“Học tập là cuốn vở không có trang cuối”

15:41, 10/09/2016

Tôi xin mượn lời của tiền nhân để nói về Nghề báo - Nghề không có trang vở cuối. Tính ra mỗi đời người làm báo (trung bình khoảng 20-30 năm), chúng tôi được tham gia không dưới 100 lượt tọa đàm, tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo… các loại. Đích cuối cùng là để làm sao viết cho hay, cho đúng, cho giá trị. Buổi tọa đàm viết về xây dựng Đảng do Báo Thái Nguyên tổ chức cuối tháng 8-2016 vừa qua cũng không ngoài mục tiêu đó.

Nhà báo Hà Đăng: Viết về xây dựng Đảng đòi hỏi người làm báo phải dày công nghiên cứu, hiểu rõ các nội dung công tác Đảng, có tư duy tổng hợp, có kiến thức và bản lĩnh chính trị vững vàng. Đây là đề tài khó, khô và khổ nhưng không vì thế mà chúng ta không làm được. Đầu tiên hãy viết đúng rồi dần tiến tới viết hay, hấp dẫn người đọc. Để làm được điều này, mỗi người phải có lòng tin vượt qua  cái bóng của chính mình, đừng sợ.

 

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Những vấn đề, tình huống nảy sinh do nghị quyết và cuộc sống không song hành với nhau là đề tài hay của báo chí. Nếu như trước đây, chính sách từ trên rơi xuống thì nay phải làm ngược lại, từ dưới “nhoi” lên. Cuộc sống đặt ra những yêu cầu cần phải giải quyết và nghị quyết phải đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống.

Nhà báo Đỗ Thị Thìn, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ, Tổng Biên tập báo Thái Nguyên: Cuộc trao đổi kinh nghiệm làm báo, truyền dạy phương pháp viết và những công việc cụ thể hướng tới Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng của các nhà báo giàu kinh nghiệm là cơ hội rất tốt cho phóng viên Báo Thái Nguyên học hỏi trong cách thức triển khai, thể hiện những tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực này. Đây là “chìa khoá” để các phóng viên, biên tập viên viết về lĩnh vực xây dựng Đảng tốt hơn, từ đó tham gia Giải báo chí toàn quốc bằng những tác phẩm chất lượng hơn.
Phóng viên Hà Thị Kim Oanh: Là phóng viên trẻ, đặc biệt còn là một quần chúng, tôi thấy khó khăn, bỡ ngỡ trong việc phát hiện, triển khai các bài viết về xây dựng Đảng. Buổi trao đổi đã giúp tôi có được những kiến thức, gợi mở quý báu để có những đề tài hay cũng như cách tổ chức, triển khai một bài viết về lĩnh vực này. Tôi sẽ mạnh dạn hơn nữa trong việc tìm tòi, phát hiện và triển khai những bài viết về xây dựng Đảng.
 
Phóng viên Vũ Huy Toản: Tôi đã từng nghĩ, viết về xây dựng Đảng phải là những điều cao siêu, mang nặng tính lý luận, khô khan với những chỉ thị, nghị quyết. Nhưng qua sự chia sẻ, trao đổi giữa các “chuyên gia đầu ngành” tôi thấy đây là đề tài hay, phong phú, nó có ở tất cả mọi ngóc ngách của cuộc sống.

 

Lần này, đồng nghiệp đến trao đổi với chúng tôi là hai nhà báo lão thành. Một là nhà báo Hà Đăng - cây cao bóng cả về tuổi đời và tuổi nghề. Nhà báo Hà Đăng cũng là người lập nhiều “kỷ lục” nhất của “làng báo chí” Việt Nam. Ông có đến 60 năm công tác gắn với nghề xây dựng Đảng. Nay, đã ở tuổi ngoài 90 mà mắt tinh, tai thính, tư duy mẫn tiệp, tính cách hóm hỉnh, duyên ngầm. Dường như sức lực ấy, độ nhanh nhạy dẻo dai của con người ấy là do nghề báo luyện nên.

 

Sự xuất hiện của nhà báo Hà Đăng tại Tòa soạn Báo Thái Nguyên như một món quà quý đối với những người làm báo. Thủ thỉ, nhẹ nhàng mà sâu sắc, ông kể cho chúng tôi những kỷ niệm làm báo, gửi vào đó nhiều thông điệp. Quan trọng nhất với người làm báo là khiêm tốn: “Đừng viết đao to búa lớn, đừng trích dẫn nhiều lời người nọ người kia, bài báo như thế chả khác nào cô gái đeo đồ trang sức leng keng ra đường khoe của”; “Bài báo của mình chỉ có giá trị khi được người có quyền ủng hộ”; “Dù mình làm vương làm tướng gì thì cũng phải tuân theo chỉ đạo của người đứng đầu”. Ông thủ thỉ: “Viết báo là công việc thận trọng, viết về xây dựng Đảng càng thận trọng gấp bội. Bài viết hay vừa nhẹ tênh, sinh động, vừa có giá trị dự báo. Để viết được những bài như thế phải làm thế nào? Phải đi cơ sở, nghĩ cùng dân, làm cùng dân, phải đưa cuộc sống vào nghị quyết chứ không phải lúc nào cũng đưa nghị quyết vào cuộc sống”.

 

Bằng chính cuộc đời và giá trị các bài báo của mình, nhà báo Hà Đăng đã tiếp sức cho người làm báo Thái Nguyên. Nhận biết tuổi già không nằm ở râu tóc mà nằm ở trí tuệ và tâm hồn, triết lý ấy đã được nhà báo Hà Đăng chứng minh bằng chính cuộc đời mình.

 

Một người nữa quen thuộc với đội ngũ phóng viên của Tòa soạn là Nhà báo Nhị Lê. Chúng tôi gọi anh là “thầy” vì đã được nghe “thầy” lên lớp ở nhiều chương trình tập huấn trong và ngoài tỉnh. Về Thái Nguyên lần này, Nhà báo Nhị Lê trao đổi sâu hơn lĩnh vực xây dựng Đảng và tham gia Giải báo chí toàn quốc mang tên Búa Liềm vàng, do Ban Tổ chức Trung ương kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức.

 

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh việc chọn đề tài, cách tiếp cận cơ sở, cách thể hiện vấn đề. Những việc đặt ra hàng ngày, hàng giờ với người làm báo. Nhà báo Ngọc Sơn, Trưởng phòng phóng viên Kinh tế đặt câu hỏi trúng tâm tư nhiều phóng viên: Làm thế nào để viết về xây dựng Đảng mà không cần nói nhiều đến Đảng? Nếu bài báo rặt từ chuyên môn, văn phong trịnh trọng, nghiêm túc, sẽ nặng nề, khó được bạn đọc chấp nhận. Câu trả lời ở đây không mới nhưng rất đúng, đó là: ngòi bút của phóng viên không được xa rời cuộc sống. Vấn đề của dân chính là vấn đề của Đảng. Ví như bài báo “Bờ đẻ ra ruộng” của Nhà báo Nhị Lê đăng trên Tạp chí Cộng sản từ năm 2008. Ông đã phát hiện ra một điều cực lớn trong bài báo “nhỏ xíu” là: cứ phá đi 3m bờ là có thêm 1m2 ruộng, nên tổng diện tích đất nông nghiệp tăng lên nếu phá đi những mảnh ruộng manh mún, cắt nát ruộng đất. Bờ “đẻ” ra... ruộng là thế. Bài báo này gợi ý cho Đảng ra chủ trương “dồn điền đổi thửa”, “cánh đồng mẫu lớn” trong nông nghiệp sau này. Viết về Đảng mà không có một chữ “đảng” là như vậy.

 

Còn rất nhiều câu chuyện về nghề được trao đổi tại buổi tọa đàm, ở hành lang hội trường, thậm chí trong cả bữa ăn. Cần mở rộng góc nhìn, tiếp cận cuộc sống bằng tư duy phản biện, phát hiện cho Đảng những gì người dân đang cần, đó là đề tài Đảng “đặt hàng” người cầm bút.

 

Sau buổi trao đổi ngắn gọn, thân tình với các nhà báo Hà Đăng và Nhị Lê, dường như những người làm báo Thái Nguyên có sự thay đổi nào đó trong cách nghĩ viết về xây dựng Đảng. Quả là “học tập là cuốn vở không có trang cuối”, điều này luôn luôn đúng với người làm báo.