Hồi chuông thức tỉnh

08:54, 07/12/2016

Tuần qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã công bố quyết định thi hành kỷ luật và đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật, xem xét xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh uỷ Hậu Giang liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh. Nhiều cán bộ đảng viên, lão thành cách mạng đã bày tỏ quan điểm hoan nghênh và đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như mức độ xử lý kỷ luật.

Sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, tập thể Bộ Chính trị, người đứng đầu Chính phủ và tập thể thường trực Chính phủ đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thực thi công vụ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố mức kỷ luật đối với các cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo từ Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ rồi tỉnh Hậu Giang là rất nghiêm minh, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng ta trong việc lập lại kỷ cương phép nước.

 

Trong lịch sử Đảng ta từ trước đến nay, việc xử lý cán bộ đương nhiệm là bình thường; còn đối với cán bộ về hưu thì chưa có tiền lệ và mới bắt đầu từ việc xử lý trách nhiệm của ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương. Đây cũng là sự việc rất hiếm khi xảy ra vì số lượng cán bộ liên quan bị xử lý rất nhiều, đặc biệt là một số cán bộ cấp cao. Sự việc này cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta trong vấn đề làm trong sạch nội bộ Đảng. Đây cũng chính là quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống sự suy thoái, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ.

 

Dư luận chung là đồng tình và đánh giá cao cách làm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện. Việc công khai thông tin thể hiện sự cương quyết, trách nhiệm và thẳng thắn xử lý cho dù đó là cán bộ cấp nào, đương chức hay nghỉ hưu nếu mắc sai phạm. Công tác cán bộ phải được xem xét rất kỹ; nếu ai, cá nhân nào, tổ chức nào vi phạm, lợi dụng công tác đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Việc sử lý cán bộ sai phạm cần phải hết sức công tâm, có chứng cứ. Người thi hành công vụ phải có lý trí, giải quyết vụ việc phải trên cơ sở có lý có tình, mà quan trọng nhất phải đúng người, đúng tội; nặng cũng không được, mà nhẹ cũng không được. Cách làm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua là đúng mức, nghiêm minh, và công khai dân chủ.

 

Rất nhiều cán bộ, đảng viên, cán bộ lão thành trên địa bàn tỉnh cũng mong muốn các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục làm quyết liệt hơn nữa, không có vùng cấm để làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, từ đó, có xử lý nghiêm minh, công khai. Đồng thời, chúng ta cũng cần làm mạnh mẽ hơn để triệt tiêu, loại bỏ những phần tử lợi ích nhóm khu trú trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

 

Liên quan đến vụ việc Trịnh Xuân Thanh, quá trình trình kiểm điểm, xem xét và đến thời điểm này có hình thức kỷ luật mạnh như vậy đã thể hiện sự quyết liệt vào cuộc, xử lý đúng người, đúng chức trách nhiệm vụ được phân công, theo dõi. Qua sử lý vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy, quan điểm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất dứt khoát, chặt chẽ trong việc xử lý cán bộ sai phạm. Nếu không kịp thời chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sự tự diễn biến, tự chuyển hóa thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng ta đã xác định rõ điều này và đang làm rất quyết liệt.

 

Đấu tranh chống lại cái xấu ngay trong nội bộ là cực kỳ khó khăn. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cần thấu hiểu và nâng cao trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Việc làm này tuy khó khăn, nhưng phải làm từng bước và phải có thời gian, không được chủ quan, nóng vội.

 

Trong thời gian tới, toàn thể cán bộ và đảng viên ở các cấp sẽ triển khai nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là công việc thường xuyên để đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Song, để tránh xảy ra trường hợp tương tự như vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nhất là vấn đề chạy chức, chạy quyền, việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 lần này phải được thực hiện thật nghiêm túc. Trung ương làm gương, còn tại các địa phương, cán bộ lãnh đạo có thẩm quyền khi đề bạt cán bộ phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong quy hoạch, sử dụng cán bộ, phải thật sự dân chủ.

 

Người dân mong muốn, cách thức xử lý cán bộ một cách công khai như vụ việc Trịnh Xuân Thanh sẽ được áp dụng cả ở cấp địa phương khi xem xét xử lý cán bộ sai phạm để tạo niềm tin trong nhân dân. Người dân cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ và nếu phát hiện cán bộ liên quan tới sai phạm thì cần phải xử lý tiếp với tinh thần phát hiện đến đâu, xử lý đến đó. Sau này, khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, làm rõ được thêm nội dung gì thì tùy theo mức độ Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư sẽ xem xét tiếp.

 

Có lẽ, đây cũng là hồi chuông thức tỉnh cho những ai lợi dụng quyền thế, thân quen để “chạy” từ chỗ này sang chỗ kia. Những người có thẩm quyền ký các quyết định như vậy phải ý thức được rõ trách nhiệm của mình.