Có một tiềm năng chưa được khai thác.

07:55, 11/10/2016

Thực tế hiện nay ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) cho thấy, hầu hết cán bộ chủ chốt đều ở độ tuổi xấp xỉ 40 trở xuống. Họ được sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đất nước đổi mới. Họ có văn hóa, sức khỏe, thông minh, năng động, dám nghĩ, dám làm và làm được nhiều việc mà thế hệ cha anh không có điều kiện để làm... Đó là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, bên cạnh một số ít nổi trội thì nhược điểm (có tính chất thế hệ) của phần lớn lực lượng này là thiếu bề dầy kinh nghiệm cuộc sống: Sự nhạy bén chính trị; kinh nghiệm xử lý tình huống; nghệ thuật lắng nghe và tập hợp lực lượng... Trong thực thi công việc, có tình trạng dựa vào trên, ngại sáng tạo, dễ sa ngã trước sự cám dỗ vật chất... Họ ngại phát sinh công việc, không sâu sát thực tế (mặc dù sống gần dân). Với lớp cha anh, họ kính nể nhưng ít nhiều vẫn có những định kiến về quan điểm, lối sống, phong cách làm việc...

 

Trong lúc đó, số "dân vạn đại", vốn là cán bộ sở tại và các nguồn cán bộ thoát ly về nghỉ chế độ ở các địa phương ngày càng nhiều, có không ít cán bộ trung, cao cấp từ các ngành, các cấp khác nhau. Họ có bề dầy cuộc sống, có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm xử lý các sự cố trong công việc... Mặc dù cũng có những người biểu hiện sự phai nhạt lý tưởng, tiêu cực trong cuộc sống hoặc không còn sức khỏe do bệnh tật; nhưng số đông vẫn có những suy nghĩ tích cực, coi quê hương là bến đỗ cuối cùng của cuộc đời, luôn có nguyện vọng làm được việc nào đó, góp phần xây dựng quê hương, coi đó là niềm vui của tuổi già. Không ít các vị thượng tá, đại tá, chánh, phó giám đốc các sở, ngành về hưu vẫn hăng hái "vác tù và hàng tổng". Tuy nhiên, những định kiến như "lên nước dậy đời", "cố đấm ăn xôi"... của một số người khiến họ ngần ngại. Có việc muốn làm lại chần chừ không làm. Có điều muốn nói lại không nói, đành tặc lưỡi cho qua!

 

Ở địa phương nọ, có vị phó giáo sư - tiến sĩ, vốn là giảng viên của một trường đại học, nay về nghỉ hưu, nhân dịp được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, sau vài ngày suy nghĩ, ông tìm đến một số anh em đồng lứa bàn chuyện tham mưu với đảng ủy cơ sở, mỗi năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng nên có hình thức tổ chức gặp gỡ số đảng viên được tặng Huy hiệu Đảng từ 30 năm trở lên, động viên họ phát huy vai trò của mình trong xây dựng địa phương. Việc này một mặt thể hiện sự trân trọng của Đảng với những đảng viên có thâm niên tuổi Đảng, nhân đó xác định trách nhiệm của họ, góp sức xây dựng Đảng, chính quyền, động viên con cháu thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Mặt khác, là dịp tôn vinh những phẩm chất tốt đẹp của lớp người đi trước, góp phần khơi dậy danh dự và trách nhiệm đảng viên trong lớp cán bộ trẻ... Nhưng văn bản đề xuất gửi đi rồi thì rơi vào im lặng!

 

Lại nữa, sau khi địa phương nọ hoàn thành biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ, một nhóm cán bộ có tâm huyết bàn với nhau, đề xuất cách tóm tắt những nội dung cốt lõi cuốn lịch sử đó, để triển khai nó trong các trường học của địa phương... Nhưng khi ngỏ lời với một cán bộ có trách nhiệm thì được trả lời "ngọt sớt" rằng: Việc này Đảng ủy và UBND đã có phương án?! Vậy mà năm tháng trôi qua, mới hay đó chỉ là một phương án... treo!

 

Ở một địa phương khác, giữa ngã ba đường, sớm chiều tấp nập người qua lại, bỗng một ngày xuất hiện bức pa nô hoành tráng, rộng chừng 30m2 có ảnh lãnh tụ, có Đảng kỳ, Quốc kỳ, bên dưới có hàng chữ: "Tất cả vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh" (từ mấy năm qua, hàng chữ này đã được điều chỉnh: đưa từ "dân chủ" lên trước từ "công bằng"). Một đảng viên lớn tuổi khi phát hiện sai sót đó, đã vào gặp riêng Chủ tịch UBND, đề nghị: Nên sửa lại cho đúng với nội dung hiện hành. Vậy mà gần một năm nay, dòng chữ trên vẫn không thay đổi.

 

Được biết ở nhiều cơ sở, những chuyện tương tự như thế đang làm cho mối quan hệ giữa những người đương chức, đương quyền với lực lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở thiếu đi sự gắn bó, thân tình. Ở đây, cái mạnh không được phát huy. Cái yếu không có cơ hội khắc phục.

 

Để khai thác một tiềm năng đang bị lãng quên, nên chăng cần có một cơ chế đối thoại, khơi nguồn cho sự hình thành phong cách cầu thị và lắng nghe (của lớp trẻ với lớp già); chân thành chia sẻ kinh nghiệm của lớp cha anh; trên cơ sở tôn trọng và cảm thông với những khó khăn, áp lực của những người đang thực thi công việc. Tùy theo những vấn đề kinh tế, văn hóa - xã hội và xây dựng Đảng khác nhau, cấp ủy và chính quyền ở mỗi cơ sở, nên coi trọng việc khai thác chất xám của lực lượng cán bộ, đảng viên hưu trí (đương nhiên phải có sự chọn lọc đối tượng); chủ động tạo ra những hoàn cảnh có vấn đề như gặp gỡ trao đổi, thậm chí "đặt hàng" để người được hỏi, có trách nhiệm suy nghĩ và đóng góp ý kiến. Việc này chẳng những khơi thông mối quan hệ giữa những người cùng chung trách nhiệm, giúp cho việc khai thác hiệu quả chất xám trên địa bàn, mà còn góp phần tăng thêm sự đồng thuận xã hội, trong các chủ trương công tác ở địa phương.