Cần tạo cho Chính phủ mới “dư địa” để thực hiện các chính sách

16:11, 22/10/2016

“Chúng ta cần tạo cho Chính phủ mới dư địa để thực hiện các chính sách của mình, nhưng trần nợ công vẫn phải kiên quyết giữ 65%”. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (T.P Hồ Chí Minh) tại buổi thảo luận tại tổ, sáng 22-10 về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và 2017.

Qua Kết luận 02 của Bộ Chính trị cũng như Đề án tái cơ cấu của Chính phủ, chúng ta phải nhìn nhận quá trình tái cơ cấu trong thời gian qua có hiệu quả bước đầu. Chỉ số ICOR cũng được cải thiện, bảo đảm an toàn trong các tổ chức tín dụng cũng cần được ghi nhận.

 

Khẳng định Đề án tái cơ cấu của Chính phủ đã trình bày khá chi tiết, tuy nhiên, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) thì cần đặc biệt lưu ý đến chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sự cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân viện dẫn, thâm hụt ngân sách làm cho nợ công tăng cao (đến năm 2015 ở mức 62,2% và dự kiến năm 2016 ở mức 64,98%), gần sát mức trần 65%/GDP. Nợ Chính phủ năm 2016 ở mức 53,1%, tuy nhiên tôi rất đồng tình nếu như cần “nới trần” cho nợ Chính phủ là cần thiết.

 

Đại biểu Ngân cho rằng: “Chúng ta cần tạo cho Chính phủ mới dư địa để thực hiện các chính sách của mình, nhưng trần nợ công vẫn phải kiên quyết giữ 65%”.

 

Ưu tiên phát triển thành phần kinh tế tư nhân

 

Cho rằng sự sụt giảm của đầu tư công, sụt giảm đóng góp của nhà nước đối với nền kinh tế là đúng-định-hướng vì nhà nước muốn tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Nhưng theo đại biểu Ngân, “mong muốn” đó của chúng ta không đạt được.

 

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, không đạt bởi, năm 2011 đóng góp khu vực nhà nước vào GDP là 32,7%, đến 2015 đóng góp còn 30,7%.

 

“Như vậy, đóng góp của khu vực nhà nước có giảm đi là đúng, bởi chúng ta đang cổ phần hoá và giải thể các doanh nghiệp yếu kém làm ăn không hiệu quả. Nhưng ở đây, chúng ta mong đợi sự “lớn lên” của doanh nghiệp tư nhân thì không đạt. Trong khi khu vực tư nhân vẫn giữ nguyên đóng góp cho GDP (năm 2011 là 49,3%, năm 2015 là 49,1%)” - Đại biểu Ngân phân tích.

 

Đồng tình trong kế hoạch của Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là ưu tiên phát triển thành phần kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thể chế để thúc đẩy kinh tế tư nhân có thể đảm nhận vai trò khi một số lĩnh vực, ngành nghề mà nhà nước không cần nắm giữ. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Có như vậy mới thể hiện được tính-tự-chủ của nền kinh tế”.

 

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân đánh giá, quá trình tái cơ cấu nhà nước, tái cơ cấu các tập đoàn doanh nghiệp của nhà nước, tổng công ty vẫn chưa đạt được những chuyển biến tích cực, còn chậm.

 

“Nguồn” ở đâu cho nguồn - lực tái cơ cấu kinh tế?

 

Băn khoăn về nguồn lực thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế dự kiến khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở dự toán nguồn lực này.

 

“Khả năng huy động nguồn lực này như thế nào? Lộ trình từng năm ra sao? Tiêu chí và hướng phân bổ, ưu tiên nguồn lực này vào những lĩnh vực nào?” - đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị.

 

Vậy số tiền này phân bổ cho những nguồn lực nào? Cùng chung băn khoăn và thắc mắc về phân bổ nguồn lực, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) ý kiến, có phải là 91 hoạt động trong phụ lục của Đề án sẽ tiêu hết số tiền đó không?

 

“Nếu đúng thế thì đây là một điều vô cùng thất vọng. Vì cái này không tạo ra sản phẩm cuối cùng là tái cơ cấu nền kinh tế mà mới chỉ dừng lại ở văn bản, luật pháp, nghị quyết” - Đại biểu Hoàng Văn Cường nói.

 

“Tôi cho rằng cần xem xét lại việc phân bổ các nguồn lực hơn 10 nghìn tỷ đồng dùng vào việc gì?” - đại biểu Cường ý kiến.

 

Đứng về mặt lý thuyết, tái cơ cấu kinh tế chỉ có bốn cơ cấu: cơ cấu ngành, cơ cấu vùng, cơ cấu thành phần và cơ cấu nguồn lực. “Không thấy cái nào là cơ cấu về quy hoạch, mà báo cáo lại đặt ra nội dung “hiện đại hóa quy hoạch”, không hiểu tại sao lại có nội dung này trong tái cơ cấu, có chăng đó chỉ là giải pháp thực hiện chứ không phải nội dung của tái cơ cấu” - đại biểu Cường thắc mắc.

 

Nếu du lịch là một “ngành kinh tế” thì không thể điều hành bằng “tư duy” văn hoá

 

Là người đã thời gian làm quản lý trong ngành du lịch và nay là Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) tiếp cận Đề án tái cơ cấu kinh tế thông qua ngành du lịch rất thẳng thắn và cụ thể.

 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho biết, tăng trưởng du lịch năm 2016 dự kiến sẽ đạt 25%, và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của nước ta rất nhiều trong số dự kiến gần 7% GDP năm nay. Vì vậy, có thể nói, du lịch đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm kế hoạch phát triển của Chính phủ đặt ra trong năm 2016 và đã được Quốc hội thông qua.

 

Cũng đồng tình với một số đại biểu là chúng ta nên chọn một số ngành trọng tâm như nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, đặc biệt là du lịch để phát triển. Tuy nhiên, đại biểu Hưng cho rằng, để phát triển thành công thì cần tạo ra cho những “ngành mũi nhọn” những cơ chế chính sách và sự quan tâm thích đáng.

 

Hiện nay, trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng có một câu ngắn gọn: Phát triển mạnh du lịch. Báo cáo Chính phủ cũng nói đẩy mạnh và coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

 

Nhưng, theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng: “Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn rất mong muốn Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm coi du lịch, ứng xử với du lịch đặt du lịch ở vị trí tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước mình, cũng như đặt du lịch ở vị trí là một ngành kinh tế”.

 

Đại biểu Hưng cho biết, khi chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, những người làm du lịch rất buồn, vì chủ trương thì yêu cầu phải đạt ngành kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch thì nay bị tách ra mai nhập vào, không ổn dịnh. “Vì không có sự ổn định về bộ máy cho nên dẫn đến không ổn định về cơ chế chính sách, về con người thực hiện”.

 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng thẳng thắn, nếu đã xác định du lịch là một ngành kinh tế thì phải điều tiết nó bằng kinh tế, còn du lịch hiện nay tư duy lãnh đạo là văn hóa, tư duy tiêu tiền nên rất khó.

 

“Và nếu xác định du lịch là ngành kinh tế thì phải điều tiết, điều hành nó như một ngành kinh tế. Từ đó, tạo ra cho du lịch cơ chế chính sách, bộ máy, đầu tư con người để đáp ứng được yêu cầu” - đại biểu Hưng nhấn mạnh.