Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử

17:28, 25/11/2016

Ngày 25-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử (19/12/1946 - 19/12/2016)”.

Các đồng chí: Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chủ trì và điều hành Hội thảo.

 

Ngày 19-12-1946 - ngày Toàn quốc kháng chiến, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi, quy mô cả nước đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi, về ý chí giữ vững độc lập, tự do.

 

Toàn quốc kháng chiến - cuộc tổng giao chiến đầu tiên của chiến tranh cách mạng Việt Nam, diễn ra đồng loạt trên các đô thị Bắc Vĩ tuyến 16, với sự phối hợp hưởng ứng của quân dân khắp mọi miền Tổ quốc và cả kiều bào ta ở nước ngoài, đã thu được những thắng lợi quan trọng, tạo tiền đề chuyển đất nước vào chiến tranh, tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Sự kiện đó đã thể hiện tài nghệ lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trung tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: Cách mạng Tháng Tám thành công đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, một thành quả mà phải mất biết bao công sức và máu xương nhân dân ta mới giành lại được. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn, giới cầm quyền hiếu chiến Pháp được sự đồng lõa, tiếp tay của các đế quốc đồng minh đã rắp tâm cướp nước ta một lần nữa. Song, với tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững độc lập, tự do, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm kiếm những giải pháp, nhân nhượng nhằm tránh cuộc chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Trước tình thế không còn con đường nào khác, nêu cao trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng ta đã kịp thời hạ quyết tâm chủ động nổ súng trước, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 19-12-1946 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son sáng ngời về tinh thần yêu nước quật khởi, ý chí kiên cường đấu tranh giữ vững độc lập, tự do.

 

Thắng lợi của đòn mở đầu kháng chiến toàn quốc thực sự là yếu tố tạo tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược.

Trung tướng Lê Chiêm khẳng định, 70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện mở đầu Toàn quốc kháng chiến vẫn mãi là biểu tượng sáng ngời của ý chí kiên cường, lòng quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thành công đường lối, mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Hội thảo là một hoạt động để chúng ta ôn lại lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; đồng thời, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị nguyên vẹn của những bài học và kinh nghiệm lịch sử của sự kiện Toàn quốc kháng chiến trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

 

Trên tinh thần đó, Trung tướng Lê Chiêm yêu cầu, cuộc Hội thảo lần này cần đi sâu khẳng định và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề:

 

Một là, sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến và chủ động mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.

 

Hai là, chiến công của quân dân ta trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, thể hiện ý chí giữ vững độc lập, tự do; sức mạnh của chiến tranh nhân dân, của tinh thần đoàn kết; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

 

Ba là, tiếp tục phân tích, khái quát và đúc kết nên những bài học kinh nghiệm thiết thực phục vụ cho việc hoạch định chủ trương, đường lối lãnh đạo quân sự - quốc phòng của Đảng và Nhà nước, cho chiến lược xây dựng lực lượng và thế trận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, nhấn mạnh: Để khẳng định và làm sáng tỏ thêm các nội dung, Hội thảo tiếp tục khẳng định, làm sáng tỏ và sâu sắc hơn những vấn đề cơ bản như: Bối cảnh lịch sử trong năm 1945-1946 và những tác động với cách mạng Việt Nam, trong đó tập trung vào bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai (1939-1945), chính sách và các toan tính của các nước lớn, vấn đề Việt Nam trên bàn cờ quốc tế; tình hình khu vực Đông Nam Á, những thuận lợi và khó khăn của Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Âm mưu, thủ đoạn tái xâm lược Việt Nam, tham vọng lập lại ách thống trị của thực dân Pháp trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được thể hiện trên các phương diện: Xác định tính chất và nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, kịp thời đề ra đối sách thích hợp trong từng giai đoạn cụ thể, tránh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, giải quyết những khó khăn, hậu quả do chế độ thực dân, phong kiến để lại; lãnh đạo, tổ chức toàn quân, toàn dân xây dựng lực lượng về mọi mặt chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do là một trong những nhân tố quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp bước vào kháng chiến toàn quốc, giành được thắng lợi quan trọng. Đúc kết những bài học kinh nghiệm quý từ Toàn quốc kháng chiến để vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay...

 

Tại cuộc Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 bài tham luận, báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội; của các tướng lĩnh, sĩ quan; của các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội.

 

Những tham luận với những tư liệu mới, nhận thức mới, đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau đã góp phần làm rõ hơn, sâu sắc hơn, hệ thống và đầy đủ hơn về sự kiện mở đầu kháng chiến toàn quốc.

 

Hội thảo khoa học “Toàn quốc kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử (19/12/1946 - 19/12/2016)” góp phần quan trọng vào giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.