Bàn thảo nhiều vấn đề cử tri quan tâm

18:21, 07/12/2016

Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh, tại các tổ thảo luận, không khí trao đổi diễn ra khá cởi mở, thẳng thắn, tập trung vào nhiều vấn đề cử tri quan tâm và những nội dung được đề cập trong các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến thảo luận tổ về những vấn đề cử tri quan tâm.

Ô nhiễm môi trường vẫn là chủ đề nóng

 

Theo đại biểu (ĐB) Phạm Văn Thọ (Tổ T.X Phổ Yên), hiện nay ô nhiễm môi trường đang là vấn đề đáng báo động. Trong đó, ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi trang trại chưa được quan tâm xử lý khiến nhân dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần. Do đó, UBND tỉnh và các ngành chức năng cần có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

 

Tương tự, ĐB Lê Thanh Tuyết và ĐB Lưu Đình Đông (Tổ T.X Phổ Yên) cùng một số ĐB khác cho rằng, việc kiểm tra ô nhiễm môi trường ở các trang trại chăn nuôi còn sơ sài, không có phương tiện kỹ thuật dẫn đến kết quả không thuyết phục. Việc xử lý vi phạm chủ yếu phạt hành chính nên không đủ sức răn đe. Đề nghị, ngoài xử phạt hành chính cần có biện pháp cương quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở cố tình vi phạm.

 

ĐB Phan Mạnh Cường (Tổ T.P Sông Công) và một số ĐB Tổ T.P Thái Nguyên cũng cho rằng, vấn đề gây ô nhiễm của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngày càng tinh vi. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm tránh trường hợp tái phạm.

 

An toàn vệ sinh thực phẩm cần được quan tâm đúng mức

 

ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Tổ Phú Lương) và một số ĐB cũng cho rằng, trước thực trạng đáng báo động về thực phẩm bẩn hiện nay, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh. Cụ thể, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động toàn xã hội vào cuộc, nói không với thực phẩm bẩn, mỗi người phải có ý thức tham gia giám sát, bài trừ thực phẩm bẩn…

 

ĐB Dương Văn Hiến (Tổ T.X Phổ Yên) đặt vấn đề, cái khó hiện nay là chúng ta chưa kiểm soát chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, nhất là chợ nông thôn. Hơn nữa, tỉnh đã có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để quản lý chặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và thực tế đã có một vài cơ sở ra đời, nhưng hoạt động không hiệu quả, số lượng giết mổ tại các cơ sở này rất thấp. Do đó cần có giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chợ nông thôn, đồng thời có phương án giải quyết vướng mắc cho các cơ sở giết mổ tập trung.

 

Giáo dục - đào tạo chưa hết khó

 

Theo ĐB Vi Thị Chung (Tổ Đại Từ) thì hiện nay, toàn tỉnh còn 706 phòng học tạm và phòng học nhờ, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các địa phương. Do đó, cần có giải pháp hợp lý, kịp thời để giải quyết tình trạng này. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn ngân sách phù hợp để sớm xóa bỏ những phòng học tạm, phòng học nhờ tạo điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học ở các trường phổ thông. ĐB Vi Thị Chung cũng đề nghị: Việc triển khai Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” mới chỉ quan tâm hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đến công tác phát triển giáo dục, đặc biệt là hỗ trợ cơ sở vật chất trường lớp học. Vì vậy, đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh cần quan tâm hơn đến lĩnh vực này.

 

ĐB Lê Văn Tâm (Tổ T.X Phổ Yên) cho rằng, việc sử dụng ngân sách đối với nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn trong các trường mầm non công lập là hợp lý nhưng cũng phải chỉ rõ sử dụng ngân sách cấp nào và chi ở mục nào? Còn một số đại biểu khác đề nghị, đối với các trường mầm non ở đô thị, nhất là khu trung tâm nên xã hội hóa việc nấu ăn cho học sinh (tức là các trường thuê các cơ sở nấu ăn bên ngoài vào phục vụ) còn những trường ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn thì mới cần áp dụng chế độ hợp đồng cô nuôi, nhưng cũng chỉ hợp đồng có thời hạn.

 

Tồn tại nào trong xây dựng nông thôn mới?

 

Một số ĐB Tổ Phú Lương, Phú Bình cho rằng, các xã đạt nông thôn mới (NTM) đều thấy rõ những thay đổi về diện mạo, đường sá, cầu cống, công trình phục vụ dân sinh, song vấn đề cốt lõi là nâng cao đời sống người dân lại chưa được quan tâm. Do đó, những năm tới tỉnh cần có những giải pháp cụ thể để cải thiện mức sống của người dân ở xã NTM. Khi đời sống của người dân được nâng lên mới có điều kiện huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện các tiêu chí còn lại.

 

Theo ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên), việc huy động sức dân trong xây dựng NTM ở một số địa phương, đặc biệt là ở những xã khó khăn trên địa bàn tỉnh trở nên quá sức, nhiều hộ thậm chí phải đi vay ngân hàng mới có tiền đối ứng. Thực trạng này cần được tỉnh cân nhắc. Còn theo ĐB Đoàn Thị Hảo (Tổ T.P Thái Nguyên), cần lồng ghép ghép nguồn vốn này một cách chặt chẽ, có hiệu quả với các chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững và lồng chép có hiệu quả với hệ thống các chính sách dành cho khu vực đồng bào dân tộc miền núi.

 

ĐB Lê Thị Thúy Nguyên (Tổ Phú Lương) băn khoăn, nếu tới đây Nhà nước chỉ hỗ 1 tỷ đồng đối với xã kiểu mẫu NTM thì mức đóng góp của nhân dân sẽ tăng lên, và như vậy sẽ khó hoàn thành mục tiêu đề ra. Cùng chung ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ Phú Bình) chia sẻ: Theo kế hoạch, đến hết năm 2016, tỉnh Thái Nguyên sẽ có 55 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 3 xã là NTM kiểu mẫu. Cần có đánh giá đến thời điểm này chỉ tiêu có đạt hay không? Với 3 xã NTM kiểu mẫu, cần cân nhắc lựa chọn thuật ngữ là xã NTM kiểu mẫu hay NTM điển hình. Bởi đặc thù mỗi vùng miền, địa phương khác nhau nên có thể kiểu mẫu ở chỗ này nhưng lại không phù hợp với nơi khác. Mặt khác, cần sớm xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể đối với xã NTM kiểu mẫu.

 

Cần xem xét vấn đề phân bổ ngân sách

 

ĐB Đinh Hồng Thanh và ĐB Nguyễn Minh Tuấn (Tổ Phú Bình) đề nghị UBND tỉnh có đánh giá cụ thể về nguyên nhân và những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Việc phân bổ vốn đầu tư công chưa sát với thực tế và điều kiện của mỗi địa phương. Đề nghị cần xem xét, phân bổ ngân sách cho phù hợp với thực tế địa phương và từng giai đoạn, từ đó hạn chế nợ đọng xây dựng cơ bản.

 

Còn ĐB Nguyễn Văn Thủy (Tổ Đồng Hỷ) thì cho rằng, việc thực hiện Luật Đầu tư công ở nhiều địa phương còn dàn trải, theo kiểu “đánh trống ghi tên” gây rất nhiều khó khăn cho việc cân đối ngân sách để giải ngân, dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Đề nghị có kế hoạch và phân bổ cụ thể.

 

Theo ĐB Nguyễn Khắc Lâm (Tổ T.P Sông Công) thì việc giao định mức phân bổ cho cán bộ công chức cấp xã bình quân 77 triệu đồng/biên chế/năm (trong đó có 75% dành cho lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương; 25% dành cho chi khác) là quá ít, khó đảm bảo cho hoạt động của đội ngũ này. Trong khi đó, năm 2017 lại là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Do vậy, tỉnh cần tính toán lại định mức phân bổ đối với nội dung này. Ngoài ra, việc phân bổ chi khác cho các đoàn thể cấp xã (8-9 triệu đồng/đoàn thể/năm) cũng quá thấp, khó đảm bảo để tổ chức các hoạt động hiệu quả.

 

     Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ (ĐB mời) cho rằng: Theo quy định của Chính phủ, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là khoản thu thuộc ngân sách địa phương, cụ thể ở đây là cấp xã nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản sẽ được hưởng 100% khoản thu này. Tuy nhiên, tỉnh lại đang có tờ trình đề nghị chuyển 100% khoản thu này về tỉnh. Do đó, đề nghị tỉnh xem xét, cân nhắc để quyết định cho phù hợp. Cũng theo ông Phạm Duy Hùng, hằng năm, căn cứ vào số thu và nhu cầu chi của các địa phương, ngân sách tỉnh xem xét cân đối hỗ trợ 1 phần cho các địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản. Quy định như vậy là chưa hợp lý. Cần quy định rõ tỷ lệ phần trăm thuộc ngân sách tỉnh và phần trăm thuộc ngân sách địa phương. 

 

Làm rõ một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội

 

Theo ĐB Mai Thị Thúy Nga (Tổ Phú Bình), về các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, cần bổ sung các chỉ tiêu về tuyển quân, dân quân tự vệ, giải pháp để tăng tỷ lệ người được cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm. Còn ĐB Ân Văn Thanh (Tổ Đồng Hỷ) thì cho rằng, chỉ tiêu về sản lượng lương thực có hạt của tỉnh năm 2017 quá cao. Cần có giải pháp công nghệ để tăng năng suất, bù vào những diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi hoặc nhường cho các dự án sản xuất công nghiệp, đô thị. Một số ĐB cũng cho rằng, chỉ tiêu về xuất khẩu của tỉnh năm nay không đạt là do chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào khu vực vốn FDI. Do đó, trong năm tới ngoài khu vực đầu tư nước ngoài cũng cần quan tâm nhiều hơn đến khu vực sản xuất trong nước.

 

Một số ĐB cho rằng, hiện nay, tình trạng thuốc giả, phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Trong khi đó, báo cáo kinh tế - xã hội của tỉnh, ở lĩnh vực nông nghiệp không thấy đề cập đến nội dung này. Do đó, đề nghị tỉnh cần có đánh giá cụ thể, trong đó đề xuất phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

 

Một số vấn đề quan tâm khác

 

* ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ T.X Phổ Yên) và ĐB Vũ Duy Hoàng (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị: Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, bảo hiểm xã hội còn rất nhiều. Không ít trường hợp nợ kéo dài nhiều năm nay không trả. Trong khi các doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh luôn hoàn thành nghĩa vụ ngân sách và chế độ với người lao động từ rất sớm. Như vậy là có sự mất công bằng, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đề nghị tỉnh phải cương quyết xử lý những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng thuế, bảo hiểm kéo dài để tạo công bằng, tránh thất thoát nguồn thu.

 

* ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Tổ T.P Thái Nguyên) cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2021, các địa phương phải giảm 10% trong tổng biên chế công chức, viên chức của địa phương. Vậy nhưng, năm 2017, tỉnh mới đưa ra kế hoạch giảm 27 biên chế, trong khi tổng biên chế cả tỉnh hiện là 3.572 người. Như vậy so với tỷ lệ % phải giảm đến năm 2021 là quá ít. Đề nghị, UBND tỉnh trong năm 2017 có kế hoạch kiểm tra, rà soát tổng biên chế để đưa ra lộ trình cụ thể cho việc tinh giản này.

 

* Ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh (ĐB mời) cho rằng: Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 của tỉnh dù đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại song còn chung chung, chưa chỉ rõ những cơ quan, đơn vị, cá nhân không thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng. Ông Nguyễn Hùng Tráng và một số đại biểu cũng băn khoăn về những diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm tham nhũng hiện nay. Trong khi đó, báo cáo của tỉnh năm 2016 chỉ xử lý được 6 vụ án tham nhũng nên chưa phản ánh hết tình hình thực tế.