Thông cáo Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

08:51, 17/08/2016

Trong hai ngày 15 và 16/8/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 2 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

 

Từ thực tế diễn biến kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, của cử tri tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và dư luận chung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng: Sau 8 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ nhất đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nội dung trọng tâm là xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

Tại kỳ họp này Quốc hội đã nghe phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư và nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Đạt được kết quả nêu trên là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan của Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng quy trình thủ tục theo luật định.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh dự thảo báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất, gửi các vị đại biểu Quốc hội; chỉnh lý dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.

 

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật cảnh vệ và dự án Luật công an xã.

 

- Về dự án Luật cảnh vệ: Pháp lệnh cảnh vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2005, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ Đảng, Nhà nước cũng như công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thi hành, Pháp lệnh cảnh vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Trước tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở trong nước và trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, yêu cầu đối với công tác cảnh vệ ngày càng nặng nề và phức tạp hơn, việc nâng Pháp lệnh cảnh vệ lên thành Luật là cần thiết để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, cụ thể hơn cho lực lượng cảnh vệ thực thi nhiệm vụ và góp phần bảo đảm an ninh trật tự.

 

- Về dự án Luật công an xã: Pháp lệnh công an xã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của công an xã, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở. Tuy nhiên, sau 7 năm thi hành, nhiều quy định của Pháp lệnh công an xã về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và chế độ chính sách đối với công an xã đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà lực lượng này đang thực hiện. Vì vậy, việc nâng Pháp lệnh công an xã lên thành Luật là cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý về tổ chức, hoạt động và các điều kiện bảo đảm đối với lực lượng công an xã, góp phần xây dựng lực lượng này trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở.

 

Ủy ban Thường vụ Quổc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của 2 dự án luật trên và cho rằng các dự án luật này đã đủ điều kiện trình Quốc hội; đồng thời, yêu cầu cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo, dự thảo luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

 

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

 

Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của đất nước còn hạn chế, nhiều công trình, dự án đang cần được bổ sung vốn để sớm hoàn thiện, việc quản lý, sử dụng vốn nước ngoài ở nước ta vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả. Đế bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về lập, phân bổ và điều chỉnh dự toán, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh tình trạng chi vượt dự toán, tăng bội chi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tổng hợp đối với từng dự án, trên cơ sở đó xây dựng phương án điều chỉnh vốn cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm để việc lập dự toán, phân bổ vốn phải đảm bảo tính hợp lý và tuân thủ đầy đủ các điều kiện luật định.

 

4. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thu hồi 77 tỷ đồng từ Hợp phần xây dựng cơ bản của Dự án Hồ Tả Trạch cấp cho tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện việc bồi thường, di dân tái định cư cho nhân dân bị thu hồi đất lâm nghiệp nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài của người dân. Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan hữu quan rút kinh nghiệm, thực hiện đúng nguyên tắc, nâng cao kỷ luật tài chính để các dự án được triển khai đi vào nề nếp./.