Ngày 3-11, ngày làm việc thứ 12 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV, tại hội trường, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về: Kế hoạch tái cơ cấu (TCC) nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2016; Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017.
Đội ngũ cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”
Nhiều đại biểu QH thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại chưa được giải quyết triệt để. Đó là sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, hiệu quả quản lý nhà nước lại không cao, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Trong khi đó, chất lượng đội ngũ cán bộ ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của quá trình phát triển.
Dẫn chứng số liệu bộ máy cán bộ đã tăng khoảng 20% so với 20 năm trước, đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) nhận xét, trong tổ chức lập ra nhiều bộ phận, nhiều ban chỉ đạo không cần thiết. Cùng với sự cồng kềnh về bộ máy, chất lượng cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém - như Đảng ta đã nhận diện đó là sự thật, là nguy cơ. Chung quanh vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) nêu tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển giảm, nhưng chi thường xuyên ngày càng tăng. Các đại biểu cho rằng, tổ chức bộ máy của nước ta có nhiều điểm bất hợp lý, có bộ phận không cần thiết, chưa được thiết kế một cách tổng thể. Thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước, nhưng sự chuyển động ở cấp dưới, nhất là các địa phương, cơ sở còn chậm. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức chấp hành kỷ luật, kỷ cương lỏng lẻo, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực... Theo đại biểu Dương Văn Thống, công tác cán bộ là then chốt, việc thanh tra, kiểm tra giám sát công tác cán bộ phải được coi là công việc quan trọng của lãnh đạo, nhưng chúng ta làm chưa tốt việc này. Vì vậy, thời gian tới, việc kiểm tra, thanh tra phải chặt chẽ, gắn với việc xử lý kỷ luật phải thật nghiêm minh, siết chặt kỷ cương. Đại biểu cho rằng, nếu tổng thể bộ máy hợp lý hơn, ít tổ chức đầu mối hơn, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ thực hiện kiên quyết hơn; bên cạnh đó, yêu cầu thực thi đúng luật pháp gắn với thường xuyên giáo dục, rèn luyện đạo đức, phong cách, lối sống trong sạch, vì nhân dân phục vụ, sẽ hạn chế được chủ nghĩa cá nhân và lòng tham, giảm được chi ngân sách cho bộ máy cán bộ. Từ đó, nguồn lực của đất nước sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, tham nhũng giảm, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Về vấn đề này, đại biểu Dương Văn Thống và một số đại biểu đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần kịp thời chỉ đạo việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi một cách tổng thể cả hệ thống bộ máy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phân công phối hợp kiểm soát quyền lực, giảm cả về tổ chức và con người. Cán bộ cấp cơ sở, nhất là cán bộ thôn, bản, tổ dân phố phải thực hiện kiêm nhiệm để giảm kinh phí. Theo đại biểu Dương Văn Thống, hằng năm, Chính phủ và các cơ quan chức năng phải báo cáo QH về việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và số kinh phí đã giảm được để giảm tỷ lệ chi thường xuyên. Theo đại biểu Phan Việt Cường (Quảng Nam), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ hành động hết sức quyết liệt nhưng sự chuyển động của cấp dưới chưa quyết liệt. Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chưa mạnh, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà. Đây là những trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lo ngại...
Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch TCC nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị QH, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giám sát thật tốt hai vấn đề, đó là con người và thể chế - đây là những “điểm nghẽn”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” kìm hãm, làm chậm quá trình phát triển của đất nước. Cụ thể, việc bố trí, sắp xếp phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Đây là vấn đề cần giải quyết với quyết tâm chính trị cao, cách làm khoa học, bài bản, chặt chẽ và quyết liệt. Đại biểu cũng cho biết: Thực tế một số cán bộ, công chức không yếu về năng lực, trình độ, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm. Nhiều trường hợp cán bộ tìm cớ gây ra đủ khó khăn để nhũng nhiễu, làm doanh nghiệp và công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính công. Vì thế, ngay ở cấp cơ sở, ở những cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, người dân, người đứng đầu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và làm gương, nếu không người dân, doanh nghiệp lại tiếp tục kêu ca...
Để ngành nông nghiệp gia tăng giá trị, có nhiều sản phẩm chất lượng cao
Đề cập vấn đề này, nhiều đại biểu QH đã nhấn mạnh các yếu tố tác động, mục tiêu, động lực của việc đổi mới mô hình tăng trưởng và Kế hoạch TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; các giải pháp tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện TCC nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, chú trọng TCC nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Theo đó, Chính phủ quan tâm để sản xuất nông nghiệp năm 2017 sẽ tốt hơn năm 2016 và rút kinh nghiệm từ những năm vừa qua, khắc phục ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; cần triển khai các chương trình, công trình, dự án tập trung và bài bản hơn. Các đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình), Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng), Triệu Tài Vinh (Hà Giang)... cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lĩnh vực nông thôn. Theo các đại biểu, cần chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chuyên sâu, đẩy mạnh phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp kiểu mới, tiến tới nền nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) và nhiều đại biểu bày tỏ, chưa bao giờ môi trường nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành vấn đề nóng, bức xúc như hiện nay. Để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, cần đổi mới tư duy phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, giảm đầu vào, quan tâm đến bảo quản sau thu hoạch, chế biến, thương hiệu, coi trọng giá trị dinh dưỡng và yếu tố thực phẩm chức năng từ các sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ cần tổng kết, nghiên cứu đưa ra những chính sách mới tạo động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ưu tiên, đào tạo nhân lực, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm thành công của một số mô hình sản xuất có hiệu quả trong nông nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách quan tâm, hỗ trợ sản phẩm đầu ra có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương, có yếu tố thị trường, có giá trị kinh tế cao, giảm yếu tố đầu vào...
Nhìn lại sau hơn hai năm thực hiện Đề án TCC kinh tế nông nghiệp đạt được hiệu quả bước đầu, các đại biểu QH phản ánh ở nhiều nơi, đời sống của hầu hết cư dân nông thôn còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, dư địa của ngành nông nghiệp rất lớn nhưng chưa thấy rõ động lực cho phát triển nông nghiệp. Do đó, để phát triển nông nghiệp có rất nhiều việc phải làm, từ công tác quy hoạch đất đai, quy hoạch thủy lợi, giao thông đến quy hoạch nội bộ trong ngành trên từng lĩnh vực đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, nhân lực, chế biến, thị trường, quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện, về xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, cần có chính sách thỏa đáng cho những doanh nghiệp đầu tư trọn gói gồm giống, chuyển giao quy trình công nghệ, vật tư (đầu vào) và thu mua sản phẩm (đầu ra), tránh chỉ đầu tư và cung ứng một số sản phẩm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... đơn thuần.
Nhiều đại biểu QH cũng phát biểu bày tỏ quan tâm việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng; các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch, tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biển giới, hải đảo... Một trong những vấn đề được quan tâm khác là đầu tư hạ tầng như thế nào để tăng liên kết ngang nội vùng và giữa các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các tỉnh biên giới... Ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, cần áp dụng cơ chế thuế, phí ở mức thấp nhất hoặc miễn, đặc biệt là các chính sách về đất đai - đây được coi là “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhấn mạnh vị trí quan trọng của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Đảng, Nhà nước cần đổi mới tư duy trong chương trình hành động về nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp là trung tâm, khoa học là đồng hành, nông dân là chủ thể, phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Do đó, cần sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cá nhân có điều kiện đầu tư vào nông nghiệp, tạo dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, tiếp thị... tạo sự bứt phá cho phát triển nông nghiệp.
Giải trình về các chính sách dân tộc miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn được nhiều đại biểu QH quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết: Ủy ban Dân tộc đã tiến hành đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc để có cơ sở dữ liệu quốc gia ban hành chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khi phân bổ nguồn lực, xem xét ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn mức tăng từ hai đến bốn lần so với nơi khác. Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng hai dự án: Chương trình đầu tư phát triển KT - XH các huyện nghèo 30a với hơn 18 nghìn tỷ đồng và Chương trình 135 với ba hợp phần, tăng một hợp phần với tổng số vốn gần 16 nghìn tỷ đồng. Ngoài chính sách chung, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm ban hành thêm nhóm chính sách đặc thù, Nghị định 52 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số... Bộ trưởng nêu rõ: Quá trình thực hiện chính sách dân tộc cho thấy, cần phải phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương, tỉnh, huyện quản lý và quá trình đầu tư xây dựng có sự tham gia giám sát của cộng đồng.
Cũng trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề được các vị đại biểu QH nêu chung quanh: Quan điểm, mục tiêu, lộ trình TCC nền kinh tế; vai trò của Nhà nước và thị trường trong TCC kinh tế, TCC kinh tế tổng thể, theo ngành, vùng, lĩnh vực; việc TCC nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ nông dân; cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; bài học kinh nghiệm trong việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; việc huy động nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội...