Các Bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc thực hiện 30 nhiệm vụ, giải pháp

14:43, 29/12/2016

Trong hai ngày 28 và 29-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2016. Chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên có các đồng chí: Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các Phó Thủ tướng và một số bộ trưởng là thành viên Chính phủ trình bày các nội dung: Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 với chủ đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”; Một số nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Báo cáo chuyên đề về triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ vễ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2030; Báo cáo của Tổ công tác của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương năm 2016 và kết quả kiểm tra của Tổ công tác từ tháng 8 đến tháng 12-2016.

 

Năm 2016, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mặc dù còn những yếu kém, nhưng nhìn chung, nền kinh tế nước ta đã vượt qua được những khó khăn, thách thức, tiếp tục đà phát triển. Niềm tin thị trường tăng lên, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, công tác xây dựng thể chế được quan tâm; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,21% - cao hơn nhiều so với tăng trưởng bình quân của các nước trong khu vực; nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,5%; dịch vụ tăng 6,98%; lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế; thị trường tiền tệ, chứng khoán diễn biến tích cực, thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa; tỷ giá được điều hành linh hoạt, cung cầu ngoại tệ thuận lợi; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay; thu ngân sách địa phương đạt khá; cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới; hàng trăm nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại…

 

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, đã có hơn 30 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các tỉnh, thành; các bộ, ban, ngành; các Phó Thủ tướng… nhằm hoàn thiện đánh giá về những kết quả đạt được của năm 2016; bổ sung đề xuất, giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trong bối cảnh rất khó khăn do chịu ảnh hưởng cả về thiên tai và nhân tai, song chúng ta đã đoàn kết, vượt qua để đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội. 11 chỉ tiêu đã vượt mức báo cáo Quốc hội, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt. Đáng kể nhất là chúng ta đã vượt chỉ tiêu thu ngân sách; nhiều ngành và địa phương đã có những đổi mới rất quyết liệt. Niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên.

 

Tuy nhiên, năm 2017 được dự báo sẽ còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cả hệ thống phải chuyển động, đặc biệt là cấp chính quyền cơ sở. Do đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh đến 30 nhiệm vụ, giải pháp mà các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, loại bỏ những quy định bất cập để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu và cơ chế khoán, công khai ngân sách, "tiết kiệm từng đồng bạc của dân", chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, nhất là đối với cơ quan Nhà nước. Thủ tướng yêu cầu Tết này, các địa phương, bộ ngành không chúc Tết Thủ tướng, các Phó Thủ tướng mà tập trung chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, người dân các tỉnh vừa trải qua thiên tai, hạn hán, ngập mặn… để mọi người, mọi nhà đều có Tết, qua đó củng cố lòng tin của dân với Đảng, Chính phủ và thể chế.