Một chi bộ nông thôn lãnh đạo đến 4 xóm, tuy thừa điều kiện về số lượng đảng viên nhưng lại chưa thể chia tách. Chuyện tưởng như “vô lý” đó lại là thực tế đang xảy ra tại Đảng bộ xã Tân Phú (T.X Phổ Yên).
Đảng bộ muốn chia tách, chi bộ chưa đồng thuận
Nói về công tác Đảng tại địa phương, ông Lê Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú trăn trở: Đảng bộ xã hiện có 9 chi bộ, gồm 5 chi bộ nông nghiệp, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ cơ quan. Riêng Chi bộ thôn Vân Trai hiện có 91 đảng viên, lãnh đạo 4 xóm: Tân Thịnh, Tiến Bộ, Thanh Vân và Hồng Vân; Chi bộ thôn Phú Cốc gồm 63 đảng viên, lãnh đạo 4 xóm: Bến Cả, Đồng Lâm, Đình và Lợi Bến. Mô hình chi bộ thôn lãnh đạo nhiều xóm từ lâu đã bộc lộ những điểm không phù hợp. Cụ thể là tất cả các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu chiến binh… đều đã chia tách và sinh hoạt theo xóm. Việc triển khai các văn bản, chính sách và chương trình hoạt động của cấp trên cũng trực tiếp đưa về cấp xóm. Trong khi đó, công tác Đảng lại phải qua bước trung gian là chi bộ thôn, rồi mới tới các tổ Đảng là không phù hợp.
Một thực tế nữa là Chị bộ thôn lãnh đạo nhiều xóm khiến các tổ trưởng tổ Đảng phải chịu thiệt thòi. Ông Trần Văn Trà, Tổ trưởng Tổ Đảng xóm Tân Thịnh, thôn Vân Trai nói: Chi bộ Vân Trai hiện chia làm 4 tổ Đảng, tương đương với 4 xóm. Riêng chúng tôi có 23 đảng viên, công việc của Tổ trưởng Tổ Đảng không khác gì so với Bí thư Chi bộ nhưng lại không có phụ cấp. Nhiều khi rất nản nhưng vì tập thể và trách nhiệm của một đảng viên nên tôi lại cố gắng tham gia.
Ý kiến về việc chia tách chi bộ thôn đã được Đảng ủy xã định hướng và đưa ra bàn bạc ở nhiều cuộc họp ở cơ sở nhưng chưa đi đến thống nhất. Ông Ngô Văn Trường, Bí thư Chi bộ thôn Vân Trai cho biết: Cái khó là đơn vị hành chính của xã đã phân theo từng xóm nhưng nhiều hoạt động chúng tôi lại làm chung cả thôn. Ngoài việc ma chay, cưới hỏi thì hội làng hàng năm đều được tổ chức tại đình Vân Trai. Ngoài ra, cả thôn có chung một hệ thống kênh mương thủy lợi (vốn thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Vân Trai trước đây) nên lịch điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp đều chung. Do vậy, tại các buổi họp, nhiều đảng viên ý kiến rằng khi chia tách thì mỗi chi bộ xóm sẽ xây dựng nghị quyết khác nhau, không thống nhất trong chỉ đạo sản xuất.
Với lý do tương tự nên Chi bộ thôn Phú Cốc cũng chưa thể chia tách. Ông Trần Văn Sang, Bí thư Chi bộ tâm tư: Bản thân tôi cho rằng nên chia tách để duy trì sinh hoạt được đều đặn và quy củ. Thế nhưng các cuộc họp đều không đi đến thống nhất thành nghị quyết về nội dung này. Song song với Chi bộ, chúng tôi còn bầu ra một chức danh phụ trách thôn để quản lý công việc hành chính chung. Do không có trong quy định về tổ chức hành chính nên xã phải trích ngân sách để hỗ trợ tiền phụ cấp cho vị trí này.
Đảng viên đông, lãnh đạo khó
Việc duy trì chi bộ nông thôn lãnh đạo nhiều xóm khiến xây dựng nghị quyết và tổ chức triển khai gặp nhiều vướng mắc. Như cả thôn Vân Trai có tới 450 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu thì việc quán xuyến mọi việc của Chi bộ là không dễ.
Ông Trần Hồng Sơn, Tổ trưởng Tổ Đảng số 3, xóm Thanh Vân cho biết: Vì Chi bộ lãnh đạo tới 4 xóm nên ban hành các nghị quyết đôi khi không sát và kịp thời so với thực tế. Việc làm Nhà văn hóa của xóm vừa qua là một ví dụ. Để hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa nông thôn mới, xóm Thanh Vân có kế hoạch xây mới Nhà văn hóa với diện tích 170m2, tổng khuôn viên là 650m2. Tất nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của cấp trên là 150 triệu đồng thì không đủ nên xóm phải huy động đối ứng trong nhân dân và ủng hộ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Tổ Đảng của xóm gồm 23 đảng viên mỗi tháng phải họp 3-4 lần để bàn phương án triển khai công việc. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ là theo quy định, Tổ Đảng chỉ được ghi biên bản nội dung cuộc họp rồi gửi lên Chi bộ Vân Trai để xây dựng thành nghị quyết chứ không ra văn bản lãnh đạo trực tiếp xóm, trong khi có rất nhiều công việc cần giải quyết ngay.
Nói về nề nếp sinh hoạt, ông Ngô Văn Trường, Bí thư Chi bộ thôn Vân Trai thừa nhận: Vì ở nông thôn nên chúng tôi không duy trì được việc sinh hoạt mỗi tháng một lần như Điều lệ Đảng, thời gian tổ chức cũng không cố định. Tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt trung bình chỉ đạt 75-80%. Sinh hoạt không đều và tổ chức sau các buổi họp tổ Đảng nên đương nhiên việc ban hành các nghị quyết sẽ không được kịp thời. Còn ông Trần Văn Sang, Bí thư Chi bộ thôn Phú Cốc ý kiến rằng: Duy trì mô hình chi bộ thôn lãnh đạo nhiều xóm ngoài triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên xuống cơ sở chậm thì tổ chức quản lý cũng khó. Chi ủy Phú Cốc hiện có 5 người, trong đó Bí thư và Phó Bí phụ trách chung nên có trường hợp Tổ trưởng tổ Đảng ở xóm không phải là chi ủy viên. Do đó, khi tổ chức triển khai các nhiệm vụ nhiều khi không thống nhất.
Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Thành thẳng thắn đánh giá: Chia tách chi bộ thôn là cần thiết và phù hợp yêu cầu thực tế. Trước đây, Chi bộ thôn Tảo Định cũng lãnh đạo 3 xóm là Trại, Đình và Hương Đình, đánh giá sau khi chia tách thành từng xóm đều cho thấy hoạt động hiệu quả hơn. Do vậy, khi tìm được sự đồng thuận tại chi bộ thôn, chúng tôi sẽ tiến hành chia tách và nghiên cứu mô hình tổ chức các hoạt động sản xuất phù hợp.
Ông Nguyễn Quang Dương, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Phổ Yên: Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã từng về khảo sát mô hình chi bộ nông thôn ở Tân Phú. Quan điểm chung là không duy trì chi bộ quá đông đảng viên và lãnh đạo nhiều xóm như vậy. Chúng tôi sẽ chỉ đạo Đảng ủy xã Tân Phú thực hiện từng bước việc chia tách cho phù hợp thực tế, đồng thời đảm bảo tính dân chủ, tôn trọng ý kiến của đảng viên tại cở sở.