Về miền Kha Sơn Hạ

10:18, 26/08/2016

Mùa Thu lịch sử năm 1945 đã lùi xa nhưng đối với người dân miền Kha Sơn Hạ (hay còn gọi là miền Bằng Cầu), xã Kha Sơn - nơi giành chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện Phú Bình thì ký ức của những ngày tháng hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ấy, người dân nơi đây đang ra sức thi đua lao động, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Xưa nay, miền Kha Sơn Hạ là tên gọi chung của 6 xóm, phố gồm: Si, Soi, Ca, Trại Điện, Kha Bình Lâm và tổ dân phố Phố. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây được coi là khu ATK II với cụm di tích lịch sử: Đình Kha Sơn Hạ, chùa Mai Sơn, rừng Mấn, Nền nhà ông Cao Nhật. Những năm 1940-1942, đình, chùa kể trên được cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ dùng làm nơi tổ chức, bồi dưỡng huấn luyện, truyền đạt Nghị quyết Trung ương và in ấn tài liệu. Cũng chính những địa điểm này, nhân dân xã Kha Sơn, bảo vệ cán bộ cốt cán của Đảng, Nhà nước... Từ đây, một số người con tiêu biểu của xã đã sớm giác ngộ cách mạng, thành lập nên chi bộ đầu tiên của huyện Phú Bình dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh (cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ).

 

Ngày 14-3-1945, Chi bộ Kha Sơn Hạ đã phát động quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi, ngọn cờ khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Phú Bình cũng bắt đầu từ mảnh đất này. Năm 1997, các địa điểm gồm: Nền nhà ông Cao Nhật, rừng Mấn, đình Kha Sơn Hạ, chùa Mai Sơn đã được Nhà nước công nhận là Cụm di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hằng năm, vào ngày 14-15 tháng Giêng, tại Đình Kha Sơn Hạ nhân dân 6 xóm, phố đã tổ chức Lễ hội truyền thống nhằm ôn lại cách mạng của xã. Để tăng cường tình đoàn kết, người dân đã tổ chức nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi mang đậm bản sắc vùng miền. Lễ hội được tổ chức cũng là dịp để những người con xa quê trở về cội nguồn, thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào quê hương. Kế thừa giá trị lịch sử ấy, những năm qua, cùng với bà con trong toàn xã, nhân dân miền Kha Sơn Hạ đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Với những lợi thế về thổ nhưỡng cùng với tư duy ngày càng nhạy bén, người dân không chỉ cấy lúa, trồng cây màu mà nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư vốn, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.

 

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông ra cánh đồng lúa nơi đầu làng, ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng xóm Ca nhớ lại: Những năm 1990, đời sống người dân xóm Ca vô cùng khó khăn. Hơn 30ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Gồ này hầu như bà con không thể gieo cấy vì thiếu nước. Cũng vì thế, đời sống người dân càng bấp bênh hơn trong những ngày giáp hạt. Năm 2000, được Nhà nước hỗ trợ 84 tấn xi măng, bà con trong xóm đã động viên nhau đóng góp trên 17 triệu đồng để làm gần 800m kênh mương, mở rộng khoảng 150m đường nội đồng. Từ đó đến nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn, ngoài việc chủ động đưa các giống lúa lai (BTE1, GS9, Syn6) vào gieo cấy, bà con còn đưa vào trồng một số cây màu (dưa chuột, bí xanh, ớt) nhằm nâng cao thu nhập. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm xuống còn 5,6% (năm 2010 là 14%), thu nhập bình quân đạt xấp xỉ 29 triệu đồng/người/năm. Đời sống được cải thiện, người dân có điều kiện đầu tư cho con em học hành nhiều hơn. Hằng năm, xóm có từ 6-8 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; trên 40 lao động (độ tuổi từ 18-35) làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp với mức thu nhập bình quân đạt khoảng 4 triệu đồng/người/năm.    

 

Bước trên con đường vừa mới được đổ bê tông, ông Nguyễn Quang Phú, Bí thư Chi bộ xóm Trại Điện bộc bạch: Trại Điện vốn là một trong những xóm khó khăn của miền Kha Sơn Hạ. Năm 2015, xóm có chủ trương làm đường giao thông, bà con các xóm lân cận đã bảo nhau ủng hộ trên 50 ngày công lao động giúp xóm giải phóng mặt bằng, hoàn thành 1,5km đường nội thôn. Theo ông Phú, cùng với tinh thần vươn lên phát triển kinh tế, người dân miền Bằng Cầu còn được nhắc đến bởi sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhờ có sự chung sức, đồng lòng của bà con, đến nay, trên 20km đường liên thôn nối liền giữa các xóm, phố đã đổ bê tông được trên 85%, thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa. Ngoài ra, hằng năm, người dân trong miền đã quyên góp khoảng 20 triệu đồng để duy tu, sữa chữa 5 điểm di tích lịch sử và các công trình công cộng khác.

 

Theo ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn, từ sự chung sức, đồng lòng ấy mà diện mạo của miền Bằng Cầu hôm nay đang từng ngày đổi thay và kinh tế phát triển hơn hẳn so với các xóm khác trong xã. Tỷ lệ hộ nghèo của các xóm trong miền bình quân khoảng 7% (năm 2010 là 13%), thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 30 triệu đồng/người/năm (cao hơn khoảng 4 triệu đồng so với thu nhập bình quân toàn xã); hệ thống kênh mương nội đồng cơ bản hoàn thiện, phục vụ nhu cầu sản xuất...

 

Về miền Kha Sơn Hạ hôm nay, có thể chúng ta vẫn phải đi trên những con đường đất đỏ, đâu đó còn bắt gặp những nếp nhà đơn sơ, giản dị nhưng có một điểm đáng quý là bà con nơi đây luôn đoàn kết, biết động viên nhau đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.