Thảo luận về dự án Luật đường sắt (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng ngành Đường sắt đang quá tụt hậu so với những người anh em của mình là đường bộ, đường hàng không.
Sáng 11-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở tổ về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) và dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Doãn Anh (T.P Hà Nội) nhận xét, trong các “binh chủng” của ngành Giao thông Vận tải (GTVT), ngành Đường sắt có vai trò, vị trí rất quan trọng nhưng đang tụt hậu so với những người anh em của mình là đường bộ, đường hàng không. Đại biểu cho rằng với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đường sắt, Bộ GTVT phải làm rõ trước Quốc hội nguyên nhân chủ yếu có tính bao trùm dẫn đến ngành Đường sắt tụt hậu là gì? Tại sao trong cùng một Bộ mà các loại hình giao thông vận tải khác lại phát triển được?
Đại biểu nhấn mạnh, đường sắt cũng như các loại hình giao thông khác đều đứng trên 4 trụ cột cơ bản: thể chế, con người, kết cấu hạ tầng và phương tiện. Trong đó, thể chế và con người giữ vai trò quyết định. Vì vậy, sửa đổi Luật đường sắt lần này phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế và chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Đường sắt.
Góp ý vào chính sách phát triển đường sắt và ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, đại biểu cho rằng cần thể hiện rõ sự ưu tiên đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt trong khi đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông theo quan điểm chỉ đạo của Đảng là một trong 3 đột phá chiến lược.
Về quy hoạch đường sắt, theo đại biểu, tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật quy hoạch, do đó quy hoạch giao thông đường sắt phải phù hợp với quy định có liên quan của Luật quy hoạch. “Tôi cho rằng cần xác định quy hoạch giao thông đường sắt thuộc diện quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt, còn trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch đã được quy định cụ thể trong dự án Luật quy hoạch” - đại biểu bày tỏ quan điểm.
Về kinh doanh đường sắt, đại biểu tán thành tách hoạt động kinh doanh đường sắt thành 2 nhóm, trong đó Nhà nước nắm quyền chi phối thông qua vốn trong doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng để bảo đảm sự chủ động khi có yêu cầu phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt là quản lý đầu mối kết nối với đường sắt liên vận quốc tế.
Cũng quan tâm đến dự luật này, đại biểu Nguyễn Phi Thường (T.P Hà Nội) cũng nêu thực tế, trong thời gian qua, lĩnh vực giao thông đường sắt không được quan tâm đầu tư tương xứng với vị trí và tầm quan trọng của nó so với các loại hình giao thông khác và không đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Hiện kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp, đường sắt quốc gia là đường đơn, khổ rộng 1m, trong khi đó hầu hết các nước trên thế giới đã sử dụng đường sắt khổ rộng 1,435m. Đường sắt cũng trì trệ ở chỗ khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, điều hành, vận hành phương tiện hầu như chưa được ứng dụng... năng lực thông qua thấp.
Tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành Đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp, không phù hợp với cơ cấu đầu tư trong nước và xu thế phát triển của lĩnh vực này trên thế giới. Sản lượng vận tải hàng hóa ngành đường sắt so với toàn ngành giao thông trong những năm gần đây giảm dần, không đạt mục tiêu đề ra. Đại biểu dẫn số liệu, thị phần vận tải đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vận tải toàn ngành, chỉ khoảng 2%, thậm chí có số liệu cho thấy chỉ chiếm chưa đến 1%.
Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt chưa được kết nối hài hòa với các loại hình giao thông khác để tạo nên một mạng lưới đồng bộ...
Từ các bất cập trên, đại biểu đề nghị sửa đổi luật lần này cần quan tâm đến khổ dường sắt, nếu không điều chỉnh sẽ không tăng được tốc độ chạy tàu. “Tốc độ đường sắt Bắc - Nam có cải tiến hết cỡ cũng chỉ đạt 80 km/h, dư địa tăng được hết mức chỉ 20%”.
Đại biểu đặc biệt lưu ý đến vấn đề dự luật đưa ra ý kiến sẽ đưa đường ngang dân sinh vào nhưng có một số ý kiến không đồng ý. Đại biểu cho rằng “không công nhận thì vẫn diễn ra, cả nước có 6.000 đường dân sinh thì 1.500 là hợp pháp, còn lại thì không, con số này còn tiếp tục tăng lên hàng ngày. Câu chuyện này rất bức bối, vì vậy luật vẫn phải quan tâm đến vấn đề này. Bộ GTVT cần phải kết hợp với chính quyền địa phương xử lý triệt để, phải bố trí kinh phí để thực hiện ngay”.
Cũng về sự tụt hậu của ngành đường sắt, đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) cho rằng “Đường sắt của chúng ta không thể lạc hậu hơn được nữa vì có thể chúng ta đã đạt đến mức lạc hậu nhất thế giới rồi”.
Đồng tình sửa đổi luật, song đại biểu băn khoăn dự luật này dường như chấp nhận quy hoạch đường sắt hiện nay để rồi nâng lên, cải thiện chứ chưa tiếp cận dưới góc độ là khắc phục những tồn tại hiện nay của ngành đường sắt Việt Nam. Đại biểu đặt câu hỏi dự luật có tiếp cận và xử lý vấn đề nhà dân nằm liền kề với đường sắt, đường sắt xuyên qua thành phố không? Có quy định nhà dân phải cách đường sắt một khoảng cách là bao nhiêu không? “Không có luật mở đường thì không bao giờ có thể giải quyết được việc này... Phải có cách tiếp cận mạnh dạn để thay đổi, để đường sắt thực sự an toàn. Khi có luật các địa phương sẽ tính cách để di dời dân đến chỗ ở mới” – đại biểu nói.
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hôi đã thảo luận tại tổ về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Thảo luận về dự án luật này, các đại biểu nhất trí trong thời đại khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đến với một tốc độ chưa từng có, trong lúc đó thiết bị, máy móc của chúng ta đã lạc hậu 2-3 thế hệ là thách thức lớn đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Không những thế làn sóng công nghệ lạc hậu vẫn hàng ngày, hàng giờ tìm sơ hở của chúng ta để đưa vào Việt Nam. Vì thế việc ban hành Luật này là một nội dung rất cấp thiết.
Các ý kiến đã tập trung thảo luận về chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư...
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận riêng ở tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận./.