Tọa đàm báo chí với hoạt động của Quốc hội

14:26, 29/09/2016

Ngày 29-9, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức Tọa đàm báo chí với hoạt động của Quốc hội. Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì Tọa đàm. Tham gia Tọa đàm có các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các khóa; các chuyên gia của Văn phòng Quốc hội; đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan của Trung ương; phóng viên chuyên trách đưa tin về Quốc hội các báo Trung ương và địa phương.

Tại buổi Tọa đàm, đại diện một số cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH và các nhà báo đã có nhiều tham luận về các nội dung: Công tác báo chí phục vụ kỳ họp Quốc hội; Kinh nghiệm của ĐBQH trong việc tiếp xúc với báo chí và cách thức xây dựng hình ảnh ĐBQH qua báo chí; Kinh nghiệm thực tiễn để vượt qua trở ngại trong tiếp xúc với báo chí; Cách thức tiếp cận ĐBQH của phóng viên báo chí nghị trường; Kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên báo chí tại các kỳ họp; Vấn đề xử lý sự cố truyền thông đối với hoạt động của ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội...

 

Các tham luận tại Tọa đàm đều khẳng định: Báo chí là kênh thông tin 2 chiều, phản ánh hoạt động của ĐBQH tới người dân. Báo chí cũng là kênh giám sát, phản biện các chính sách. ĐBQH phối hợp và cộng tác tốt với báo chí sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí có chất lượng khắc hoạ được những gương mặt ấn tượng của nghị trường. ĐBQH tiếp xúc với báo chí chính là tiếp xúc với cử tri. Giao tiếp với báo chí chính là cơ hội để ĐBQH truyền thông điệp của mình tới cử tri và cơ hội để xây dựng hình ảnh ĐBQH với công chúng. Tương tác càng nhiều với báo chí thì ĐBQH càng có cơ hội và động lực để hoàn thiện mình. Để xây dựng được Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo thì phải xây dựng được một Quốc hội sáng tạo, nói lên được tiếng nói của nhân dân. Chỉ khi ĐBQH lên tiếng thì người dân mới dám nói lên tiếng nói của mình. Các ĐBQH cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị, vai trò mà báo chí mang lại thì một số đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, vẫn còn cơ quan báo chí hiện dựa nhiều vào thông tin trên mạng xã hội, mà thiếu sự kiểm chứng, khiến Chính phủ, Quốc hội mất thời gian để giải quyết những sự việc mang tính sự vụ chứ không phải là những vấn đề cốt lõi của cuộc sống. Bởi thế, các nhà báo, cơ quan báo chí cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và tính chuyên nghiệp trong hoạt động...

 

Nhiều cơ quan báo chí cũng đề nghị cần nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của Quốc hội; nâng cao kỹ năng tiếp cận, xử lý thông tin, quan hệ công chúng, báo chí của ĐBQH; các hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin diễn ra thường xuyên, liên tục và chủ động hơn; ĐBQH cần có sự cởi mở hơn đối với báo chí...

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng một lần nữa khẳng định vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội. Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu và sẽ chuyển những nội dung này đến ĐBQH cũng như các cơ quan của Quốc hội.