Khắc phục tình trạng lãng phí trong quy hoạch

17:40, 16/09/2016

Sáng 16-9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật Quy hoạch. Đa số ý kiến thống nhất loại bỏ các quy hoạch sản phẩm là bước đột phá, giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, loại bỏ cơ chế xin- cho...

Theo Tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Quy hoạch: Thời gian qua, tình trạng lập quy hoạch quá nhiều nhưng không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực đang diễn ra ở tất cả các bộ, ngành, địa phương và ngày càng có xu hướng gia tăng.

 

Trong khi đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội mang tính chính trị, chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng việc tổ chức không gian lãnh thổ. Quy hoạch chưa thể hiện được vị trí, vai trò là công cụ của nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội và sự kết nối giữa chiến lược với kế hoạch dẫn đến sự thiếu gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện.  Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành...

 

Chính vì vậy, việc ban hành Luật Quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác quy hoạch nêu trên; đồng thời, Luật Quy hoạch hướng tới sự cải cách toàn diện về công tác quy hoạch để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH & ĐT) Đặng Huy Đông, trong thực tế, nhu cầu của nhiều sản phẩm do thị trường quyết định dựa trên quy luật cung-cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh nhưng vẫn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch. Không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng "giấy phép con" trong thủ tục hành chính gây cản trở hoạt động về đầu tư, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, Dự thảo Luật Quy hoạch bỏ quy hoạch sản phẩm.

 

Đồng tình, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhất trí cao loại bỏ các quy hoạch sản phẩm vì sẽ giúp bỏ được những loại giấy phép không phù hợp với kinh tế thị trường, cơ chế xin – cho, là giải pháp quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.

 

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, phải quy định chế tài trong dự thảo Luật để đảm bảo tính ổn định của quy hoạch, đồng thời có ràng buộc về pháp lý, tránh tình trạng tư duy nhiệm kỳ.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cũng  cho rằng, không nên lập quy hoạch sản phẩm, vì thường có độ trễ với thị trường, không theo kịp phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp.

 

Tuy nhiên,Thứ trưởng Trần Tiến Dũng băn khoăn liệu trong Luật này đã tính hết đặc thù của các quy hoạch ngành hay chưa?.

 

Đánh giá về việc lập quy hoạch trong thời gian vừa qua, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy hoạch trong thời gian qua có rất nhiều và lãng phí tiền làm quy hoạch lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 

“Thay đổi quan trọng nhất trong dự thảo Luật này là xóa bỏ quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm. Tuy nhiên, nếu xóa bỏ quy hoạch ngành thì sẽ mất vai trò quản lý nhà nước. Có rất nhiều mặt tốt, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên phân tích thêm những mặt hạn chế, rủi ro khi chúng ta sử dụng quy hoạch tổng thể, tích hợp các ngành”, bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình nêu quan điểm, quy hoạch bắt buộc phải gắn với chiến lược phát triển, nghị quyết của Đảng; quy hoạch cần được quy định theo hướng quy hoạch được lập theo thứ bậc từ trên xuống dưới; quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên.

 

Chỉ ra khâu yếu nhất hiện nay là khả năng dự báo trong quy hoạch mà  đội ngũ làm công tác quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng tác động đến chất lượng quy hoạch, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình băn khoăn khi dự thảo Luật chưa đề cập tới vấn đề này.

 

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu lưu ý: Một thời đánh giá cao về quy hoạch chiến lược phát triển sản phẩm như: Đường, ximăng… nâng cao năng lực cạnh tranh, nếu bỏ có thể sẽ đảo lộn tính cân đối sản phẩm.

 

 

Chính phủ xây dựng 2 phương án về hệ thống quy hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định:

- Cấp quốc gia: Quy hoạch ngành quốc gia. Danh mục các ngành quốc gia lập quy hoạch quy định tại Phụ lục 1 của Luật này; Tùy theo yêu cầu phát triển Thủ tướng Chính phủ quyết định lập một số quy hoạch ngành cần thiết.

- Cấp vùng: Quy hoạch vùng. Chính phủ quy định chi tiết các vùng phải lập quy hoạch; Tùy theo yêu cầu phát triển Thủ tướng Chính phủ quyết định lập một số quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh cần thiết.

- Cấp tỉnh: Quy hoạch đô thị, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng; Quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị.

- Tổng thể quy hoạch quốc gia.

 

Phương án 2:

 

- Cấp quốc gia: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch ngành quốc gia. Danh mục các ngành quốc gia lập quy hoạch quy định tại Phụ lục 1 của Luật này.

- Cấp vùng: Quy hoạch vùng. Chính phủ quy định chi tiết các vùng phải lập quy hoạch.

- Cấp tỉnh: Quy hoạch tỉnh.

- Quy hoạch đô thị, nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.