Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc được nhân dân Việt Nam thực hiện thành công trong tháng 8/1945 như một điều tất yếu hợp với quy luật phát triển xã hội. Cuộc cách mạng đó cũng khẳng định những giá trị phổ quát luôn đồng hành cùng nhau: Quyền con người luôn đồng hành với quyền dân tộc và Hòa bình gắn chặt với độc lập dân tộc.
1. Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh anh dũng trong nhiều năm để xoá bỏ ách cai trị của chủ nghĩa thực dân, thực hiện khát vọng cháy bỏng nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam - Độc lập dân tộc. Đây là điều hợp với lòng dân, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân, tập hợp được khối lực lượng đoàn kết toàn dân to lớn. Đó chính là cội nguồn đưa Cách mạng Tháng Tám 1945 đến thành công trọn vẹn, nhanh chóng và ít đổ máu. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 khẳng định quyền thiêng liêng của dân tộc. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập”(Tuyên ngôn độc lập)*. Từ Tháng Tám năm 1945, điều đó đã trở thành hiện thực lịch sử.
Trích “những lẽ phải không ai chối cãi được” trong hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc cách mạng Pháp (1789), bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam khẳng định: Cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 là cuộc cách mạng mang lại quyền con người. Cũng từ “những lẽ phải không ai chối cãi được” đó, “suy rộng ra”: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Tuyên ngôn độc lập).
Cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 xác lập ở Việt Nam một nền dân chủ bằng sự lựa chọn thể chế nhà nước Dân chủ cộng hòa sau cuộc cách mạng - một thành tựu phổ quát của nền chính trị nhân loại. Thể chế Dân chủ cộng hòa do nhân dân Việt Nam tự mình lựa chọn, tự mình xây dựng và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ. Bản Tuyên ngôn độc lập thiêng liêng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc trong buổi chiều ngày 2/9/1945 cũng truyền tải một thông điệp mang tính thời đại của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho cả dân tộc Việt Nam đã khẳng định quyết tâm xây dựng xã hội mới của nhân dân Việt Nam: “... Nhân dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
... Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” (Tuyên ngôn độc lập).
Với nhân dân Việt Nam, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc: Kỷ nguyên Độc lập - chấm dứt ách nô lệ thực dân gần một thế kỷ và Tự do - chấm dứt chế độ phong kiến kéo dài đã nghìn năm.
Với nhân loại, bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam là tiếng chuông báo sự khởi đầu tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam cũng là Tuyên ngôn của các dân tộc còn đang bị xiềng xích, áp bức trên thế giới bởi chủ nghĩa thực dân, chứa đựng những thông điệp của thời đại về Dân tộcvà Dân chủ - Dân quyền.
Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã tự đứng lên giành lại cho mình những giá trị nhân văn tốt đẹp - từ những quyền cơ bản nhất của dân tộc là Độc lập, của con người là Tự do cho tới những quyền cụ thể khác, để mỗi người đều có thể mưu cầu hạnh phúc cho mình trong sự tiến bộ chung của xã hội, để dân tộc đồng hành với nhân loại.
2. Mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc được thể hiện rõ trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam là tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là giải phóng con người. Cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là dấu mốc của dân tộc Việt Nam bắt đầu tiến lên một con đường trung hưng mới. Sau cuộc tổng tuyển cử tự do và dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ngày 6/1/1946, Chính phủ cách mạng lâm thời đã trở thành Chính phủ hợp hiến, do dân bầu, bao gồm nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp xã hội, đấu tranh cho quyền lợi của cả dân tộc Việt Nam.
Chính phủ cách mạng thu hút được sự ủng hộ của toàn dân, được nhân dân bảo vệ trước những sự tấn công khốc liệt của kẻ thù vì đã hành động hợp với lòng dân. Bộ máy chính quyền mới đã trực tiếp mang lại những quyền lợi dân sinh, dân chủ, dân quyền mà nhân dân Việt Nam chưa từng được hưởng: Bãi bỏ thuế thân (ngày 7/9/1945); bắt buộc học chữ quốc ngữ và không phải trả tiền (ngày 8/9/1945); qui định thể lệ Tổng tuyển cử (ngày 17/10/1945); giảm tô 25% (ngày 20/11/1945); giảm 20% thuế điền (ngày 20/11/1945) ... Những chính sách hợp lòng dân, mang lại và bảo vệ quyền lợi (cả vật chất và chính trị, tinh thần) cho nhân dân của Chính phủ cách mạng đã được đông đảo toàn dân hoan nghênh và hưởng ứng thực hiện. Trước những tình thế nguy nan, đầy cam go thử thách, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ thành công và bước đầu xây dựng Chính quyền cách mạng non trẻ của mình. “Dân tộc trên hết - Tổ quốc trên hết” đã trở thành ngọn cờ giương cao trong cuộc đấu tranh chống lại những âm mưu chia rẽ, phá hoại. Bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự cường để xây dựng và bảo vệ Chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân từ những năm tháng hào hùng đó hôm nay vẫn mang nhiều giá trị.
Ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh (đang kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao) đã ra Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong đó nêu rõ mục tiêu: Xây đắp nền hoà bình thế giới. Trước nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã cận kề, ngày 7/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẵn khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách”**.
Nhưng khi độc lập dân tộc đứng trước nguy cơ Còn - Mất, cả dân tộc Việt Nam đã bình tĩnh, chủ động và quyết tâm đứng lên bảo vệ với ý chí “Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”*** . Với ý chí đó, dân tộc Việt Nam đã đi qua chiến tranh cách mạng gian khổ và hào hùng để bảo vệ độc lập, tự do của mình. Sau chặng đường dài chiến tranh, “Súng gươm trả hết lại hiền như xưa”, nhân dân Việt Nam trở lại với sự nghiệp chấn hưng đất nước. Cho đến nay, nhiều kết quả trên các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế... của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Cách mạng Tháng Tám 1945 đã làm nên sự khác biệt căn bản của lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX so với tất cả các thế kỷ trước đó của lịch sử dân tộc: Thiết lập một nền dân chủ, khẳng định quyền con người, khẳng định những khát vọng của dân tộc. Cuộc đổi thay ấy ở Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 8/1945, với sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, với ước vọng xây dựng một xã hội tươi đẹp trong tương lai.
Thành tựu và những thử thách suốt chặng đường hơn bảy mươi năm qua đã minh chứng những giá trị của một cuộc cách mạng Dân tộc và Dân chủ. Công cuộc Đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ những thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay chính là sự tiếp nối những giá trị lịch sử và những bài học sâu sắc của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945./.
------------------------------------------------------------
* .Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 3
** .Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 526
*** .Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 534