Làm trước để dân theo

09:36, 12/11/2016

Nhiều năm qua, xóm Mỏ Gà là điển hình của xã Phú Thượng (Võ Nhai) về phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa. Người dân trong xóm mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tích cực đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn, số hộ nghèo chỉ còn 7/171 hộ. Những nét tích cực ở xóm vùng cao này đều có dấu ấn lãnh đạo của Chi bộ, đặc biệt là sự tiên phong gương mẫu của các đảng viên.

Gia đình anh Lành Văn Hữu, Bí thư Chi bộ Mỏ Gà đã nhiều lần được chính quyền và các cấp Hội Nông dân từ Trung ương đến địa phương khen thưởng vì làm kinh tế giỏi. Từ năm 2003, sau khi đi tham quan một số mô hình trong và ngoài tỉnh, với tư duy manh dạn đột phá, anh đã đầu tư chuồng trại bài bản để nuôi 6 con lợn nái (là hộ nuôi lợn nái chuyên nghiệp sớm nhất vùng). Tích cực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nên mô hình chăn nuôi của gia đình anh không ngừng phát triển và hiện duy trì trên 70 con lợn nái, hàng chục con lợn thịt. Không chỉ mở rộng chăn nuôi, gia đình Hữu còn đầu tư cửa hàng khá lớn nhằm phân phối thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cho người dân trong và ngoài huyện. Bản thân anh đã đi học bằng chuyên môn về chăn nuôi thú y để vừa có kiến thức phát triển trang trại gia đình vừa tư vấn cho những người có nhu cầu. Vài năm gần đây, gia đình anh Hữu thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm từ mô hình này.

 

Nhận thấy đa phần người dân trong xóm chưa mạnh dạn đầu tư và thiếu kiến thức về chăn nuôi, anh Lành Văn Hữu đã lãnh đạo Chi bộ xây dựng nghị quyết, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người thay đổi cách nghĩ, cách làm. Cá nhân anh sẵn sàng hỗ trợ những hộ khó khăn được mua con giống và thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân khi họ cần. Đến nay, xóm Mỏ Gà đã có trên 20 hộ dân nuôi lợn quy mô gia trại, trang trại (từ 10 con lợn/lứa trở lên), hàng chục hộ đang phát triển mô hình chăn nuôi dê và gà thả vườn cho thu nhập khá.

 

Không chỉ phát triển chăn nuôi, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ở xóm Mỏ Gà cũng đang là một điểm sáng của xã Phú Thượng. Nhiều diện tích vườn đồi chỉ vài năm trước còn bị bỏ hoang hoặc trồng cây tạp giá trị rất thấp nay được thay thế bằng cây na, nhãn, ổi, táo giống mới. Không ai khác, chính cán bộ, đảng viên là những người đi đầu, làm trước và tuyên truyền, hỗ trợ để người dân học hỏi. Gia đình đảng viên Chu Chinh Chiến (ông Chiến là Tổ trưởng Tổ đảng số 1) đã tiên phong trồng giống nhãn miền từ gần 20 năm trước, hiện 70 cây nhãn của nhà ông cho thu nhập ổn định khoảng 50 triệu đồng mỗi năm. Qua nhiều năm mày mò học hỏi, ông Chiến có kiến thức khá phong phú về thâm canh giống nhãn này, thành thục các kỹ thuật chiết, ghép và chăm sóc cây từng giai đoạn. Những kỹ thuật, kinh nghiệm của bản thân được ông sẵn lòng chia sẻ cho những người có nhu cầu. Ông Chiến nói: Mình là đảng viên phải tiên phong, trước là làm giàu cho gia đình sau đó vận động mọi người làm theo. Tôi đã đến tận vườn chiết ghép, tỉa cành làm mẫu cho nhiều hộ mới trồng nhãn… Ngoài cây nhãn, 6 năm trước gia đình ông Chiến đã cải tạo 5 sào đất để trồng thêm 300 cây na nên có kinh tế khá giả. Đến nay, phần lớn hộ dân xóm Mỏ Gà đã cải tạo đất, chuyển đổi diện tích ruộng cấy thiếu nước sang trồng nhãn hoặc na. Vì vậy, xã Phú Thượng đang có hướng quy hoạch xóm thành vùng trồng cây ăn quả tập trung.

 

Đảng viên Lăng Thị Bé cũng là một người năng động trong phát triển kinh tế, gia đình chị là hộ đầu tiên trong xóm làm dịch vụ xay xát và cải tạo đất để trồng ổi (cách đây 3 năm). Chị Bé cho biết: Tôi thấy một số nơi trồng ổi cho giá trị cao nên làm thử, thấy phù hợp với đồng đất nên mở rộng diện tích lên 3 sào. Cây ổi cho thu nhập cao gấp ít nhất 4 lần cấy lúa mà lại ổn định hơn… Từ thành quả của gia đình chị Lăng Thị Bé, đến nay có hơn 10 hộ dân xóm Mỏ Gà cũng trồng ổi hàng hóa và diện tích trồng loại cây này vẫn tiếp tục mở rộng.

 

Nhiều đảng viên khác của Chi bộ Mỏ Gà cũng mạnh dạn phát triển kinh tế và tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như các ông: Hoàng Xuân Kiến, Ngô Văn Quyền, Hoàng Anh Chiến… Những nhân tố tích cực này đã góp phần quan trọng để xóm trở thành điển hình về phát triển kinh tế, mức sống của người dân cao hơn trung bình của xã dù không thuận lợi nhất về mọi mặt.

 

Chi bộ mạnh, đảng viên gương mẫu, người dân đồng thuận, đây cũng là những yếu tố để xóm Mỏ Gà được xã Phú Thượng chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. 3 năm qua, người dân trong xóm đã đối ứng làm được trên 3km đường bê tông (tất cả đường trục xóm và các tuyến vào chòm dân cư từ 3 hộ trở lên đã được bê tông hóa); xây dựng nhà văn hóa khang trang có giá trị 302 triệu đồng. Mỏ Gà được công nhận là Làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh nhiều năm, Chi bộ xóm liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Mọi phong trào khi cán bộ, đảng viên trong xóm gương mẫu, người dân đều tích cực hưởng ứng. Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm không những hiến đất và đóng góp đối ứng trước tiên mà còn ủng hộ vật chất cho các hoạt động của chung. Mới đây, gia đình anh Lành Văn Hữu đã nhận tài trợ toàn bộ tiền điện trong 5 năm cho 13 bóng điện thắp sáng 600 mét đường trục xóm…

 

Như nhiều người dân xóm Mỏ Gà, ông Hoàng Văn Phương bày tỏ: “Tôi tin cán bộ xóm, họ làm được, tuyên truyền tốt nên mình theo”.