Con đường mở hướng thoát nghèo cho người dân Tân Thịnh

10:52, 03/10/2016

Bởi đường sá đi lại khó khăn, giao thông cách trở mà bao đời nay, cái nghèo cứ mãi “níu chân” người dân xã Tân Thịnh (Định Hóa). Nông sản sản làm ra thường bị tư thương ép giá. Trong khi các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết thì bà con lại phải mua với giá đắt gấp rưỡi bình thường do chi phí vận chuyển đội giá lên cao. Nhưng kể từ khi tuyến đường Tân Thịnh - Khe Thí cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân không còn phải lo lắng về chuyện “mua đắt, bán rẻ” nữa. Một tương lai tươi sáng đang dần mở ra đối với bà con nơi đây.  

Đưa chúng tôi đi trên con đường mới phẳng lỳ, ông Hoàng Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh chia sẻ: Trước năm 2016, Tân Thịnh là xã duy nhất của huyện Định Hóa chưa có đường nhựa chạy qua. Tuyến đường trục chính của xã dài 11,5km đi qua địa bàn 11 xóm là con đường đất nhỏ hẹp, dốc quanh co chỉ đủ cho xe đạp và xe máy lưu thông. Vì là đường đất nên ngày nắng thì bụi bặm, ngày mưa thì lầy lội. Vào mùa mưa, đất đá sạt lở khiến cho giao thông thường bị gián đoạn nhiều ngày liền. Khổ nhất là các em học sinh, hằng ngày phải đi học trên con đường gồ ghề, lởm chởm đầy những đá hộc và ổ gà, ổ trâu…

 

Giao thông cách trở nên bao đời nay, cuộc sống của người dân Tân Thịnh vẫn chưa hết khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn xấp xỉ mức 30-35%. Với lợi thế sẵn có từ rừng, những năm gần đây, người dân đã tích cực trồng rừng và phát triển kinh tế rừng để nâng cao đời sống. Toàn xã có trên 4.000ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng sản xuất khoảng 2.000ha. Tuy nhiên, do đường sá khó khăn, chi phí vận chuyển cao, lại bị tư thương ép giá nên nguồn thu nhập từ trồng rừng chẳng thể giúp cho kinh tế của người dân nơi đây phát triển được. Trong khi đó, các mặt hàng nhu yếu phẩm, phân bón phục vụ cho sản xuất được tư thương đem đến bán với giá cao khiến cho cuộc sống của người dân càng thêm vất vả.

 

Thấu hiểu những nhọc nhằn của người dân xã Tân Thịnh, cuối năm 2014, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương theo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng trung tâm ATK Định Hóa, UBND huyện Định Hóa đã quyết định khởi công xây dựng tuyến đường Tân Thịnh - Khe Thí với tổng kinh phí đầu tư trên 94 tỷ đồng. Vậy là nguyện vọng bao đời nay của người dân đã được đáp ứng. Già trẻ, gái trai ai ai cũng phấn khởi, nhà nhà bảo nhau hiến đất đai, tài sản để tuyến đường nhanh chóng được thi công. Chỉ sau 1 tháng, đã có 371 hộ gia đình trong xã tự nguyện hiến gần 90 nghìn m2 đất và tài sản trên đất với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Có những hộ gia đình sẵn sàng hiến cả nghìn mét vuông đất và tự nguyện tháo dỡ công trình dân dụng để đơn vị thi công mở đường.

 

Điển hình phải kể đến gia đình ông Phạm Xuân Lại, xóm Khuổi Lừa, dù là hộ nghèo có ít đất sản xuất nhưng khi biết tuyến đường chạy qua phần đất của gia đình mình, ông đã chủ động đề nghị với chính quyền địa phương được hiến trên 6.500 mét vuông đất để phục vụ thi công tuyến đường. Hay như gia đình ông Hầu Văn Độ, xóm Khau Lang dù chỉ có 5 sào ruộng cấy lúa nhưng cũng đã sẵn sàng hiến 2 sào ruộng.Trò chuyện với chúng tôi ông Hầu Văn Độ thật thà chia sẻ: Nếu cần phải hiến thêm đất để thi công tuyến đường tôi cũng sẵn sàng vì chúng tôi đã mong mỏi con đường này từ rất lâu rồi.

 

Nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, sau 2 năm thi công, tuyến đường Tân Thịnh - Khe Thí với tổng chiều dài gần 11,5km đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường được thảm nhựa với chiều rộng 7m đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, giao thương của người dân. Nếu như trước đây, đi từ xóm xa nhất ra trung tâm xã phải mất gần 1 giờ đồng hồ thì nay quãng thời gian đó đã được rút ngắn xuống chỉ còn 15 phút. Phấn khởi nhất là từ khi có con đường mới, giá trị các loại mặt hàng nông sản ở đây đã được nâng lên rõ rệt. Cây ngô, cây sắn sau khi thu hoạch được người dân vận chuyển bằng ô tô ra tận trung tâm xã để bán nên giá không bị chênh lệnh như trước. Nếu như trước đây, 1ha cây keo, cây mỡ chỉ bán được 60 triệu đồng thì nay giá bán được tăng thêm khoảng 10 - 15 triệu đồng/ha.

 

Có dịp đến với xã miền núi Tân Thịnh những ngày này mới thấy hết được niềm vui, phấn khởi của bà con khi có con đường mới. Những nụ cười rạng rỡ, phấn khởi trên bao gương mặt từ trẻ thơ đến các cụ già. Bà Trần Thị Khoa, Bí thư Chi bộ xóm Cao Long hồ hởi cho biết: “Con đường được trải nhựa phẳng lỳ nên xe máy, ô tô đi lại thuận tiện hơn trước rất nhiều. Chúng tôi sẽ bảo nhau cố gắng tập trung phát triển kinh tế để nâng cao đời sống. Bà con biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”. Cùng với con đường mới, nhiều ngôi nhà mới cũng được mọc lên, nhiều hộ gia đình mua sắm thêm xe máy để đi lại. Ông Bùi Công Xuyên, xóm Khuổi Lừa chia sẻ: Năm nay, vợ chồng tôi dự định xây dựng lại ngôi nhà. Từ ngày có con đường mới, ô tô ra vào thường xuyên giá vật liệu xây dựng không còn đắt như trước. Đặc biệt, các mặt hàng nông, lâm sản của chúng tôi làm ra cũng không lo bị tư thương ép giá. Không chỉ giúp cho việc giao thông đi lại và giao thương hàng hóa được thuận lợi, con đường mới còn góp phần quan trọng giúp các em học sinh nơi đây bám lớp, bám trường.

 

Chia tay người dân xã miền núi Tân Thịnh khi mặt trời đã bắt đầu xuống núi. Trên đường về, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp từng tốp người đang miệt mài khuân vác gỗ từ trên đỉnh núi xuống đường cái để tập kết chờ xe ô tô đến vận chuyển đi tiêu thụ. Dù hiện tại cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, song trong tương lai không xa mảnh đất này sẽ có nhiều đổi thay tích cực.