“Hà Nội 60 ngày đêm khói lửa” qua ký ức người trong cuộc

08:55, 18/12/2016

Cách đây 70 năm, ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân Thủ đô đã nhất tề đứng lên đánh Pháp. Các đội tự vệ đã giành giật với địch từng ngôi nhà, góc phố, đóng góp quan trọng vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến toàn quốc.

Năm nay đã 95 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) vẫn còn rất minh mẫn. Ký ức về 60 ngày đêm (19/12/1946-17/2/1947) Hà Nội sục sôi khí thế “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của 70 năm trước vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sỹ Thủ đô năm xưa.

 

Đại tá Hàm nhớ lại: Năm 1946, thực dân Pháp phản lại Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, sau khi đổ bộ trái phép lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn; tiến hành gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Chuẩn bị chiến đấu, quân và dân Hà Nội trả lời đanh thép bằng khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô” giăng khắp các đường phố, giữ trọn ý chí quyết tâm giữ vững độc lập. Sáng 19/12/1946, cuộc họp nhận chỉ thị của Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đối với cán bộ Tự vệ trở thành lễ tuyên thệ “Thề quyết tử bảo vệ Thủ đô”. Để bảo vệ thành quả cách mạng, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp có những chủ trương thích hợp đối phó với thù trong giặc ngoài, đặc biệt là quân Pháp. Tuy nhiên, âm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp ngày càng lộ rõ. Nguy cơ của một cuộc chiến tranh với Pháp là khó tránh khỏi. Để chủ động đối phó với địch, Bộ Tổng chỉ huy đã xây dựng kế hoạch tác chiến quy mô cả nước; trong đó mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính. Hà Nội cần giam chân địch một thời gian, càng lâu càng tốt tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh.

 

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nói: “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác là lời động viên nhưng cũng như một mệnh lệnh để toàn dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Lời kêu gọi của Bác đã giúp chúng tôi giải tỏa được những bức xúc trước thái độ khiêu khích của địch, thể hiện một thái độ tinh thần dứt khoát đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cơ sở để chúng ta chủ động đánh địch, chủ động giành thắng lợi”.

 

Đúng 20h03 ngày 19/12/1946, đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ pháo đài Láng nổ súng phát hiệu lệnh tấn công. Với quyết tâm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Thủ đô đã giành giật với địch từng ngôi nhà, từng góc phố. Tự hào là người chiến sỹ bảo vệ Thủ đô, Đại tá Hàm nhớ lại: Hồi ấy, trong chiến đấu, quân dân Thủ đô đã phát huy nhiều sáng kiến giết giặc. Các đường phố chính đều được ta bố trí mìn thật xen kẽ mìn giả để nghi binh, diệt địch, ngăn chặn bước tiến của chúng. Trên các hướng tiến công của địch, luôn xuất hiện các tổ bắn tỉa của ta. Ta đã biến các lỗ tường nối liền xuyên qua từng căn nhà, từng dãy phố thành “trận đồ bát quái” đánh địch. Cùng với đó, mỗi người dân là một người lính; mỗi nhà dân là một pháo đài; mỗi khu phố là một chiến tuyến. Đội quyết tử quân đâm bom ba càng của ta luôn túc trực trên các đường cơ giới địch và sẵn sàng lao đâm vào xe tăng, bọc thép của địch. Công nhân, thanh niên, học sinh, viên chức, tiểu thương… đều trở thành lực lượng tự vệ cùng nhân dân hăng hái, sôi nổi và sẵn sàng chiến đấu. Tuyến đường từ Hà Nội đi các nơi bị triệt phá, giữa các căn cứ đóng trong nội thành cũng bị tê liệt.

 

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm kể: “Các tường nhà được đục lỗ thông nhau, để tiện cho việc liên lạc. Nhà nọ bước chân ra nhà kia, tạo ra địa đồ bát quái. Anh vào không biết tiến, anh rút ra không biết rút. Đây không phải là một cuộc chiến đấu ngoài trận địa mà là một cuộc đấu tranh du kích trong thành phố. Du kích ở đây là dùng các lực lượng nhỏ, lẻ để chiến đấu với quân địch đông và mạnh”.

 

Cuộc chiến đấu kiên cường của quân dân Hà Nội đã thu hút đông đảo quần chúng Thủ đô tham gia, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Trong đội quân quyết tử cho Hà Nội mùa đông năm ấy, không chỉ có thanh niên trai tráng mà còn có cả các tiểu thư khuê các của đất Hà Thành như bà Dương Thị Thoa, tức Lê Thi con gái cụ Dương Quảng Hàm, nguyên Hiệu trưởng trường Bưởi, ngôi trường danh giá nhất Hà Thành lúc bấy giờ.

 

Cô nữ sinh trường Trưng Vương thuở nào, giờ đã 90 tuổi nhớ lại: “70 năm trôi qua rồi, tôi vẫn còn nhớ những lúc đi động viên anh em ở các ụ chiến đấu, đi lấy tin tức về cho các tờ báo chiến thắng”.

 

Sau 10 ngày chiến đấu, ta đã giành quyền kiểm soát nhiều tuyến đường, phố. Để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I được thành lập. Đây là Trung đoàn đầu tiên ở Thủ đô được thành lập trong lửa đạn của cuộc kháng chiến. Qua những trận đánh nhỏ, các chiến sỹ của ta được thử thách, gan dạ, đoàn kết gắn bó chiến đấu. Lực lượng của ta được bảo toàn. Một bộ phận lực lượng địch đã bị ghìm chân.

 

Bà Lê Thi nhớ lại: "Trải qua hơn 1 tháng với biết bao gian nan, thiếu thốn, hiểm nghèo, để chiến đấu giam chân địch giữa lòng Thủ đô, ngày 27/1/1947, Trung đoàn Liên khu I đã được Bác Hồ gửi thư động viên. Chúng tôi vô cùng xúc động, vui mừng phấn khởi khi được Bác Hồ gọi là “các em”. Điều này nói lên lòng thương yêu quý mến sâu sắc của Bác Hồ đối với các chiến sỹ. Lời thư Bác Hồ viết: Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Bức thư của Bác đã đem lại cho các chiến sỹ, cán bộ Trung đoàn chúng tôi nhiều tình cảm, suy nghĩ và nghị lực mới".

 

“Tết năm 1947 cũng là cái Tết đặc biệt. Tôi nhớ mãi bức thư của bác Hồ gửi cho Trung đoàn Thủ đô. Chúng tôi đã đi các ụ chiến đấu, đọc cho anh em nghe. Bức thư có nội dung “Các em là đội cảm tử, các em quyết tử cho tổ quốc quyết sinh! Thay mặt cho Đảng, Chính phủ, chúng tôi chúc các em sức khỏe”.

 

Trải qua 57 ngày đêm chiến đấu ngoan cường “giam chân” địch, ngày 14/2/1947, Quân ủy Trung ương hội ý cấp tốc, báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương cho phép rút Trung đoàn Thủ đô ra ngoài sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bao vây, kìm chân địch. Sáng 15/2, Hồ Chủ tịch và đồng chí Trường Chinh đồng ý để Trung đoàn rút ra ngoài với phương châm tổ chức chu đáo, an toàn bí mật. Như vậy, trong 60 ngày đêm chiến đấu ta đã tiêu diệt 2.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới; thực lực của ta không những được bảo toàn mà còn phát triển, từ 5 tiểu đoàn Vệ quốc quân lúc mới nổ súng thành 3 Trung đoàn lúc rời thành. Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, kìm chân địch trong hai tháng (19/12/1946-17/02/1947), gấp đôi thời gian Trung ương giao cho Thủ đô; đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của địch, tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước được bảo vệ và rút lên chiến khu an toàn./.