Mang ấm no về những bản người Mông

16:30, 07/11/2016

Ở Thái Nguyên, những tên làng, tên bản như: Lũng Cà, Lũng Luông (Thượng Nung, Võ Nhai), Khe Cạn, Bản Tèn (Văn Lăng, Đồng Hỷ)... chỉ nghe thôi đã thấy xa lơ xa lắc. Cảm giác ấy không chỉ bởi khoảng cách quá xa so với trung tâm mà còn vì đường đi luôn là một “thách thức” lớn. Cũng bởi vậy mà đời sống của bà con người Mông nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Để giúp bà con vơi cái khó, một chủ trương lớn của tỉnh đã được đưa ra. Đề án số 2037/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 16-9-2014 "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" (gọi tắt là Đề án 2037) chọn giao thông là khâu đột phá. Sau hơn 2 năm triển khai, hơn 40km đường giao thông về tận xóm bản đã mở ra cơ hội để bà con xóa đói giảm nghèo. Ngô, gia súc, gia cầm đã dần trở thành hàng hóa...

 

Thực hiện Đề án 2037, tỉnh Thái Nguyên đã huy động các nguồn lực để hoàn thành 14/15 tuyến đường giao thông lên các xóm, bản đặc biệt khó khăn nơi có nhiều đồng bào Mông sinh sống. Về phát triển sản xuất, năm 2014 tỉnh đã hỗ trợ giống, phân bón trồng 308ha ngô lai cho đồng bào, kinh phí trên 2,3 tỷ đồng; năm 2015, tỉnh giao cho các huyện ứng trước giống ngô lai và phân bón cho các hộ trồng 754ha. Về hỗ trợ nâng cao mức sống tinh thần cho đồng bào, tỉnh đã tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 3.100 lượt người...

 

Trong năm 2016, tỉnh quyết định phân bổ 6 tỷ đồng để thực hiện Đề án, trong đó trên 5,7 tỷ đồng làm đường giao thông, 296 triệu đồng hỗ trợ làm nhà văn hóa. Các địa phương được nhận nguồn vốn trên gồm: Võ Nhai trên 2,9 tỷ đồng, Đồng Hỷ 1,9 tỷ đồng, Phú Lương hơn 1,7 tỷ đồng, Định Hóa 120 triệu đồng.

 

 

 

Không còn phải gánh lợn, gà xuống chợ bán, người dân Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đã có thể chở hàng bằng xe máy về tận bản. Cứ cách tuần lại có một chuyến xe tải về tận bản thu gom nông sản của bà con. Nhờ vậy mà nông sản không còn phải bán rẻ “như cho” như trước nữa. (Trong ảnh: Đường Bản Tèn chụp tháng 8-2014 và tháng 10-2016).

   


Đến nay, xe tải đã có thể tới 47/47 xóm, bản có đông đồng bào Mông sinh sống trên địa bàn tỉnh để thu mua hàng hóa. Nhờ vậy, tập quán canh tác của bà con đang dần thay đổi, từng bước xoá bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong ảnh: Người dân xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung, Võ Nhai trồng cỏ chăn nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt.

 

 

Qua hơn 2 năm, bà con người Mông tại các xóm, bản đặc biệt khó khăn đã được hỗ trợ giống để trồng hàng nghìn héc-ta ngô lai. Trong ảnh: Niềm vui được mùa ngô của bà Hoàng Thị Dinh, xóm Mỏ Nước, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ .

 


 
Nhờ điều kiện giao thông thuận lợi, đồng bào ở các xóm bản đặc biệt khó khăn đã bước đầu phát triển các loại hình dịch vụ Trong ảnh: Gia đình chị Lý Thị Pành, xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) đầu tư máy làm đá phục vụ bà con trong xóm.

 


Cũng nhờ giao thông phát triển, bà con được tiếp cận với các điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục tốt hơn.

 


    Cuộc sống vật chất được nâng lên, người dân có điều kiện chăm lo đời sống tinh thần, giữ gìn bẳn sắc văn hoá của dân tộc mình. Trong ảnh: Người dân xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường (Võ Nhai) biểu diễn múa Khèn – nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Mông.