Luân chuyển cán bộ xuống cơ sở là để rèn luyện, thử thách, tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn và bản lĩnh làm việc, tạo nguồn cho việc xây dựng đội ngũ. Đây cũng là cách hiệu quả để chống tư tưởng cục bộ, khép kín trong từng địa phương, đơn vị tại huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn có những điểm, bất cập, nhất là đối với việc luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã và ngược lại.
Tạo sinh khí mới cho cơ sở
“10 tháng ở cơ sở bằng 10 năm… sổ sách” - Đó là tâm sự của chị Vũ Thị Thu Hường, Bí thư Đảng uỷ xã Linh Sơn khi trao đổi với chúng tôi về “cái được” của mình sau 1 thời gian làm việc ở cơ sở. Được biết, chị Hường trước khi được luân chuyển về Linh Sơn đã có nhiều năm làm Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ rồi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Ngay từ những ngày đầu về cơ sở, ngoài việc tổng hợp thông tin, tình hình địa phương qua báo cáo, sổ sách, chị Hường tích cực xuống các xóm gặp gỡ người dân, trao đổi với ban lãnh đạo các xóm, nắm tâm tư, nguyện vọng để định hình hướng phát triển cho từng xóm và cả xã. Chị chia sẻ: Nếu trước đây, tôi chỉ làm về 1 mảng công việc thì nay buộc phải nghiên cứu, tìm hiểu về tất cả các lĩnh vực, đồng thời phải thể hiện rõ vai trò trách nhiệm trước mỗi quyết sách.
Về nhận nhiệm vụ ở Linh Sơn từ 1-1-2016, chị Hường đã cùng với Đảng bộ xã Linh Sơn ra 5 nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực xây dựng nông thôn mới; xây dựng nhãn hiệu Ổi Linh Sơn; biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã; tách trường tiểu học. Đến nay, cơ bản các nội dung nghị quyết trên đều đã và đang được thực hiện xong. Trong đó, một trong những thành tựu nổi bật là kết quả thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nếu như hết năm 2015, xã Linh Sơn chỉ đạt được 13 tiêu chí thì nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo để chuẩn bị đón nhận danh danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xã đã vận động quyên góp từ các nhà hảo tâm, từ thiện xây dựng được 10 ngôi nhà tình nghĩa; xây dựng, cải tạo được nhiều công trình phúc lợi…
Tương tự Linh Sơn, việc luân chuyển cán bộ từ huyện về cơ sở như cũng đem lại sinh khí mới cho xã Hoá Thượng. Địa phương này đã từng có thời kỳ lâm vào tình trạng “khủng hoảng” về phong cách, lề lối làm việc. Hồ sơ tồn đọng nhiều, nhất là lĩnh vực địa chính, tư pháp nên thường xuyên nhận được phản ánh của người dân. Thậm chí có cán bộ chủ chốt còn vi phạm pháp luật, tạo dư luận xấu, gây mất niềm tin trong nhân dân. Trước thực trạng đó, năm 2013, đồng chí Vũ Hải Bắc, Huyện ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động được Huyện uỷ luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Hóa Thượng. Từ đây, quy chế làm việc mới của xã được xây dựng lại và được các cán bộ, công chức nghiêm túc thực hiện. Lãnh đạo xã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ. Hằng tháng, mỗi cán bộ, công chức phải báo cáo kết quả công việc với lãnh đạo, người phụ trách để được tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn. Với quan điểm bộ phận “một cửa” là bộ mặt của xã, đánh giá năng lực chuyên môn và phẩm chất của cán bộ nên Đảng ủy xã đặc biệt quan tâm, sâu sát. Qua thực tế, xã đã đề nghị cấp trên buộc thôi việc 1 cán bộ địa chính, 1 cán bộ văn hóa xã hội do không đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, cán bộ kế toán và văn phòng UBND cũng được luân chuyển.
Bà Phó Thị Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Hoá Thượng cho biết: Đồng chí Bí thư Đảng ủy rất sâu sát, quan tâm đến các bộ phận, lĩnh vực cũng như thường xuyên xuống cơ sở để kiểm tra, nắm thông tin, từ đó cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xây dựng các nghị quyết chuyên đề. Mọi việc từng bước đi vào nền nếp, phong cách và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Những phản ánh không hài lòng của người dân đã giảm xuống rất nhiều.
Tìm hiểu thêm ở các xã, thị trấn của Đồng Hỷ có cán bộ huyện luân chuyển từ huyện xuống như Hợp Tiến, Chùa Hang, Quang Sơn, Văn Hán…, chúng tôi thấy những hạt nhân này đều có dấu ấn khá đậm nét đối với địa phương. Họ đã thể hiện được năng lực lãnh đạo, sự nhiệt tình, tâm huyết với cơ sở, xóa bỏ được lối tư duy cục bộ, thụ động ở địa phương.
Theo đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ, công tác luân chuyển cán bộ được Huyện uỷ đặc biệt quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã thực hiện luân chuyển 40 lượt cán bộ giữa các cấp, khối, ngành và địa phương. Trong đó, có 10 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý được luân chuyển từ huyện xuống cơ sở và được triển khai ở tất cả các đơn vị. Cán bộ luân chuyển có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nên càng phát huy được năng lực, sở trường, vượt qua khó khăn, tạo được phong trào và cách làm mới. Các đơn vị có cán bộ luân chuyển đến đã từng bước đổi mới về phương pháp, phong cách, lối làm việc. Từ đó, năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý, điều hành được nâng lên, chất lượng phục vụ tổ chức và nhân dân tốt hơn. Nhiều đồng chí sau luân chuyển đã trưởng thành hơn, được giao nhiệm vụ, cương vị trọng trách cao hơn.
Kinh nghiệm của Đồng Hỷ trong công tác này là quy trình thực hiện chặt chẽ, thận trọng. Cán bộ trong kế hoạch luân chuyển đều được Thường trực Huyện ủy gặp gỡ, trao đổi, giao nhiệm vụ, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng trước khi Ban Thường vụ thảo luận và ra quyết định. Bên cạnh đó, Huyện ủy quán triệt sâu sắc, có biện pháp chống tư tưởng cục bộ, khép kín ở từng địa phương, đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện không lành mạnh như cô lập, gây khó khăn, làm giảm uy tín người được luân chuyển…
Đôi điều bất cập
Việc luân chuyển cán bộ (nhất là từ huyện về cơ sở) thực sự đã thể hiện được sự ưu việt, hiệu quả trong công tác đào tạo, quản lý cán bộ của huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì công tác này cũng gặp phải một số khó khăn, bất cập. Đó là, cán bộ cấp huyện luân chuyển xuống xã, thị trấn nhưng vẫn hưởng biên chế cấp huyện mà không tính vào biên chế của cấp xã. Nghĩa là, cán bộ được điều chuyển về làm việc cho xã nhưng vẫn do huyện trả lương. Trong khi các phòng, ban có cán bộ được luân chuyển thì “mất” người làm và đội ngũ còn lại phải gánh thêm công việc của người được luân chuyển. Hiện nay, Đồng Hỷ có 9 cán bộ của huyện “nằm” ở cơ sở, tương đương mất 9 biên chế nhưng huyện lại không được tuyển dụng thêm bởi con số này vẫn đủ theo danh sách quản lý. Ngược lại, cán bộ huyện được chuyển về xã, thị trấn nào thì lại được tính là cán bộ, công chức của đơn vị đó (mặc dù không hưởng suất lương cấp xã). Điều này dẫn đến xã thiếu biên chế về mặt lý thuyết nhưng lại đủ người làm về mặt thực tế nên cũng không thể tuyển dụng thêm. Vậy là, chỉ có 1 cán bộ cấp huyện luân chuyển xuống cấp xã nhưng được tính cho 2 nơi. Ngoài ra, mặc dù cán bộ luân chuyển được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của tỉnh nhưng ít nhiều chịu thiệt thòi, nhất là khi về công tác tại các xã vùng sâu, xa, vất vả trong việc đi lại, ăn ở. Chưa kể, nếu là cán bộ thuộc khối Đảng, đoàn thể khi được luân chuyển sang phụ trách khối chính quyền sẽ bị mất phần trăm phụ cấp công tác Đảng…
Mặt khác, nếu luân chuyển cán bộ tự huyện xuống có những thuận lợi nhất định thì việc luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện có phần phức tạp hơn. Trường hợp của anh Trần Văn Khôi, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu được luân chuyển về làm Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội huyện năm 2015 là một ví dụ. Mặc dù vẫn là nhân lực thuộc huyện quản lý nhưng để chuyển cán bộ cấp xã sang hưởng lương theo chế độ của đơn vị sự nghiệp thì trước đó, huyện phải thành lập Hội đồng xét tuyển để xét tuyển đồng chí vào ngạch viên chức của huyện. Chưa kể, sau khi luân chuyển, anh Khôi cũng không được hưởng 25% phụ cấp công vụ nữa. Đây cũng là một trong những lý đo khiến việc luân chuyển cán bộ từ cấp xã lên cấp huyện còn ít.
Về những bất cập trên, đồng chí Phạm Văn Sỹ kiến nghị: Cấp trên nên tăng biên chế cho cấp huyện để thực hiện công tác luân chuyển được thuận lợi hơn, đảm bảo lượng cán bộ làm việc cho cấp huyện. Trung ương nên bổ sung các quy định phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ, cụ thể nên thống nhất cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp xã (không quy định riêng cán bộ, công chức cấp xã). Nói cách khác, cấp trên nên giao tổng biên chế của huyện và xã cho huyện để quản lý. Như vậy công tác luân chuyển sẽ dễ dàng, chủ động hơn trong việc bù đổi (nhất là luân chuyển từ xã lên huyện).