Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc ngày 20-10

17:37, 07/10/2016

Tại phiên họp thứ tư diễn ra vào chiều 6-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, ngày 19-9-2016, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các vị ĐBQH về nội dung và cách thức tiến hành kỳ họp. Các ý kiến đóng góp thống nhất, dự kiến kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 20-10 và bế mạc vào ngày 19-11-2016.

 

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật: Luật Về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và thông qua dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Quốc hội cũng cho ý kiến về 12 dự án luật, xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 (trong đó có đề cập đến các giải pháp thực hiện 5 năm theo Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020).

 

Đáng lưu ý, trong 3 ngày 7, 8 và 9-11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quá trình diễn ra phiên họp, Quốc hội bố trí tăng thời gian thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội từ một ngày lên 1,5 ngày để bàn sâu hơn về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

 

* Trước đó, sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề, mối quan hệ giữa dự thảo luật này với các đạo luật khác, cụ thể nhất là Luật Doanh nghiệp 2015 chưa được đánh giá toàn diện. Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ mối quan hệ của các chính sách hỗ trợ trong dự án luật này trong mối quan hệ với các luật khác như thế nào; tính tương thích giữa các quy định của dự thảo luật so với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các tác động của dự án luật đối với kinh tế - tài chính của đất nước…

"UBTVQH không có thành viên nào là không muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng việc sửa luật phải thận trọng. Hiện Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành khác vẫn chưa có sự đồng thuận cao. Nếu các chính sách hiện hành được triển khai đầy đủ thì có cần làm luật không, hay chỉ cần sửa đổi, hoàn thiện nghị định hiện hành đang áp dụng cũng cần tính toán kỹ” - Chủ tịch Quốc hội nói.