Thảo luận về ba dự án luật

08:12, 28/10/2016

Ngày 27-10, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV xem xét ba dự án luật: Luật Quản lý ngoại thương; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Mở đầu ngày làm việc, Quốc hội đã nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ban chuyên môn của Quốc hội về các dự án luật. Sau đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về các dự án luật nói trên.

 

Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 115 điều. Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày khẳng định, việc xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nếu được Quốc hội thông qua sẽ chỉ có tác động là bãi bỏ 3 khoản và 7 điều trong tổng số 324 điều và hàng nghìn khoản của Luật Thương mại. Điều này phù hợp với kết quả tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Thương mại và Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 9-6-2015 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

 

Hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương

 

Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý ngoại thương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc ban hành luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

 

Thảo luận tại tổ, bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ việc ban hành luật, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên sửa đổi, bổ sung quy định thành một chương, một mục trong Luật Thương mại hiện hành. Các ĐB cũng góp ý về nhiều chi tiết dự thảo Luật. ĐB Lê Quân (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Quản lý ngoại thương phải là luật thủ tục, nghĩa là các điều khoản phải rất chi tiết, tránh để người dân muốn hiểu lại phải thuê chuyên gia. Luật cũng nên có thêm quy định về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phù hợp với xu hướng xây dựng chính phủ điện tử hiện nay.

 

Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29-6-2006. Trong 9 năm triển khai thi hành luật, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết 1.055.294 vụ việc với 1.130.609 lượt người được TGPL... Tuy nhiên, hoạt động TGPL cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trong đó, diện người được TGPL còn chưa đầy đủ. Quy định về đối tượng được TGPL chưa bảo đảm tính hợp lý, còn tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau...

 

Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) gồm 8 chương, 49 điều nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa; tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Thẩm tra dự án Luật TGPL (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình rõ số lượng những người được TGPL, nguồn lực thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, đánh giá thực chất về nhu cầu, dự kiến nguồn lực, tính toán kỹ các phương án để đưa ra số liệu chính xác về số lượng người thuộc diện được TGPL và chi phí trong trường hợp mở rộng hoặc thu hẹp diện người được TGPL.

 

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, dự thảo luật cần được rà soát kỹ hơn để tránh chồng chéo với một số điểm liên quan khác. Một số ĐB đề nghị cân nhắc kỹ việc thu hẹp diện được TGPL, đồng thời đề nghị giảm cơ cấu tổ chức nhà nước về TGPL, tập trung phát triển các tổ chức xã hội hóa về TGPL để giảm tối đa chi phí ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này.

 

Tăng cường trách nhiệm người thi hành công vụ

 

Ngày 18-6-2009, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (gọi tắt là Luật TNBTCNN năm 2009), có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2010. Đây là lần đầu tiên trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định trong một đạo luật. Đến nay, sau hơn 6 năm thi hành, Luật TNBTCNN năm 2009 đã thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng để cá nhân, tổ chức bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức... Tuy nhiên, từ đó đến nay, Luật TNBTCNN hiện hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

 

Dự thảo Luật TNBTCNN sửa đổi có 9 chương, 78 điều. So với Luật TNBTCNN năm 2009, dự thảo luật đã sửa đổi 42/67 điều, bỏ 20 điều và quy định mới 36 điều. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật này, đồng thời chỉ ra nhiều nội dung cần hoàn thiện. Trong đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, để khắc phục tình trạng “tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất”, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục xin lỗi, cải chính công khai ngay trong luật này.

 

Trong phần thảo luận, các ĐBQH đánh giá cao chất lượng dự thảo luật; tán thành quy định của dự thảo luật theo hướng tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Nhiều ĐB ủng hộ quan điểm của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu, cân nhắc quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Các ĐB cũng đề nghị rà soát lại các điều khoản để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho người bị thiệt hại, bỏ mọi rào cản để tiến hành bồi thường thiệt hại nhanh chóng, thỏa đáng nhất.

 

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về 3 dự án luật trên trong các phiên họp ngày 11, 14 và 17-11.