Cần giám sát chặt chẽ công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm

15:27, 07/09/2016

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, sáng 7-9, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác điều tra, cần giám sát chặt chẽ xử lý tin báo tố giác tội phạm.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2016, các cơ quan điều tra các cấp đã thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, khắc phục tình trạng điều tra kéo dài; rà soát giải quyết dứt điểm các vụ án tồn đọng. Chất lượng điều tra, xử lý các loại tội phạm tiếp tục chuyển biến tích cực...

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhóm điều tra Ủy ban Tư pháp, vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, trốn thuế vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng số vụ được phát hiện chưa cao. Việc phát hiện, xử lý tội phạm về chức vụ, tham nhũng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế và tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2015.

 

Cơ quan điều tra một số địa phương tiếp nhận, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm còn chưa đúng quy định, các sai phạm chủ yếu như: vi phạm việc thụ lý giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; vi phạm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo; chưa chuyển đầy đủ, kịp thời hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đến Viện Kiểm sát…

 

Bà Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề: Số điều tra tham nhũng giảm dần sau các năm, nếu tốc độ trong vài năm tới sẽ như thế nào? Cần tìm ra nguyên nhân chủ quan và khách quan như thế nào? Lực lượng chống tham nhũng khá hùng hậu, nhưng hiệu quả ra sao?

 

Bà Hoa cũng lưu ý có tình trạng lạm quyền không chỉ trong cơ quan tư pháp mà còn cơ quan công quyền như vụ xử lý hình sự chủ quán café Xin chào, hay đe dọa khởi tố chủ cửa hàng bán điện thoại cũ tại TP. Hồ Chí Minh. “Tôi đề nghị phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm”, bà Hoa nói.

 

Dẫn chứng việc giám định hàm lượng ma túy hiện nay chỉ có Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an mới giám định được, như vậy cả nước đổ về Hà Nội thì phải “xếp hàng”, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Dũng chỉ ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác điều tra còn hạn chế là do điều kiện về phương tiện kỹ thuật, vật chất, khoa học còn yếu như: tích hợp dữ liệu tội phạm chưa đồng bộ, phương tiện giám định chưa đáp ứng yêu cầu…Thực tế cho thấy, công tác điều tra hiện nay phần nhiều dựa vào hỏi cung, việc sử dụng biện pháp kỹ thuật hình sự còn hạn chế.

 

Theo đánh giá của Chính phủ, tình trạng vi phạm pháp luật khá phổ biến, tuy nhiên, ông Dũng tỏ ra băn khoăn cơ quan điều tra Viện Kiểm sát có nhận được đầy đủ tin tố giác tội phạm không?. Nguồn tin báo tố giác tội phạm còn ít so với thực tiễn nếu không có cơ chế thì không giải quyết được.

 

Từ thực tế công tác cho thấy có những vụ án xét xử, mỗi bản án lại một kết quả giám định khác nhau, Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đề nghị, nên thành lập Trung tâm giám định tư pháp Quốc gia.

 

Theo Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: Những năm qua, Bộ Công an luôn chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp tập trung chống oan sai, bỏ lọt tội phạm trong công tác điều tra.

 

Nêu rõ kết quả cho thấy con số giải quyết tin báo tố giác tội phạm hiện nay mới đạt 75%, còn 25% chưa điều tra làm rõ, Thứ trưởng thừa nhận giải quyết tin báo tố giác tội phạm rõ ràng là chưa đạt yêu cầu.

 

Lý giải cho tình trạng này, Thứ trưởng cho biết nguyên nhân qua công tác giải quyết có nhiều người dân khi tội phạm xảy ra chưa báo cáo kịp thời, có trường hợp không báo cáo công an hay cho vay tín dụng đen xảy ra nhưng họ tự xử lý…



Kết quả XSMB thứ 3 hàng tuần