Sôi nổi, thẳng thắn và dân chủ

20:39, 11/08/2016

Trong ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp HĐND tỉnh, tại các tổ thảo luận, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được các đại biểu đưa ra thảo luận. Nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề nợ thuế, nợ bảo hiểm, nợ xây dựng cơ bản, vấn đề thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư, xử lý các dự án chậm tiến độ… Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi ý kiến của một số đại biểu tại 4 tổ thảo luận.

Nhiều khoản nợ được đề cập

 

Các đại biểu Lê Văn Tuấn, Lê Văn Tâm (Đoàn T.X Phổ Yên) cho rằng, hiện nay, một số khoản nợ mà dư luận xã hội và cử tri đặc biệt quan tâm, đó là nợ thuế, nợ bảo hiểm, nợ xây dựng cơ bản. Theo các đại biểu, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần phải công khai số nợ ở các lĩnh vực đến thời điểm này, đồng thời chỉ rõ những biện pháp đã làm, khó khăn, tồn tại và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Hiện nay, doanh nghiệp nợ thuế lên tới gần 300 tỷ đồng, doanh nghiệp nợ bảo hiểm cũng tới trên 80 tỷ đồng, nợ xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng trên 250 tỷ đồng.

 

Một số đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ số doanh nghiệp còn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền phí môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

 

Cần giải quyết các dự án chây ì

 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Đoàn Phú Lương) bức xúc về một số dự án chậm tiến độ, kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của các địa phương. Đại biểu Mai ví dụ: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Đu - xã Động Đạt (Phú Lương) do HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công thực hiện kéo dài 10 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành. Huyện đã nhiều lần phản ánh và kiến nghị giải quyết nhưng đến nay chưa có chuyển biến.

 

Một số đại biểu đề nghị làm rõ ý kiến cử tri về các dự án quy mô lớn nhưng "đắp chiếu" nhiều năm nay của Công ty CP Trung Tín đầu tư tại khu vực đất "vàng" thuộc phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Các đại biểu đề nghị cần tiến hành thu hồi dự án để nhường đất cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn. Ngoài ra, cũng đề nghị UBND tỉnh công bố danh sách những dự án chậm tiến độ, công bố kết quả thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi các dự án trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này.

 

Đại biểu Dương Văn Tiến (Đoàn Võ Nhai) và một số đại biểu đoàn Phú Lương, T.X Phổ Yên cho rằng, các dự án, đề án trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này còn chưa thể hiện rõ các nguồn lực để thực hiện, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ tính khả thi của các dự án, đề án, trong đó nêu rõ kinh phí thực hiện bao nhiêu, khả năng huy động…

 

Vấn đề đặt ratrong xây dựng nông thôn mới

 

Đại biểu Lương Văn Lành (Đoàn Định Hóa) băn khoăn, một số xã đã đạt chuẩn NTM trước năm 2016 đến nay không đạt chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí mới thì xử lý ra sao? Đồng chí Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (đại biểu mời) đề nghị tỉnh cần bổ sung thêm nguồn xi măng hỗ trợ cho các địa phương làm tốt, trong đó có huyện Đại Từ. Cần có cơ chế cho các địa phương huy động tận dụng nguồn vật liệu sẵn có để phục vụ xây dựng NTM, nhằm giảm đóng góp của nhân dân.

 

Đại biểu Dương Văn Lượng (Đoàn Phú Bình) thông tin, các địa phương đã hoàn thành tiêu chí quy hoạch, tuy nhiên đến nay tỷ lệ cắm mốc quy hoạch đạt rất thấp. Ở nhiều địa phương, tình trạng người dân xây dựng, sản xuất không theo quy hoạch khá phổ biến. Cùng với đó, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vẫn nợ tiêu chí, cần dành nguồn lực đầu tư để hoàn thành.

 

Đại biểu Phan Thị Thu Hằng (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để các xã có thể về đích NTM theo kế hoạch, bởi những xã chưa đạt NTM hiện nay cơ bản còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Còn theo đại biểu Trần Văn Khương (Đoàn T.P Thái Nguyên) mục tiêu cứng hóa 70% đường trục chính nội đồng là quá cao, trong khi đó cũng với trên 70% số km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đến năm 2020 lại là thấp, bởi nếu thủy lợi không đi trước một bước thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người nông dân.

 

Xem xét kỹ các cơ chế, chính sách

 

Về chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Dương Xuân Hùng (Đoàn T.P Sông Công) ý kiến: Cần bổ sung thêm mục ưu tiên hỗ trợ đối với những dự án sử dụng nhiều lao động địa phương, để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất. Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đồng Hỷ) nói: Cơ chế cần dựa trên quy mô, mật độ dân số, thực tế tình hình kinh tế - xã hội và định hướng nhu cầu trong thời gian tới để lựa chọn quy mô doanh nghiệp phù hợp, không nên cứng nhắc tiêu chí theo quy định.

 

Về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, các đại biểu Nguyễn Vũ Thanh Thanh, Phan Thị Thu Hằng (Đoàn T.P Thái Nguyên) đề nghị, tỉnh cần có cơ chế thu hút đầu tư, liên kết xây dựng các trường học đạt tiêu chuẩn quốc tế trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu về giáo dục - đào tạo ngày càng cao của người dân. Cần cân nhắc về chỉ tiêu 100% giáo viên dạy tiếng Anh các bậc học đạt chuẩn vì hiện nay, tỷ lệ này mới đạt 27,35%, đồng thời có giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh ở các bậc học trên địa bàn tỉnh.

 

Đại biểu Phan Thị Nhàn (Đoàn Phú Bình) chia sẻ, tình trạng quá tải tại các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa huyện Phú Bình đang rất "nóng" . Như năm học 2016-2017, riêng bậc tiểu học tăng hơn 1 nghìn cháu so với năm trước. Từ đó tạo nên áp lực về cơ sở vật chất trường lớp và thiếu đội ngũ giáo viên. Đề nghị tỉnh quan tâm về biên chế giáo viên, cô nuôi mầm non và đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

 

Về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách, đại biểu Nguyễn Khắc Lâm (Đoàn T.P Sông Công) và một số đại biểu khác đề nghị: Dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ 70% lãi suất vay vốn đối với dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tuy nhiên, trong quy hoạch bến xe khách của tỉnh không có bến xe nào nằm trong diện được hỗ trợ theo quy định này của dự thảo. Vì vậy, đề nghị cơ quan trình dự thảo nghiên cứu, bỏ quy định này để đảm bảo tính khả thi của Nghị quyết sau khi ban hành. Đại biểu Nguyễn Văn Mậu (Đoàn Đại Từ) đề nghị cần xác định cụ thể thời gian áp dụng chính sách ưu đãi hỗ trợ về lãi suất vay các tổ chức tín dụng từ nguồn ngân sách tỉnh đối với các dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa.

 

Về chính sách miễn, giảm học phí và điều chỉnh, bãi bỏ mức thu một số loại phí, đại biểu Đỗ Đức Công (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho biết: Qua thanh tra tại một số trường học, chúng tôi nhận thấy, mức học phí đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư: Trong thực tế đã thu vượt trần theo thỏa thuận đối với hệ B. Vì vậy, mức thu theo quy định trong dự thảo là chưa phù hợp với thực tế. Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên, chi đầu tư, các cơ sở giáo dục - đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên… đề nghị chỉ nên quy định mức thu không vượt mức trần theo quy định của Chính phủ.

 

Một số vấn đề khác

 

* Đại biểu Nguyễn Hoàng Mác (Đoàn T.P Thái Nguyên) cho biết: Hiện khu nhà chung cư 5 tầng, phường Trung Thành, đã xuống cấp, ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của người dân, tỉnh đã có dự án đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn chưa được nhà đầu tư triển khai thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, nếu nhà đầu tư không đủ năng lực thì rút giấy chứng nhận đầu tư, giao cho đơn vị có năng lực thi công.

 

* Đại biểu Ngô Quảng Bá (Đoàn T.P Sông Công): Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh, số án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là 19 vụ. Đề nghị Tòa án giải trình làm rõ việc hủy, sửa án như vậy có xảy ra tình trạng án oan, sai hay không? Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án cấp huyện đối với Viện kiểm sát cùng cấp xảy ra khá thường xuyên, đề nghị Tòa án nhân dân làm rõ nguyên nhân việc trả hồ sơ và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

 

* Đại biểu Nguyễn Văn Cường (Đoàn T.X Phổ Yên): Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện tỉnh ta đã có Quỹ Bảo lãnh tín dụng với số vốn lên tới 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi có Quỹ đến nay mới giải ngân được 4,5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị tỉnh quan tâm xem xét và bố trí giải ngân vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt nhưng đang rất thiếu vốn.