Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật về hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Không áp dụng Luật về hội với 6 tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với lịch sử phát triển
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật về hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày nêu rõ: Dự thảo Luật về hội trình Quốc hội (khóa XIII) quy định Luật này không áp dụng đối với 6 tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Về vấn đề này có hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo Luật là không áp dụng Luật này đối với các tổ chức chính trị - xã hội được quy định tại Điều 9 của Hiến pháp. Loại ý kiến thứ hai đề nghị, Luật về hội cần điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức hội, trong đó bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc không áp dụng Luật này đối với 6 tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta. Hơn nữa, một số tổ chức này đã có văn bản pháp luật điều chỉnh riêng như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Pháp lệnh Cựu chiến binh. Vì vậy, dự thảo Luật được tiếp thu chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất, quy định rõ trong Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội và đây cũng là việc luật hóa quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP nhằm bảo đảm sự minh bạch và tránh gây hiểu lầm trong quá trình thi hành Luật.
Thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội và cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, có quá trình chuẩn bị khá dài, liên quan đến việc thực hiện quyền con người, quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, lần này, dự thảo Luật chỉ quy định quyền lập hội của công dân Việt Nam; tổ chức, hoạt động của hội và quản lý Nhà nước về hội; không quy định về tổ chức phi chính phủ trong nước và tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng kí và hoạt động tại Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) bày tỏ: Ban đầu dự thảo Luật này có phạm vi điều chỉnh khá rộng bao gồm cả tổ chức phi chính phủ và quỹ. Và dự thảo lần này đã thu hẹp lại, chặt hơn về quản lý Nhà nước. Nhấn mạnh dự án Luật về hội đã qua nhiều lần hội thảo, và nay lại “hối hả làm” nên cần phải làm chặt hơn, do đó đại biểu Sơn đề nghị Luật này cần tiếp tục được nghiên cứu, phải chặt chẽ hơn và nếu kỳ này không xong thì tiếp tục, chứ không nhất thiết phải thông qua ở kỳ họp này.
Liên quan đến chính sách tài chính đối với hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã quy định chính sách đối với hội phù hợp với chủ trương của Đảng và thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, đối với các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ thì Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí. Đối với các hội đã được giao biên chế, kinh phí hoạt động giữ ổn định đến hết năm 2016; từ năm 2017 đến năm 2020 từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động cho hội theo lộ trình phù hợp, tiến tới thực hiện nguyên tắc tự trang trải kinh phí, Nhà nước hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao. Đối với các hội còn lại hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động, Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động gắn với nhiệm vụ được giao.
Báo cáo giải trình cho thấy, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về Khoản 5, Điều 8 của dự thảo Luật quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo Luật, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định này của dự thảo Luật là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể phục vụ hoạt động của các hội trong điều kiện hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin - cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội), hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhậ
Nhận tài trợ nước ngoài nên quy định mềm dẻo?
Trong phiên thảo luận sáng nay, vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến. Nhiều đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng quy định như vậy là hợp lý, nhất là trong tình trạng xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được sự ổn định trật tự chính trị kinh tế xã hội. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị phải quy định lại để phù hợp, mềm dẻo hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) chia sẻ: Nhận tài trợ nước ngoài là câu chuyện rất nhạy cảm. Tuy nhiên, dự luật cần xem xét để cho nhận tài trợ nếu không phương hại ảnh hưởng đến con người Việt Nam, đến an ninh, trật tự xã hội; không nhận một cách không có chọn lọc.
"Tôi nghĩ cần quy định chặt chẽ để hoạt động này đi vào nền nếp. Trong thời gian qua, có nhiều hội đã thực hiện có hiệu quả, kể cả việc gia nhập các tổ chức quốc tế, nhận viện trợ. Như Hội Luật gia đã là thành viên của Hội Luật gia thế giới, Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương, Hội Luật gia các nước Đông Nam Á, nhận tài trợ của một số tổ chức nhưng việc nhận tài trợ đó là để thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của hội viên. Thiết nghĩ, cần quy định mềm dẻo hơn, để vừa quản lý được các hoạt động của hội, vừa thực hiện chủ trương mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế" - đại biểu Nguyễn Văn Quyền nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng cho rằng, việc quy định không cho phép nhận tài trợ của nước ngoài với các tổ chức hội là quá cứng nhắc. Nên chăng, chỉ áp dụng việc không nhận tài trợ gây phương hại đến an ninh chính trị, ảnh hưởng đến xã hội. Còn đối với các tài trợ đúng với tôn chỉ, mục đích của hội thì nên cho phép.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bỏ hẳn điều này. "Hiện nay, nhiều hội phải có sự liên kết, ví dụ như Hội Chữ thập đỏ, vai trò của các tổ chức nước ngoài đã thể hiện rất rõ trong hoạt động của hội này. Chúng ta hoàn toàn yên tâm ở chỗ trong điều cấm đã nêu rất rõ cấm những trường hợp nào; những cái gì xấu, đáng lo đã cấm rồi. Nên tôi đề nghị bỏ là hợp lý".
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, quy định như khoản 5, Điều 8 là khiên cưỡng. Đại biểu cũng dẫn trường hợp liên kết của Hội Chữ thập đỏ nhận tài trợ của nước ngoài trong các hoạt động nhân đạo và nhấn mạnh những viện trợ hiện nay của tổ chức nước ngoài nhất là về thuốc men, rất cần thiết. Với tư cách một nhà khoa học, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng dự thảo Luật quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến các nhà khoa học hiện nay đang được giúp đỡ để dự hội nghị, nghiên cứu ở nước ngoài.
Ngoài những nội dung trên, trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung: các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội; điều kiện thành lập hội; phạm vi hoạt động của hội; cơ cấu tổ chức và ban lãnh đạo hội; quyền và nghĩa vụ của hội; cơ quan quản lý nhà nước về hội…
Theo chương trình, chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về dự án Luật này./.