏi của đại biểu Chu Thị Thúy Hà (Đoàn Định Hóa) về những diện tích rừng liền kề di tích lịch sử của các hộ gia đình đã xây dựng, đang quản lý và bảo vệ tại rừng cảnh quan ATK Định Hóa có được hưởng cơ chế hỗ trợ không, nếu có thì khi nào thực hiện, ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Khu rừng đặc dụng ATK Định Hóa được xác lập với diện tích 8.728 ha, trong đó có gần 1.000ha được quy hoạch tại 128 điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Những diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu vực liền kề với các điểm di tích đã được bàn giao cho nhân dân quản lý, bảo vệ. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa xây dựng Dự án “Hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng rừng cho các hộ gia đình tại các điểm di tích lịch sử được quy hoạch thành rừng đặc dụng ATK”. Theo đó, Dự án sẽ hỗ trợ cho 864 hộ gia đình có diện tích rừng liền kề tại 86 điểm di tích với tổng diện tích rừng là 594,44ha, tổng kinh phí hỗ trợ 13,04 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên trong quá trình triển khai Dự án, UBND huyện Định Hóa có ý kiến về chuyển đổi một phần diện tích rừng đặc dụng sang rừng sản xuất cho người dân nên việc thực hiện Dự án bị dừng lại. Như vậy, đối với những diện tích rừng liền kề xung quanh các điểm di tích lịch sử do các hộ gia đình đang quản lý, sử dụng hợp pháp được quy hoạch là rừng đặc dụng, Nhà nước sẽ chi trả chi phí đầu tư xây dựng rừng theo giá trị cây rừng hiện có; các hộ có rừng được tiếp tục giao đất, giao rừng để quản lý, sử dụng theo quy chế đặc dụng của Đề án 1134. Thời gian tới, sau khi thực hiện xong việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người dân theo quy định.

 

* Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Văn Tâm (Đoàn T.X Phổ Yên) về việc ban hành Quy chế quản lý khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh như sau: Theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14-1-2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị và xuất phát từ yêu cầu thực tế, việc xây dựng quy chế quản lý khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Để ban hành Quy chế này, tháng 5-2016, UBND tỉnh đã thành lập Tổ soạn thảo do Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì, thành viên gồm đại diện các sở, ngành và địa phương liên quan. Ngày 30-6, sau khi các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng được ban hành, Tổ soạn thảo đã hoàn thiện Dự thảo Quy chế sau đó, ban hành văn bản xin ý kiến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ban quản lý dự án và một số nhà đầu tư khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh (khoảng 40 cơ quan, đơn vị). Đến nay, đã có 6 đơn vị có văn bản góp ý. Thời gian tới, trên cơ sở góp ý của các đơn vị, Tổ soạn thảo sẽ khẩn trương hoàn thiện, sớm hoàn thành Quy chế và trình UBND tỉnh ban hành. 

 

* Làm rõ vấn đề về việc tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Về nguồn vốn: Trong năm 2016, tỉnh đã bố trí một số nguồn vốn để trả nợ các địa phương thuộc phần nợ của ngân sách tỉnh là 18,6 tỷ đồng; phân bổ 72,1 tỷ đồng cho 15 xã đăng ký đạt chuẩn và 96,9 tỷ đồng cho cấp huyện phân bổ chi tiết cho các công trình. Cùng với đó, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương, tỉnh cũng phân cấp cho các huyện, thành, thị để lồng ghép trả nợ các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới là 345,7 tỷ đồng.

 

Về cơ chế chính sách: Để hạn chế nợ đọng trong xây dựng cơ bản, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm việc quản lý vốn đầu tư, ưu tiên vốn trả nợ các công trình đã hoàn thành, rồi mới khởi công công trình mới; lồng ghép các nguồn vốn, chương trình để đầu tư hoàn thiện các tiêu chí và ưu tiên cho các xã đăng ký đạt chuẩn giai đoạn 2016-2020. Đối với các công trình nhỏ, kỹ thuật đơn giản, các địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù theo hướng không phải lập báo cáo kỹ thuật, chỉ cần lập dự toán đơn giản và chỉ định cho người dân và cộng đồng trong xã tự thi công để giảm kinh phí.

 

* Giải trình về các khoản chi cho đầu tư phát triển cao, với 2.500 tỷ đồng, tăng 86% so với dự toán, trong khi chi cho xây dựng nông thôn mới (NTM) thấp; nội dung chuyển nguồn lớn, với trên 1,6 nghìn tỷ đồng, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Tài chính khẳng định: Khoản chi tăng đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu từ bố trí nguồn vượt thu để thu hồi các khoản tạm ứng các công trình cấp thiết, cấp bách, phục vụ các mục tiêu chính trị, xã hội của tỉnh đã tạm tứng từ năm 2010-2015 (326 tỷ đồng); bổ sung kinh phí để thanh toán trả nợ các công trình, dự án đã phê duyệt quyết toán từ năm 2011 đến tháng 8-2015 (220 tỷ đồng); thanh toán trả nợ các công trình phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và một số dự án cấp thiết khác; hỗ trợ kinh phí cho một số địa phương khó khăn (155 tỷ đồng).

 

Trong chi đầu tư đã bao gồm cả nội dung chi đầu tư cho NTM. Đối với nội dung chuyển nguồn lớn, nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị, địa phương chưa hoàn thiện thủ tục quyết toán, chuyển nguồn khoản vay Ngân hàng Phát triển do vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công, chuyển nguồn một số khoản hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách trung ương cấp vào cuối năm, chuyển nguồn từ 50% tăng thu năm 2015 sang thực hiện cải cách tiền lương năm 2016.

 

* Về vấn đề quy hoạch chi tiết sử dụng đất khu đô thị hai bên bờ Sông Cầu, ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng giải trình: Theo quy hoạch, quỹ đất dành cho dự án phát triển đô thị hai bờ sông Cầu là 700ha, dựa trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh. Trong tổng diện tích này có các loại đất về giao thông, cây xanh, đất dân cư đô thị, các loại đất công cộng, thương mại, dịch vụ…

 

Theo tiến độ dự kiến, nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành các thủ tục cấp giấy phép chứng nhận đầu tư và khởi công dự án trong tháng 10-2016, hoàn thiện hồ sơ và ký hợp đồng BT tháng 12-2016. Thời gian hoàn thiện đầu tư dự án đô thị 2 bên bờ sông Cầu đề thu hồi vốn và nộp ngân sách Nhà nước từ năm 2016 đến 2025.

 

* Làm rõ nguyên nhân chưa đạt một số chỉ tiêu về quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020, đáng chú ý là mục tiêu đến trước năm 2015, 100% số hộ dân nông thôn có điện, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020 thuộc Chương trình mục tiêu được Chính phủ phê duyệt. Nguồn vốn cho dự án thực hiện theo cơ chế Nhà nước 85% (tương đương 176,7 tỷ đồng) để đầu tư chi phí xây dựng và chi phí thiết bị; ngân sách địa phương là 15% (31,2 tỷ đồng) cho chi phí quản lý dự án, đầu tư xây dựng và chi phí khác. Tuy nhiên, dự án triển khai chậm do Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn (kinh phí đã cấp chưa đủ chi trả chi phí lập dự án và tư vấn thiết kế). Điều này dẫn đến mục tiêu xóa các xóm, bản “trắng” điện lưới quốc gia không đạt, khối lượng đường dây hạ thế cũng thấp so với kế hoạch.