“Bộ trưởng không bận sao để cấp dưới đi giải trình trước Quốc hội”

07:53, 16/09/2016

Để đảm bảo chất lượng xây dựng luật, nhiều ý kiến yêu cầu Bộ trưởng phải trực tiếp giải trình, tranh luận trước Quốc hội, không ủy quyền cho cấp dưới.

Chiều 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Quy trình làm luật và phương pháp thảo luận để làm sao nâng cao chất lượng dự án luật là nội dung nhận được nhiều ý kiến.

 

Cho rằng thực tế Luật thiếu ổn định và xu hướng “thích sửa Luật”, vừa thông qua đã sửa, xu hướng này tồn tại ở nhiều Bộ ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Chất lượng làm Luật ngay từ đầu đã có vấn đề. Tôi quan sát thấy có Bộ cứ mỗi Vụ lại có một luật, nhưng lần nào trình ra Thường vụ Quốc hội cũng chỉ thấy Thứ trưởng đi trình, thậm chí Vụ trưởng giải trình Luật chứ không thấy Bộ trưởng đâu cả. Nhiều khi không hẳn do Bộ trưởng đi công tác nước ngoài hay bận nhưng vẫn không thấy đến giải trình trước Thường vụ Quốc hội”.

 

Theo bà Lê Thị Nga, Bộ trưởng, trưởng ngành phải có trách nhiệm giải trình, tranh luận ngay từ đầu, như thế chắc chắn không còn chuyện mỗi khoá một Bộ làm đến mấy chục Luật. Thực tế có những luật được thiết kế bởi vài ba chuyên viên nhưng vẫn lọt qua được tất cả các quy trình, trong khi đó, cứ uỷ quyền cho cấp dưới giải trình thì không thể nào Luật có chất lượng được.

 

Lưu ý “trước đây Bộ trưởng phải đứng ra giải trình cho đến khi thông qua được thì thôi”, bà Lê Thị Nga kiến nghị sau mỗi trình đầu tiên về một dự án luật, người đứng đầu Bộ, ngành phải giải trình, tiếp thu ý kiến và tranh luận với đại biểu Quốc hội rồi mới tiến tới thảo luận tổ về dự án luật đó.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh tranh luận ở Quốc hội về các dự án Luật thì Bộ trưởng phải lên tranh luận chứ không được giao cho cấp dưới.

 

Nguyên tắc tất cả nội dung trình ra Quốc hội cần phải được chuẩn bị thật chu đáo và đảm bảo đúng Luật, đúng tiến độ, chất lượng, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chuẩn bị. Đủ các yêu cầu mới trình ra Quốc hội và Quốc hội phải giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương.

 

Liên quan đến xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu ý kiến cho rằng nên rút kinh nghiệm, những luật nào qua phiên họp thứ 3 và phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thấy các cơ quan chưa chuẩn bị kịp và có vấn đề chưa ổn thì mạnh dạn báo cáo Quốc hội không đưa vào chương trình. Thực tế đến thời điểm này có luật “vẫn chưa có gì cả”.

 

Ông Uông Chu Lưu đồng ý khi thảo luận thì cần dành thời gian thoả đáng cho Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo luận để giải trình, tiếp thu, tranh luận với đại biểu Quốc hội để chất lượng luật tốt hơn, gắn trách nhiệm của Bộ trưởng đó trong suốt quá trình chuẩn bị Luật, tạo điều kiện để sau khi Quốc hội thông qua rồi thì triển khai Luật sát thực tế.

 

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ Phan Thanh Bình băn khoăn: “Chúng ta có khoảng 15/26 ngày làm luật trong kỳ họp ở Quốc hội. Cuộc sống phức tạp vô cùng, vậy chúng ta đứng đâu trong công tác giám sát khi mà mất quá nhiều thời gian làm luật như thế này? Làm luật là quan trọng nhưng phải để thời gian để Quốc hội giám sát, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng”./.