Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến về dự thảo Luật về Hội

13:15, 21/09/2016

Sáng 21-9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật về Hội. Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, các đồng chí lãnh đạo trong đại diện các cơ quan, ban ngành và các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị đã đã nghe hơn 20 ý kiến đóng góp của đại biểu đại diện cho các cơ quan, ngành và các tổ chức hội. Theo  đó, đại biểu đã đề nghị Luật về Hội quy định theo hướng Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hội quần chúng được thành lập theo nhu cầu của Đảng và Nhà nước; đề nghị Luật về Hội quy định theo hướng người đại diện theo pháp luật của hội phải được Nhà nước công nhận; đề nghị Luật về Hội nên có quy định tổ chức chung của hội, còn cơ cấu tổ chức nội bộ của hội do Điều lệ hội quy định cụ thể…

 

Hiện nay dự thảo được xây dựng với tên gọi “Luật về hội”. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nên có sự thay đổi tên gọi này cho phù hợp hơn. Tên gọi Luật về hội vẫn chưa nêu bật lên được tính xã hội của các hội và với tên gọi như vậy thì Luật này vẫn hàm chứa việc nhà nước sẽ quản lý và điều phối hoạt động của hội. Về vấn đề hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân, tại Khoản 2 Điều 2 của dự thảo quy định hội bao gồm hội có tư cách pháp nhân và hội không có tư cách pháp nhân. Trong đó, điểm (b) của khoản này quy định hội không có tư cách pháp nhân là hội chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Một số ý kiến đề xuất cần cân nhắc bổ sung đối tượng điều chỉnh của luật về hội bao gồm cả cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi nước ta cũng đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc, trong đó có quy định “ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình” và “mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hoà bình”. Như vậy, công dân của các nước khi cư trú hợp pháp tại nước đã ký kết tham gia Công ước thì có quyền lập hội tại các nước này. Tại Khoản 2 Điều 8 dự thảo quy định nghiêm cấm hành vi “thành lập, hoạt động trái pháp luật, trái quy tắc đạo đức xã hội, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cộng đồng, tổ chức, cá nhân; gây phương hại đến lợi ích, chủ quyền, an ninh quốc gia, an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc, quyền con người, quyền công dân”. Đại biểu cho rằng quy định tại khoản này là khá mơ hồ, khó xác định ranh giới giữa hành vi hợp pháp và bất hợp pháp.  Ngoài ra, một số Đại biểu đều có ý kiến về tư duy quản lý quá chặt đối với hoạt động Hội, và can thiệp sâu vào hoạt động nội bộ của Hội ví dụ như quy định cụ thể về Đại hội tổ chức như thế nào, chia tách sát nhập Hội…

 

Ghi nhận các ý kiến của đại biểu, đồng chí Trần Quốc Tỏ đã chia sẻ với đại biểu về tính hợp pháp, hợp lý trong các quy định của dự thảo Luật, đồng thời tiếp nhận các ý kiến đóng góp để trình tại kỳ họp Quốc hội.