Trong nhiều cuốn tư liệu lịch sử của tỉnh đều ghi lại: Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV được tổ chức vào tháng 4-1951 tại xóm Cây Lá, xã Bình Sơn (thuộc T.P Sông Công ngày nay). Mong muốn tìm hiểu về sự kiện lịch sử này cũng như gặp gỡ lại các nhân chứng, chúng tôi đã tìm gặp cụ Dương Lê Phẩm (tên thường gọi Lê Tuấn), lão thành cách mạng - Đại tá An ninh nhân dân. Cụ năm nay 89 tuổi, ở tổ dân phố 3, phường Lương Châu (T.P Sông Công).
Suốt 50 năm công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, nhưng cụ Lê Tuấn luôn tự hào vì quãng thời gian hơn 4 năm (từ 1947-1951) được làm thư ký riêng cho đồng chí Lê Trung Đình, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh (sau là Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên). Cụ đặc biệt có nhiều cảm xúc khi chúng tôi đề cập đến chuyện về nguồn, thăm lại địa điểm xóm Cây Lá, xã Bình Sơn - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV mà cụ đã được tham dự.
Hơn 60 năm trở lại nơi này, cảnh vật đã thay đổi song ký ức về những ngày đặc biệt quan trọng đó trong cụ Lê Tuấn vẫn còn vẹn nguyên. Tại Nhà văn hóa xóm Cây Lá, chúng tôi còn gặp cụ Nguyễn Thị Ân (năm nay 90 tuổi) - người đã vinh dự được phục vụ khánh tiết cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Cụ Lê Tuấn và cụ Nguyễn Thị Ân trôi trong dòng hồi tưởng: Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh diễn ra trong 3 ngày nhưng từ trước đó đã có hàng tháng trời các lực lượng chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo an toàn, bí mật cho Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp.
Năm 1951, cụ Ân khi đó là Bí thư Phụ nữ xã Bá Vân (sau này là Bình Sơn). Cụ nhận lệnh huy động phụ nữ trong xã phục vụ nước, cung cấp lương thực, thực phẩm, nấu cơm cho tổ phục vụ Đại hội. Cụ nhớ lại: Hồi ấy, xóm Cây Lá toàn là đồi núi hoang vu. Nhà tôi và 3 hộ dân của xóm vinh dự là nơi ở của một số lãnh đạo và cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy. Nhưng quân lệnh bí mật đến mức, Đại hội thành công rồi, tôi mới biết nơi diễn ra Đại hội ở gần khe núi cách nhà tôi ở hơn 2km.
Nghe cụ Ân nói, cụ Lê Tuấn cười, cầm tay cụ Ân nhẹ nhàng: Tôi lúc đó được giao nhiệm vụ chuẩn bị bài phát biểu của đồng chí Lê Trung Đình trong Đại hội. Ngoài những lúc công việc bận rộn với sổ sách, báo cáo, còn được nghỉ ngơi, ăn chè đỗ đen do phụ nữ Bá Vân nấu rất ngon. Mấy chục năm rồi nhưng vị thanh mát của chè, của tình người tôi vẫn giữ trong lòng.
Đúng như lời hai nhân chứng, cảnh vật đổi thay nhưng lòng người không quên được. Đi qua khu mặt bằng nơi trước đây dựng lán làm hội trường tổ chức Đại hội nay chỉ còn dấu vết là mặt bằng, xung quanh đã được người dân gạt đất phẳng trồng keo và các loại cây màu, cụ Lê Tuấn bảo: Lý do tỉnh lựa chọn Cây Lá làm nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IV bởi ở đây rất thuận lợi về địa hình, đảm bảo an toàn lại bí mật, dễ phòng thủ và tiến công nếu địch tấn công. Địa điểm tổ chức Đại hội xưa là khoảng thung lũng rộng, được bao phủ bởi những tán cây cổ thụ, cạnh đó là núi Bá Vân, có nhiều khe suối chảy qua. Hơn nữa, ở Cây Lá chỉ có 4 gia đình, nhưng đều có truyền thống yêu nước, một lòng bảo vệ Đảng, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Lựa chọn Bình Sơn là nơi tổ chức Đại hội, tỉnh còn nhận định nơi đây sớm được giác ngộ truyền thống cách mạng, dễ huy động các lực lượng quần chúng trong các trường hợp. Trong kháng chiến chống Pháp, xã được Quân đội nhân dân Việt nam chọn là địa điểm xây dựng xưởng sửa chữa vũ khí, cũng thời gian này, có phân hiệu trường lục quân Trần Quốc Tuấn đặt tại Bá Vân…
Theo lời kể của cụ Ân và Lê Tuấn thì tháng 3-4 năm 1951, đúng vào thời kỳ mưa dầm, rét mướt nhưng các lực lượng nhận lệnh đều tích cực tham gia phát quang bụi rậm, mở đường, bắc cầu qua suối vào xóm Cây Lá. Cạnh khe núi, lực lượng vũ trang bí mật dựng nhà gỗ, lợp mái lá cọ làm hội trường tổ chức Đại hội. Việc xây dựng hết sức nhanh chóng và bí mật, tạo thuận lợi nhất cho các đại biểu trong quá trình diễn ra Đại hội có thể ăn, ở, sinh hoạt và dễ dàng tránh máy bay nếu địch tấn công bất ngờ.
Với chỉ đạo sáng suốt của tỉnh, sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhân dân Bình Sơn mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV đã thành công tốt đẹp. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành gồm 11 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hoàng Cừ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến – Hành chính tỉnh. Nghị quyết của Đại hội là: “Tập trung lãnh đạo khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, chi viện chiến trường, ra sức xây dựng củng cố lực lượng vũ trang địa phương đủ sức bảo vệ quê hương và bổ sung cho các đơn vị bộ đội chủ lực của Bộ Tư lệnh”. Thành công của Đại hội đã góp phần động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò hậu phương để góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đẩy mạnh cuộc chiến đấu thống nhất nước nhà ở miền Nam.
Tham khảo nhiều tư liệu lịch sử, trong đó có cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh chúng tôi còn được biết: Nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa IV kéo dài gần 8 năm là do những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp chiến tranh ác liệt, nhu cầu chi viện sức người, sức của cho các chiến trường càng nhiều, Đảng bộ tỉnh phải tập trung cao độ lãnh đạo nhân dân dồn sức cho kháng chiến đi đến thắng lợi. Đồng thời thực hiện thí điểm nhiều chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nổi bật là thực hiện giảm tô (1952-2954); cải cách, sửa sai cải cách ruộng đất (1953-1957). Khoảng thời gian đó, các cán bộ chủ chốt của tỉnh đều được điều đi tham gia ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, những sai lầm của cuộc vận động giảm tô, cải cách ruộng đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, đời sống của các tầng lớp nhân dân. Bởi vậy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sửa sai, tình hình chính trị ở các địa phương ổn định mới có cơ sở và điều kiện tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V vào tháng 2-1959. Suốt 8 năm của nhiệm kỳ, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch đề ra.