Chất vấn, làm rõ nhiều vấn đề bức thiết

14:02, 08/12/2016

Tại phiên giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường diễn ra sáng 8-12 của kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh, nhiều vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm đã được lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành làm rõ. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến tại Kỳ họp.

Tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

 

Đại biểu Mai Thị Thúy Nga (Tổ Phú Bình) chất vấn: Đề nghị UBND tỉnh cho biết quan điểm về việc gắn kết giữa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 với tái cơ cấu ngành nông nghiệp? Tổng nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của tỉnh hiện nay là bao nhiêu? Kế hoạch, lộ trình và giải pháp của tỉnh trong xử lý số nợ đọng này theo chỉ đạo của Quốc hội?

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản, từ đó tăng thu nhập cho người nông dân. Việc gắn kết giữa xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là để phát huy lợi thế, thế mạnh của từng vùng miền, từ đó xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển, song sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng được cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết giá trị và sản phẩm từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ như: Xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp cho hiệu quả cao hơn…

 

Vê vấn đề nợ xây dựng cơ bản NTM, tính đến ngày 30-10-2016, tổng nợ của toàn tỉnh là 217,2 tỷ đồng, chiếm 21% tổng mức đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, cấp huyện nợ 154,8 tỷ đồng; cấp xã nợ 62,4 tỷ đồng. Huyện Phú Lương là địa phương có số nợ xây dựng cơ bản NTM nhiều nhất, với 47,5 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang yêu cầu các huyện thực hiện cân đối ngân sách để trả nợ theo phương châm: Ưu tiên trả nợ trước, sau đó mới khởi công xây dựng các công trình mới; đồng thời thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và trả nợ.

 

Chi trả chế độ chính sách cho phụ nữ nghèo là dân tộc thiểu số

 

Đại biểu Vi Thị Chung (Tổ Đại Từ) chất vấn: Đề nghị đồng chí cho biết tiến độ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?

 

Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Trên cơ sở Nghị đinh số 39/2015/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 30-6-2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai đồng bộ các nội dung theo đúng quy định, đồng thời rà soát, tổng hợp các đối tượng thuộc diện được hưởng hỗ trợ để lập dự toán kinh phí… Công tác này được tỉnh tiến hành từ tháng 7 đến 11-2016 cho cả 2 năm 2015 và 2016. Ngày 1-12, UBND tỉnh đã có công văn báo cáo Bộ Tài chính xin cấp bổ sung kinh phí là 2.870 triệu đồng để hỗ trợ cho 1.435 đối tượng. Khi nào được Trung ương cấp kinh phí bổ sung, UBND tỉnh sẽ tiến hành chi trả ngay cho các đối tượng.

 

Giải quyết tình trạng lạm thu và thiếu phòng học

 

Đại biểu Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) chất vấn: Đề nghị làm rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng lạm thu trong các trường học hiện nay? Giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong vấn đề này như thế nào?

 

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời: Trước hết phải khẳng định, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số trường lạm dụng việc xã hội hóa giáo dục để lạm thu, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh và nhân dân. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì có một số nguyên nhân chủ quan là: Một số trường chưa chấp hành nghiêm các văn bản hướng dẫn của cấp trên; công tác thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền chưa chặt chẽ; công tác thanh, kiểm tra và xử lý của ngành chủ quản chưa quyết liệt; hệ thống văn bản chỉ đạo của ngành chưa hoàn thiện; cha mẹ học sinh còn nể nang, e ngại nên không phản ánh đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Để giải quyết tình trạng trên, Sở GD-ĐT đang tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh và nhân dân về chủ trương của ngành, địa phương trong công tác xã hội hóa giáo dục; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các khoản thu trong nhà trường, các văn bản chấn chỉnh lạm thu từ đầu năm học, tiến tới xây dựng quy chế về vấn đề này; tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra xử lý các sai phạm; công khai địa chỉ Email và số điện thoại tiếp nhận phản ánh của nhân dân về tình trạng lạm thu…

 

Đại biểu Phan Thị Phương (Tổ Võ Nhai) chất vấn: Năm 2016 có bao nhiêu phòng học tạm được thay thế bằng phòng học kiên cố? Trong đó có bao nhiêu phòng học thực hiện tại nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống theo Đề án 2037 của tỉnh? Tiến độ thực hiện 16 công trình theo Đề án này hiện nay như thế nào?

 

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời: Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 2.828 phòng học bán kiên cố xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ. Đến nay, đã xây dựng được 548 phòng học kiên cố bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó có 40 phòng học được thực hiện theo Đề án 2037, tập trung ở hai huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ từ nguồn vốn tài trợ, chưa có phòng học nào sử dụng nguồn vốn theo Đề án 2037.

 

Với 16 công trình nhà lớp học, số vốn dự kiến khoảng 9,7 tỷ đồng, đến nay, chưa thực hiện được công trình nào do chưa cân đối được nguồn kinh phí. Từ tháng 8-2015, Sở đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 16 công trình trên và gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư, nhưng do chưa cân đối được nguồn kinh phí nên Sở này đã chưa trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện, các công trình trên đã được đưa vào danh mục dự kiến đầu tư công trung hạn của tỉnh.

 

Nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung kém hiệu quả

 

Đại biểu Hoàng Văn Quý (Tổ Võ Nhai) chất vấn: Đề nghị làm rõ các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn hiện này phát huy hiệu hay không hiệu quả như thế nào? Những khó khăn, tồn tại và giải pháp khắc phục?

 

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trả lời: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 221 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, 134 công trình phát huy hiệu quả; còn lại 87 công trình do UBND các xã quản lý hoạt động kém hiệu quả (chiếm 39%). Nguyên nhân khiến nhiều công trình không phát huy được hiệu quả là do bộ máy quản lý không đủ năng lực, người dân chưa có ý thức bảo vệ. Một số công trình qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa kịp thời. Để nâng cao hiệu quả các công trình nước sinh hoạt nông thôn, cần kiện toàn lại tổ quản lý công trình, tập huấn cho các thành viên trong tổ để đảm bảo đủ năng lực vận hành. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng 6 công trình, nâng cấp, sửa chữa 27 công trình. Thực hiện xây dựng khung giá, thu phí sử dụng nước để đảm bảo một phần kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên. Đồng thời khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp, các đơn vị tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn.