Nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển

10:56, 28/12/2016

Cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), bên cạnh những thuận lợi, đất nướcđang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được nhận thức đầy đủ, nhân rộng và thực hiện một cách hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, của địa phương và của từng ngành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.Quan điểm ấy chính là động lực to lớn làm cho phong trào thi đua yêu nước có sức mạnh tinh thần vô cùng mạnh mẽ, tồn tại lâu dài, phát triển không ngừng, gắn liền với sự phát triển của dân tộc. Từ những ngày đầu phát động, được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến và trong công cuộc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những  khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, xây dựng một xã hội tốt đẹp.

 

Với mong muốn phong trào phải đi sâu vào thực tiễn của đời sống và biến nó thành những hành động cụ thể, người đã chỉ ra: Muốn thực hiện tốt và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, thì phải có phương hướng đúng và vững, nghĩa là phải nâng cao lòng yêu nước và giác ngộ chính trị của mọi người. Phải có kế hoạch tỉ mỉ, kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm, nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phải hướng phong trào đi vào thực chất, tránh hình thức và bệnh thành tích, sao cho những cá nhân điển hình xuất sắc được tuyên dương không chỉ là những người đại diện xứng đáng, tiêu biểu, tiên phong trong sản xuất và chiến đấu mà còn là tấm gương về đạo đức cách mạng.

 

Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục chuyển biến tích cực, tốc độ phát triển ổn định so với năm 2015, một số chỉ tiêu kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã tạo thêm việc làm cho nhiều lao động… Đạt được những kết quả đó, chính là có một phần không nho của phong trào thi đua yêu nước rộng khắp các ngành, địa phương và các phong trào thi đua yêu nước đã gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác tổ chức phong trào thi đua tiếp tục đổi mới phương thức, hướng đến hiệu quả, bám sát nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh những phong trào: “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên” trong khối kinh tế tập thể; thi đua phấn đấu đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xuất sắc”, “Doanh nhân tiêu biểu” trong các doanh nghiệp; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong hoạt động sản xuất; “Dạy tốt - học tốt”,  “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong ngành Giáo dục. Hay như trong khối ngành Y tế, lĩnh vực xã hội nổi lên các phong trào: “Làm theo lời Bác, cán bộ y tế: Đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Ngày vì người nghèo”, “Mái ấm tình thương”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân một địa chỉ nhân đạo”… Những phong trào này được triển khai rộng khắp, góp phần thực hiện kịp thời, đúng quy định các chính sách, đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia... Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến mới. Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2016, Đảng bộ tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tác động tích cực trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ học tập tới đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, công tác đảm bảo an ninh quốc phòng… Tính đến nay, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 40 xã đạt chuẩn (chiếm 27,97% số xã trên địa bàn tỉnh) bình quân đạt 13,6 tiêu chí/xã (tăng 8,8 tiêu chí so với năm 2011), không còn xã dưới 6 tiêu chí, hiện nay đã có 113/140 xã (80,71%) đạt tiêu chí trường học, 115 xã (82,14%) đạt tiêu chí giáo dục, 134/140 xã (95,71%) đạt tiêu chí về y tế, được Trung ương đánh giá dẫn đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Từ các phong trào thi đua sôi nổi đó, toàn tỉnh đã có thêm nhiều điển hình tiên tiến mới. Kết quả khen thưởng chuyên đề, đột xuất: Có 18 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 Huân chương chiếm 17,75% tổng số khen thưởng cấp Nhà nước. Toàn tỉnh đã có 20 bà mẹ được tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, 2 cá nhân được tặng Huy chương kháng chiến chiếm 20,58% tổng số khen thưởng cấp Nhà nước, 12 cá nhân được khen thưởng quá trình cống hiến chiếm 9,34% tổng số khen thưởng cấp Nhà nước. Khen thưởng cấp tỉnh đã có 2.808 tập thể, cá nhân được khen thưởng, trong đó Tỷ lệ khen thưởng cá nhân là lãnh đạo quản lý 53,33%; cá nhân không là lãnh đạo quản lý 46,67%. Kết quả khen thưởng theo công trạng, thành tích đạt được: Có 1.174 tập thể, cá nhân được khen thưởng chiếm tỷ lệ 41,81% tổng số khen thưởng cấp tỉnh (trong đó có 82 Cờ thi đua; 113 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; 463 Tập thể Lao động xuất sắc, 6 Đơn vị Quyết thắng; 510 Bằng khen). Kết quả khen thưởng chuyên đề, đột xuất: Có 1.626 tập thể, cá nhân được khen thưởng trong các phong trào thi đua chuyên đề, đột xuất chiếm 57,91% tổng số khen thưởng cấp tỉnh. Trong lĩnh vực khen thưởng khác: Có 4 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích tham gia kháng chiến; 4 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen đối ngoại.

 

Sau những danh hiệu khen thưởng cao quý ấy chính là những thành quả về kinh tế, giáo dục, ứng dụng khoa học, công nghệ và an ninh trật tự, ổn định chính trị trên địa bàn toàn tỉnh. Đã có hàng trăm hec-ta đất được nông dân hiến cho các công trình giao thông, nhà máy, công trình phúc lợi công cộng để hình thành mới các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... thu hút hàng chục nghìn lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua đã nhận được hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều tấm gương mưu trí, dũng cảm trong các lĩnh vực của đời sống, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của tỉnh nhà. Có thể khẳng định rằng trải qua hơn 6 thập kỷ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị thực tiễn to lớn.