Chấn chỉnh công tác cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 4

08:38, 02/11/2016

Ngày 30/10/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Sau khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Nghị quyết đã được cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân đón nhận với sự quan tâm sâu sắc và niềm hy vọng lớn lao vào quyết tâm của Trung ương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Toàn Đảng cảm nhận được một luồng sinh khí mới mẻ hâm nóng bầu nhiệt huyết cách mạng của cán bộ, đảng viên, tạo nên động lực lớn trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhằm làm cho Đảng ta mãi mãi xứng đáng với niềm tin của toàn dân, đủ năng lực hoàn thành mọi trọng trách với dân, với nước, với lịch sử.

 

Nghị quyết lần này đã chỉ rõ những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách cụ thể, sâu sắc; đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đặc biệt quan trọng là Nghị quyết đã đưa ra 4 nhóm giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

 

Chỉ ra nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nghị quyết khẳng định, “Trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.

 

Một lần nữa Trung ương lại nêu bật vị trí vô cùng quan trọng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cùng sự cảnh báo về sự xuống cấp phẩm chất, đạo đức của không ít cán bộ, đảng viên. Đó cũng là lời yêu cầu khẩn thiết đối với việc phấn đấu tu dưỡng, là lời nhắc nhở nghiêm khắc, là yêu cầu, là mệnh lệnh tránh xa mọi cám dỗ, ích kỷ để nhuộm hồng lý tưởng của Đảng đối với toàn thể cán bộ, đảng viên. Cũng một lần nữa Đảng yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ sống hết lòng vì nước, vì dân, dám quên mình vì lý tưởng của Đảng; nhấn mạnh vào bản ngã và trách nhiệm của mỗi con người, mỗi chức danh cụ thể. Đó chính là công tác cán bộ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, mỗi cán bộ đảng viên đều đã thuộc “nằm lòng”. Lời dạy đó của Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên khi được trao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý đều phải nhận thức được trách nhiệm của mình để phấn đấu làm tròn nhiệm vụ.

 

Thời nào cũng thế, việc phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm người lãnh đạo là công việc cực kỳ hệ trọng, nó liên quan đến sự thành bại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cho thấy, dân tộc ta có truyền thống coi trọng người tài. Nhiều vị minh quân sau khi lên ngôi đã ban chiếu cầu hiền, coi việc tiến cử hiền tài là một nhiệm vụ chung của bộ máy chính quyền và toàn dân.

 

Chiếu cầu hiền của Lê Lợi năm Kỷ Dậu 1429 viết: "Người tài ở đời vốn không ít, mà cầu hiền tài không chỉ có một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn trong hàng binh lính... trẫm đâu biết được", phán rằng: "Phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như các kẻ sĩ quê lận ở xóm làng cũng đừng lấy điều "đem ngọc bán rao" làm xấu hổ, mà để Trẫm phải than đời hiếm nhân tài".

 

Trong Chiếu cầu hiền, Quang Trung viết: " Dân chúng trăm họ, ai có tài học thuật, mưu hay giúp ích cho đời, đều có phép được dâng thư bày tỏ công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát”.

 

Trong bài báo "Tìm người tài đức" đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20/11/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.

 

Đây có thể xem như “chiếu cầu hiền” trong thời đại Hồ Chí Minh. Theo đó, biết bao nhiêu nhân sĩ, trí thức và quần chúng yêu nước không phân biệt đảng phái, giai cấp đã đứng vào đội ngũ cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn dân viết nên những trang chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc.

 

Thông qua các chiếu cầu hiền qua các thời đại cho thấy các vị lãnh tụ lỗi lạc đều có niềm tin rằng “người tài ở đời vốn không ít”, đều nhìn rõ trí tuệ vô hạn của quần chúng nhân dân, nên rất chú trọng đến “người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn trong hàng binh lính”; đều nhìn về “dân chúng trăm họ” và “ các địa phương”. Đó là cách nhìn biện chứng lịch sử về sức dân mạnh như sức nước; nước có thể "chở thuyền", nhưng nước cũng có thể "lật thuyền".

 

Đó cũng chính là cốt lõi của công tác cán bộ về phát hiện, đào tạo, bổ nhiệm và trọng dụng nhân tài.

 

Kế thừa và phát huy truyền thống phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những người có năng lực thật sự trở thành hiền tài - “nguyên khí của quốc gia”, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Đảng ta đã luôn luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” và vừa “chuyên”. Xem việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp bách.

 

Nhiều sự việc xảy ra trong những năm qua và thời gian gần đây không mang bản chất “cầu hiền” “huấn luyện cán bộ” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Biểu hiện rõ nhất là tình trạng "chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp" đang diễn ra. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra rằng việc: “ Bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức”.

 

Nhiều cán bộ lãnh đạo mang trọng trách lớn nhưng trước khi về hưu đã bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo sai qui trình; trong đó không ít trường hợp bổ nhiệm cả con em, người thân thích, họ hàng vào các vị trí vượt quá khả năng của họ, gây nên sự bức xúc lớn trong cơ quan và dư luận, làm suy giảm lòng tin của nhân dân. Không ít cán bộ tuổi còn non, chưa kinh qua thực tiễn, thiếu kinh nghiệm, thậm chí đào tạo trái ngành nghề nhưng đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo một địa phương, một ngành, một doanh nghiệp chỉ vì họ là con cái của các quan chức lãnh đạo. Có những cán bộ không có năng lực, phẩm chất làm ăn thua lỗ, có sai phạm ở doanh nghiệp nhưng đã chạy lòng vòng để được bổ nhiệm lên cấp cao hơn ở đơn vị khác.

 

Những sự việc đó không thể qua mắt nhân dân; nhiều vụ việc đã, đang và sẽ được phát hiện và cần được xử lý nghiêm minh làm cho bộ máy của chúng ta không còn những “cán bộ” kiểu Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh để lấy lại niềm tin của nhân dân.

 

Quán triệt, triển khai và thực hiện Nghị quyết 4 Trung ương khóa XII cần phải thực hiên nghiêm túc việc giáo dục, bồi dưỡng, bổ nhiệm nhân tài, tránh “tham nhũng” về chức vụ và quyền lực; bảo đảm cho Đảng ta có một đội ngũ cán bộ làm việc hết lòng vì nước vì dân; và có một đội ngũ kế thừa “vừa hồng vừa chuyên” như mong ước của Bác Hồ./.