Chiều 12-9, tại phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Báo cáo thẩm tra dự án luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày nhận định, dù đóng vai trò quan trọng, nhưng đến nay, giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập nên việc sửa đổi Luật Đường sắt là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn.
Biểu hiện là kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp, phần lớn đầu tư từ hơn trăm năm trước; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng; Tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Sản lượng vận tải hàng hóa ngành đường sắt so với toàn ngành giao thông trong những năm gần đây giảm dần, không đạt mục tiêu đề ra...
Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, thị phần vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt so với các lĩnh vực khác liên tục giảm trong giai đoạn qua. Lý do được đưa ra là do mô hình cơ cấu, tổ chức giao cho tất cả Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, cả hạ tầng và đơn vị vận tải nên bối cảnh cạnh tranh còn hạn chế. Hơn nữa, kết nối giữa đường sắt với các phương thức vận tải khác rất hạn chế, trước kia có nhiều đường sắt nối vào các cảng nhưng nay chỉ còn 3 điểm kết nối là Cảng Hải Phòng, cảng Việt Trì và một cảng ở Ninh Bình.
Góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ quan điểm phải có đường sắt tốc độ cao nhưng băn khoăn về tính hiệu quả khi đầu tư cần nguồn lực rất lớn.
Đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành hàng không? Từ trước đến nay, đường sắt của Việt Nam đã có đoạn nào tư nhân hoá chưa, hiệu quả thế nào... là những vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ.
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, chưa có tuyến đường sắt nào tư nhân đầu tư, kể cả kêu gọi đầu tư hay cho thuê. Tất cả 3.143km đường sắt đang giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý và khai thác. Hiện đang hướng tới có một số đoạn tuyến ngắn chủ yếu phục vụ du lịch sẽ lập đề án cho thuê hay nhượng quyền khai thác trong một thời gian nhất định.
Liên quan đến xây đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm 2010, Chính phủ đã trình Quốc hội nhưng chưa được thông qua và yêu cầu cập nhật và làm rõ một số nội dung, đặc biệt hiệu quả dự án, liệu trình đầu tư và phương án huy động nguồn lực, trong đó nói rõ phần nào của Nhà nước, phần nào tư nhân có thể tham gia được.
Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục cập nhật nghiên cứu tiền khả thi. Bộ đã báo cáo Chính phủ kiến nghị về lộ trình, năm 2018 sẽ trình để Chính phủ thẩm định lại, nếu thông qua được thì trình Quốc hội, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020 và chuẩn bị tiền đề để xây dựng đoạn thí điểm, đoạn ưu tiên sau năm 2020.
Liên quan đến quản lý và kinh doanh, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho rằng nhiệm vụ quản lý nhà nước về đường sắt chưa được tách bạch giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt. Chính điều này đã dẫn đến việc chưa tạo lập được môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, vừa kinh doanh vận tải chính là điểm mấu chốt dẫn đến bất cập, kém hiệu quả trong hoạt động đường sắt.
“Mặc dù đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận, nhưng lý do tại sao ngành đường sắt lại phát triển chậm hơn các ngành khác, như ngành hàng không”, bà Lê Thị Nga băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng nên tách hạ tầng quản lý vận tải đường sắt, hạ tầng Nhà nước lo, còn vận tải thì các thành phần kinh tế khác làm, có kết nối đa phương thức gắn với cảng biển, sân bay, bến tàu, mở ra đường sắt tốc độ cao và nhiều chính sách ưu đãi để tư nhân tham gia.
Thống nhất với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, nếu sửa Luật, trước hết ta phải tạo ra thị trường và có sức cạnh tranh. Nhà nước bảo đảm hạ tầng, tiến tới cho thuê các tuyến đường sắt để khai thác, thu hút các thành phần kinh tế khác, kêu gọi tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe và các cơ sở đầu tư kinh doanh vận tải. Việc kêu gọi được tư nhân vào sẽ có kết nối tốt hơn, còn với doanh nghiệp nhà nước thì tính cạnh tranh không cao.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu để rà soát, bổ sung, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội./.