“Ba không” và hành trình bài trừ cái xấu (Kỳ 1)

14:31, 13/10/2016

Mấy năm gần đây, sự xuất hiện, len lỏi của một số tổ chức lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động trái phép và tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình (DVM) ở một số xóm bản có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như bùa mê thuốc lú khiến một bộ phận đồng bào trong tỉnh mê muội, nhẹ dạ tin theo. Các tổ chức hoạt động nhằm âm mưu phá hoại bản sắc văn hóa truyền thống cũng như chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Tuy hành trình đấu tranh, bài trừ các tổ chức bất hợp pháp này khá phức tạp và gian nan, song với tinh thần quyết tâm, kiên trì vận động, thuyết phục, bằng nhiều phương pháp khác nhau, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã đồng sức, đồng lòng cùng bà con loại trừ chúng ra khỏi cộng đồng, mang lại cuộc sống ổn định, ấm no.

Khi lòng tin bị kẻ xấu lợi dụng

 

Đối tượng chính mà các tổ chức bất hợp pháp nhắm tới để lợi dụng, lừa bịp là đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng sâu, vùng xa và những hộ nghèo bị bệnh tật. Chúng xúi giục bà con bỏ lao động sản xuất, bán các tài sản có giá trị để làm lợi cho chúng. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo nhẹ dạ đã cả tin nghe theo những lời dụ dỗ hoang đường, nhảm nhí của chúng để chống lại chính quyền. Chúng còn lợi dụng lòng tin mù quáng của một số người dân để truyền bá mê tín dị đoan nhằm phá hoại bản sắc văn hóa truyền thống và đoàn kết của dân tộc.

 

Những luận điệu nhảm nhí

 

Tổ chức bất hợp pháp DVM xuất hiện tại tỉnh ta từ khá lâu và len lỏi vào đời sống, sinh hoạt của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương - nơi có tới 25 xóm, bản của 16 xã với trên 7.300 nhân khẩu là đồng bào Mông sinh sống. Tuy nhiên, đến năm 2012, 2013, tổ chức bất hợp pháp này mới thực sự công khai lộ diện khi ra sức tuyên truyền mê tín dị đoan tại các bản người Mông Làng Ươm (Dân Tiến), Kim Sơn, (Thần Sa), Lân Thùng (Phương Giao) của huyện Võ Nhai; Trung Sơn, Lân Đăm (Quang Sơn), huyện Đồng Hỷ... Bản chất của tổ chức DVM là xúi giục bà con bỏ lao động sản xuất, bán các tài sản có giá trị như trâu, bò, lợn, gà để quyên góp quỹ hoạt động cũng như nộp bánh kẹo, thuốc lá, tiền bạc cho tổ chức này. Chúng vận động và yêu cầu bà con bỏ tín ngưỡng truyền thống để tập trung học các bài cúng mới theo kiểu riêng của DVM. Tổ chức bất hợp pháp này do chính DVM cầm đầu. Hắn tự dựng lên câu chuyện nhảm nhí là Chúa trời nhập vào người và bảo: “Ai theo DVM thì sẽ có cuộc sống sung sướng, không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ”. Từ dó hắn cùng các đối tượng thân tín tích cực tuyên truyền, lôi kéo đồng bào Mông đi theo. Luận điệu của chúng là nếu đi theo DVM thì người chết sẽ sống lại, người già sẽ lột xác trẻ lại, người trẻ sẽ trẻ mãi không già, ốm đau sẽ tự khỏi bệnh. Chúng còn vận động bà con ở một số xóm, bản không đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội, HĐND địa phương. Chúng tự quy ước với nhau rằng, mọi cán bộ Nhà nước vào thôn, bản phải trình báo; tiếp xúc gặp gỡ ai thì phải được sự đồng ý của Ban quản lý DVM. Với những hoạt động phi pháp của mình, DVM đã được chính quyền giáo dục nhiều lần nhưng không tiến bộ. Cách đây mấy năm tổ chức này đã ráo riết tuyên truyền, lôi kéo đồng bào đi theo và không ngừng khuếch trương tên tuổi, xây dựng các quy ước, điều lệ riêng nhằm tách khỏi sự quản lý của chính quyền địa phương. Một số đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh đã nhẹ dạ tin theo những lời dụ dỗ hoang đường, nhảm nhí đó của DVM. Vào lúc cao điểm, huyện vùng cao Võ Nhai thống kê có 56 hộ dân tộc Mông với trên 300 nhân khẩu, huyện Đồng Hỷ có trên 120 hộ với gần 550 nhân khẩu rải rác ở các thôn bản… tham gia tổ chức DVM.

 

Và mánh khóe bịp người nhẹ dạ

 

Cũng xuất hiện trước đó, nhưng ở thời điểm năm 2012, 2013, trên địa bàn tỉnh một số tổ chức lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động trái phép mang tên Tâm linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ngọc phật Hồ Chí Minh hoạt động công khai hơn. Hoạt động của các tổ chức này do một vài người đứng đầu, nhằm lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, lợi dụng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lợi dụng tình cảm thiêng liêng của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ để xúi giục đồng bào xóa bỏ bàn thờ tổ tiên, hoạt động mê tín dị đoan nhằm phá hoại bản sắc văn hóa truyền thống và đoàn kết của dân tộc ta. Đối tượng bị lôi kéo chủ yếu là các gia đình hoặc cá nhân nghèo, thường xuyên bị bệnh tật. Điều đáng nói là các tổ chức này cũng dựa trên luân điệu lừa bịp rằng người ốm không cần đi chữa bệnh, chỉ uống nước lọc là tự khỏi. Mục tiêu của chúng là lôi kéo một bộ phận nhân dân có nhận thức chưa đầy đủ, khi đã tin theo thì bị chi phối, trói buộc của thần quyền, giáo luật, giáo lý trong đó có tư tưởng cố hữu tin và nhất nhất làm theo lời “giáo chủ”. Chúng thường ngụy tạo những điều trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc để mê muội quần chúng, chi phối đối với người đi theo và xuyên tạc lịch sử, nói xấu xã hội. Hoạt động của các tổ chức này chủ yếu phục vụ lợi ích của người sáng lập hoặc nhóm người đứng đầu; thổi phồng những vấn đề bức xúc, công kích xã hội đương thời nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong thực hành nghi lễ, chúng thường tuyên truyền những yếu tố phản khoa học, mê muội, cuồng tín.

 

Mặc dù rất phản khoa học, nhưng cũng đã có một bộ phận người dân trong tỉnh do thiếu hiểu biết và chưa nhận thức đầy đủ về Pháp lệnh Tôn giáo, tín ngưỡng đã tin và nghe theo. Số lượng người đi theo tập trung khá đông ở huyện Định Hóa, huyện Phổ Yên (nay là T.X Phổ Yên). Có thời điểm, số hộ gia đình hoặc cá nhân của huyện Định Hóa bị dụ dỗ đã lên tới gần 100 trường hợp, tập trung nhiều nhất ở các xã Linh Thông, Quy Kỳ, Phú Đình, Lam Vỹ, Kim Sơn và thị trấn Chợ Chu. Trong đó, xã Linh Thông chiếm số đông với trên 60 trường hợp. Điều đáng nói là trong đó có cả gia đình cán bộ, đảng viên. Tại huyện Phổ Yên lúc cao điểm có trên 60 người theo, tập trung ở các xã Minh Đức, Tiên Phong, Đắc Sơn, thị trấn Ba Hàng…

 

Những tác động tiêu cực

 

Để thu hút quần chúng tham gia và có thể công khai hóa các nghi thức, nghi lễ trái phép mang tính mê tín dị đoan, tổ chức bất hợp pháp DVM đã triển khai xây dựng cái gọi là nhà đòn. Nhà đòn không nhằm mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng mà để phục vụ mục đích riêng của một bộ phận người đứng đầu. Mặc dù các xóm bản người Mông đã có nhà văn hóa, song bà con đi theo tổ chức DVM vẫn phải đóng góp tiền của để xây nhà đòn. Ở thời điểm tổ chức DVM tiến hành khởi công xây dựng nhà đòn, trung bình mỗi hộ phải nộp từ 150 nghìn đến gần 300 nghìn đồng, trong khi đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, có bản toàn bộ số hộ đều là hộ nghèo. Tại huyện Võ Nhai có 3 điểm, huyện Đồng Hỷ có 4 điểm được tổ chức DVM tiến hành các hoạt động để xây dựng nhà đòn.

 

Cùng với đó, nhiều gia đình đồng bào Mông ở các bản Trung Sơn, Lân Đăm, Làng Ươm, Lân Thùng, Kim Sơn… khi nghe theo tổ chức DVM đã bỏ bê nương rẫy, đồi rừng, sao nhãng chăn nuôi lợn, gà để dành thời gian hội họp. Không những thế, nhiều hộ dù rất nghèo nhưng cũng phải gồng mình tìm đủ cách bòn mót tiền của, đồ đạc mang ra đóng góp cho tổ chức này, nên cuộc sống đã khó lại càng thêm khó.

 

Còn những người tin và đi theo các tổ chức lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động trái phép cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn không kém, nhiều khi còn ảnh hưởng đến cả tính mạng. Chị Ma Thị Kính, ở xóm Nà Mỵ, xã Linh Thông (Định Hóa) kể: Lần đó, mẹ chồng tôi bị ốm, cả nhà lo lắng, tập trung chăm sóc rất vất vả. Có người đến gia đình tôi nói rằng, nếu đi theo tổ chức của họ thì bệnh tật của mẹ chống tôi sẽ được chữa khỏi, không phải đi viện, không hề tốn kém. Theo hướng dẫn, gia đình tôi phải bỏ các bát hương thờ cúng tổ tiên, thay vào đó là một bát hương to, chỉ thờ ảnh chân dung Bác và hai câu đối. Với mong muốn mẹ chồng mau khỏi bệnh, ngày ngày tôi đều rót nước lên bàn thờ, sau đó thắp hương, lẩm nhẩm đọc theo những lời hướng dẫn của họ, rồi đem chén nước cho mẹ chống uống. Sau gần 2 tháng tích cực làm theo hướng dẫn, bệnh tình của mẹ chồng tôi không những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Cũng may, lúc đó có cán bộ, bà con trong xóm đến khuyên can và đưa đi viện, nếu không tôi sẽ ân hận cả đời.

 

Như vậy có thể thấy, cùng lúc đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, xa, những người nghèo nhẹ dạ trong tỉnh bị kẻ xấu lợi dụng, bủa vây bằng những luận điệu mê hoặc, nhảm nhí. Nếu không có sự phát hiện và vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp thì chắc chắn luồng “khí độc” mà các tổ chức bất hợp pháp tạo ra sẽ ngày càng lan rộng khiến suy nghĩ, hành động của một bộ phận đồng bào bị sai lệch, méo mó, u mê, dẫn đến giảm sút lòng tin với Đảng, Nhà nước ta.