Xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh để kiểm soát quyền lực

08:44, 01/10/2016

Theo chuyên gia, nếu phát hiện cán bộ có biểu hiện vi phạm pháp luật, biến chất, kể cả cán bộ cấp cao, cần xử lý nghiêm để làm gương…

Trong 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đây là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững vị thế, vai trò cầm quyền của Đảng trong lãnh đạo đất nước và xã hội. Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng suốt 30 năm đổi mới luôn thể hiện đậm nét phương châm này. Đặc biệt, ở những thời điểm lịch sử, có ý nghĩa bước ngoặt, phương châm này đã trở thành một cơ sở, tiền đề cho những quyết sách quan trọng của Đảng.

 

“Điều quan trọng là Đảng ta không che giấu khuyết điểm”

 

ThS Nguyễn Văn Chung, Tạp chí Cộng sản cho rằng, điểm qua văn kiện 6 kỳ Đại hội Đảng trong 30 năm đổi mới cho thấy, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật đã trở thành quan điểm xuyên suốt, là phương châm suy nghĩ và hành động của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Tại mỗi kỳ Đại hội, bên cạnh việc nêu lên những kết quả đạt được, Đảng nghiêm khắc nhận rõ những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cho rằng, những hạn chế, yếu kém này chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Thái độ đó thể hiện trách nhiệm, sự dũng cảm của Đảng trước nhân dân và dân tộc.

 

“Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật và hành động đúng sự thật thể hiện sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và đạo đức của một Đảng cầm quyền trước vận mệnh dân tộc và chế độ. Phương châm này còn thể hiện phẩm chất, đạo đức, văn hóa của một Đảng cầm quyền. Trong đổi mới, Đảng luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc” vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân. Nếu không được sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân, đổi mới sẽ thất bại. Trong đổi mới và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm. Những lúc như thế, Đảng dũng cảm đối mặt với sai lầm, nghiêm khắc, thành tâm nhận lỗi. Đặc biệt, khi đã nhận lỗi thì quyết tâm sửa chữa, khắc phục, đưa công cuộc đổi mới đến thành công. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá “điều quan trọng là Đảng ta không che giấu khuyết điểm, sai lầm mà đã công khai thừa nhận, thành tâm lắng nghe ý kiến nhân dân; và một khi đã phát hiện và nhận ra sai lầm thì quyết tâm sửa chữa để phấn đấu đi lên, từ đó Đảng ngày càng trưởng thành”- ông Chung phân tích.

 

Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng rút ra 5 kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, trong đó kinh nghiệm thứ 2 là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, bám sát thực tiễn của đất nước và thế giới, đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, nhiệm vụ giải pháp cho phù hợp. Phải coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, chỉ đạo quyết liệt, kiên trì sáng tạo để tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

 

Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới, cũng chỉ ra rằng, 4 nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp như nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới tinh vi và thâm độc chống phá ta những những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ có mặt bị giảm sút.

 

Trong 10 năm lại đây khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, nhiều yếu kém nội tại, nhất là nhưng bất cập về thể chế, quản trị đất nước đã bộc lộ rõ hơn. Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, đạo đức xã hội xuống cấp… Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế chưa phát triển bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và thực tế nguồn lưc được huy động.

 

Đặc biệt, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện cũng như những khiếm khuyết từ cơ chế, bộ máy đảng và Nhà nước, nên có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng… Tình trạng này đang cản trở việc thực hiện đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm sút lòng tin của nhân dân, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

 

Xây dựng hệ thống pháp luật đủ mạnh để kiểm soát quyền lực

 

TS Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Đảng là một tổ chức chính trị có kỷ luật chặt chẽ, gồm những người ưu tú, vừa “hồng” vừa “chuyên”, toàn tâm toàn ý, tự nguyện tự giác phụng sự lợi ích của Tổ quốc. Song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, đảng viên và cán bộ cũng là con người, mà người đời không phải thần thánh, nghĩa là không tránh khỏi những khuyết điểm do sự lây nhiễm từ bên ngoài vào. Khuyết điểm có nhiều loại và điều nguy hiểm là chúng có thể làm tổn hại đến uy tín cũng như sức chiến đấu của Đảng nếu như không được kịp thời phát hiện, sửa chữa.

 

Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Trong đó có thái độ xem nhẹ việc trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng, chưa nghiêm túc thực hiện phê và tự phê… khiến không ít cán bộ đảng viên sa ngã trước những cám dỗ đời thường. Sự không chiến thắng, không vượt qua nổi cái “tôi” nhỏ bé và ích kỷ để trở thành nô lệ của những ham muốn cá nhân ở một bộ phận cán bộ đảng viên vừa là nguồn gốc sâu xa, vừa là sự tiếp tay dẫn đến những tệ nạn như tham nhũng, hối lộ, cửa quyền, mất đoàn kết…

 

ThS Nguyễn Văn Chung cũng cho rằng, một trong những hạn chế, yếu kéo tồn tại dai dẳng qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chậm được khắc phục, thậm chí ngày càng trở nên nhức nhối, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao. Đây là nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

 

Để khắc phục các nguy cơ này và tiếp tục tạo sự chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, theo ông Nguyễn Văn Chung, cần quán triệt phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Theo đó tập trung vào các nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và cơ chế, chính sách. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, đủ mạnh để ngăn ngừa tham nhũng, kiểm soát quyền lực… “Vì sự tồn vong của Đảng và chế độ, nếu phát hiện cán bộ có biểu hiện vi phạm pháp luật, hư hỏng, thoái hóa, biến chất, kể cả cán bộ cấp cao, cần xử lý nghiêm để làm gương, trả lời câu hỏi mà bấy lâu nay đang “râm ran” trong Đảng và xã hội: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là những ai?”.

 

TS Nguyễn Đình Hòa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng cho rằng, cùng với việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp khác, Đảng cần chú ý đẩy mạnh công tác kiểm tra, thực hiện phê bình và tự phê bình để đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong các tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước. Giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để họ thực sự trở thành những “công bộc”, “đầy tớ” trung thành của nhân dân. “Cái tâm trong sáng, lành mạnh thì mỗi cán bộ Đảng viên mới thực sự có động cơ, tình cảm và đạo đức cách mạng đúng đắn, mới luôn nghĩ và hành động vì lợi ích chung của nhân dân, của đất nước. Nếu mọi người luôn cảnh giác và tích cực đấu tranh chống lại chủ nghĩa cá nhân vốn biểu hiện mà được che đậy dưới nhiều hình thức tinh vi, cũng có nghĩa là họ đã ý thức vươn tới cái chung vì tập thể, cộng đồng”./.



Luật sư Tư vấn pháp luật miễn phí